MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vé máy bay giảm mạnh

Giá nhiên liệu giảm sâu cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường là nhân tố thúc đẩy các hãng hàng không nội địa giảm mạnh giá vé

Gần đây, các chương trình giảm giá vé máy bay được các hãng hàng không liên tục tung ra.

Giảm trung bình 20% giá vé

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Airlines (JPA), cho biết trong quý I/2016, giá nhiên liệu bay Jet A1 chỉ còn bình quân 43 USD/thùng, giảm 40% so với mức bình quân 70-71 USD/thùng trong cả năm 2015.

Do phí môi trường đối với xăng dầu tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít cùng với việc điều chỉnh một số loại giá, phí khác liên quan, tính trung bình, giá nhiên liệu hàng không giảm được khoảng 25%. Đối với mô hình hoạt động của hãng hàng không giá rẻ, chi phí xăng dầu cũng giảm từ 45% tổng chi phí trong năm 2015 xuống còn 30% trong quý I/2016.

Tất cả những yếu tố thuận lợi nêu trên giúp JPA tiết kiệm được 7,5%-8% chi phí so với cùng kỳ năm 2015, là cơ hội để hãng giảm giá vé. Trong quý I/2016, giá vé máy bay trên các chặng nội địa của JPA đã giảm bình quân 22%. Còn so sánh với giai đoạn năm 2011-2012, giá vé máy bay bình quân năm 2015 đã giảm được một nửa.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), cho biết chưa bao giờ các chương trình giảm giá vé máy bay được tung ra “liên tục và dữ dội” như hiện nay. Chỉ tính riêng quý I/2016, sản lượng vận tải hành khách nội địa của các hãng hàng không đã tăng 34%. Thông thường, khi thị trường tốt, các hãng hàng không đạt mức tăng trưởng vận tải gấp đôi tốc độ tăng GDP. Bên cạnh đó, giá vé giảm 10% sẽ khiến sản lượng vận tải hành khách tăng trên 10%. Như vậy, năm nay, trừ yếu tố tăng trưởng vận tải theo GDP (khoảng 14%) thì tăng trưởng về đầu khách do yếu tố giá giảm vẫn là 20%.

“Do đặc thù hàng không có nhiều loại giá, mỗi đường bay chúng tôi cơ cấu khoảng 10 loại giá nên việc giảm giá được điều tiết theo nguyên tắc tăng tỉ trọng mở bán số ghế giá thấp nhiều lên, tức là có nhiều khách được bay với giá vé thấp” - ông Trịnh Ngọc Thành phân tích.

Vé 0 đồng cũng được tích điểm thưởng

Đáng lưu ý, những nguyên tắc vốn được coi là “bất di bất dịch” của vận tải hàng không như vé giá rẻ chỉ bao gồm chi phí mua chỗ và hành lý; không được hoàn, không được hủy, không được sử dụng dịch vụ hạng sang… đều đã thay đổi nhằm đem lại nhiều quyền lợi hơn cho hành khách.

Chẳng hạn, các hãng hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ sẽ ít có điều kiện thực hiện chương trình “khách hàng thường xuyên” nhưng có thể tận dụng được tiện ích này nếu có cổ đông là hãng hàng không lớn, như trường hợp của JPA và VNA. Ví dụ, VNA hoạt động theo mô hình truyền thống, không bao giờ có giá 0 đồng. Tuy nhiên, hành khách là hội viên Bông sen vàng của VNA có thể mua vé 0 đồng của JPA mà vẫn được tích điểm, tích dặm thưởng như bay với VNA. Nếu trả thêm 300.000 đồng cho loại giá linh hoạt hoặc 500.000 đồng cho loại giá tối ưu, hành khách còn được phép hưởng các dịch vụ ưu đãi kèm theo như miễn phí hành lý, được đổi ngày bay, được đổi tên, được sử dụng phòng chờ hạng thương gia, thậm chí được hoàn vé nếu không có nhu cầu bay.

Sắp tới, giữa VNA và JPA sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng trên một số đường bay. Tùy vào điều kiện khai thác cụ thể mà VNA bay hoặc chuyển đổi cho JPA thực hiện chuyến bay đó. Chương trình này nằm trong kế hoạch phát triển thương hiệu kép của VNA - JPA với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ khác nhau với giá từ thấp đến cao nhằm tăng tiện ích cũng như sự lựa chọn của hành khách.

Theo Tô Hà

Người Lao động

Trở lên trên