MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vé số truyền thống thất thu trong cơn lốc Vietlott

06-12-2016 - 16:15 PM | Xã hội

Do chạy theo “phong trào” mong được trúng số tiền lớn nên người dân chuyển từ mua vé số truyền thống sang mua vé số điện toán.

Tại một số địa phương ở vùng ĐBSCL, hiện nay vé số điện toán Vietlott bán tràn lan. Hầu hết những người bán vé số dạo trên tay lúc nào cũng có thêm vé số điện toán.

Do chạy theo “phong trào” mong được trúng số tiền “khủng” nên người dân cũng chuyển từ mua vé số truyền thống sang mua vé số điện toán. Sự xuất hiện tờ vé số điện toán bán phổ biến như hiện nay làm cho ngành xổ số kiến thiết truyền thống của các địa phương bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí giảm nguồn thu ngân sách.

Khách mua vé số điện toán ngay trước mặt mối quen vé số truyền thống.
Khách mua vé số điện toán ngay trước mặt mối quen vé số truyền thống.

Từ ngày xuất hiện vé số kiểu mới này đã làm cho hầu hết các đại lý vé số cấp I ở tỉnh Tiền Giang giảm lượng vé số bán ra gần 20%. Trong khi các đại lý vé số cấp 2, 3 hay các hộ bán vé số lưu động thì lại bán thêm vé số điện toán để phục vụ thị hiếu của khách hàng.

Ông Trần Trung Trực, chủ đại lý vé số 199 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 4, thành phố Mỹ Tho nói: “Bản thân đại lý cấp 1 bị thiệt thòi, bán ít, giảm 20%. Theo tôi không nên phát triển vé số điện toán. Điểm thứ nhất nguồn thu từ xổ số để phục vụ cho địa phương. Còn vé số điện toán có bàn tay của người nước ngoài. Tiền bạc của dân mình mà cho người ngoài vô chia lời, lấy đem về, mình thấy không đúng rồi”.

Anh Nguyễn Bình An – nhà vô địch Asian Paragames 2014, người có hơn chục năm sống nhờ vé số truyền thống cho biết, hiện số lượng bán ra giảm gần 1/2. Cụ thể nếu như trước đây bình quân một ngày anh bán được từ 200 -250 tờ thì hiện chỉ còn từ 140 – 160 vé. Càng buồn hơn khi rất nhiều “mối ruột” bỏ hẳn vé số truyền thống hoặc chỉ mua 1-2 tờ cho có lệ. Tuy vậy anh An vẫn không dám lấy vé số điện toán bán, vì sợ bán không hết phải ôm nợ. Đây cũng là nỗi lo của những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt sống nhờ vé số lâu nay.

Theo quy định vé số điện toán được trả trước 30 phút, trước khi quay số, tuy nhiên hiện ở Trà Vinh và nhiều tỉnh, thành khác loại vé số này không có đại lý cũng như thiết bị đầu cuối, chủ yếu qua trung gian và khoán đứt cho người bán dạo.

Anh Nguyễn Bình An chia sẻ: “Ai ghé mua cũng hỏi số Vietlott, 10 người đã có 8 người hỏi rồi, xổ số truyền thống 10 ngàn trúng 1,5 tỷ, còn số điện toán 11 ngàn trúng tới mấy chục tỷ. Vietlott thấy bán rất chạy nhưng khó ở chỗ lấy bao nhiêu phải bán hết bấy nhiêu, không hết sẽ phải ôm. Còn số truyền thống sáng không hết chiều trả nên không dám lấy số Vietlott”.

Trước tình trạng bị thu hẹp thị phần, đã có nhiều công ty xổ số nâng giải độc đắc lên 2 tỷ đồng, so với 1,5 tỷ đồng và sẽ thực hiện từ đầu năm tới. Tuy nhiên giá trị giải nhì từ 20 triệu đồng xuống còn 15 triệu đồng và giải phụ đặc biệt từ 100 triệu đồng còn 50 triệu đồng. Việc thay đổi giá trị giải lại bị nhiều người cho là công ty xổ số “chơi gác” và tiếp tục quay lưng với vé số truyền thống.

Tuy nhiên theo đại diện của Công ty xổ số kiến thiết Trà Vinh, một trong những đơn vị ảnh hưởng nặng từ vé số điện toán cho rằng, vấn đề ở chỗ vé số điện toán công bố giá trị giải thưởng liên tục chẳng khác nào quảng cáo trong khi vé số truyền thống thực hiện rất nghiêm túc trong vấn điều này. Ngoài ra, vì là loại hình xổ số mới nên việc quản lý, kiểm soát của ngành chức năng cũng còn nhiều bất cập.

Ông Trần Hoàng Hải, Phó giám đốc Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Trà Vinh nói: “Từ khi xổ số Vietlott ra đời, vé số truyền thống một phần bị ảnh hưởng, nhưng đành chấp nhận. Tuy nhiên Vietlott hiện nay bán không đúng quy định. Thứ hai, những địa bàn mà Bộ Tài chính chưa cho phép Vietlott vẫn đổ về tiêu thụ, Thứ ba là bán không đúng mệnh giá, hiện tại mệnh giá 10 ngàn đồng nhưng đến tay người mua phổ biến là 11-12 ngàn đồng/vé. Đó là cái bất lợi của vé số truyền thống”.

Có thể nói, mỗi năm, hoạt động xổ số kiến thiết đã góp nguồn kinh phí rất lớn để chăm lo cho các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ riêng tỉnh Tiền Giang năm qua đã góp vào ngân sách nhà nước hơn 1.300 tỷ đồng để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo, y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Do đó, việc bị cạnh tranh không lành mạnh từ vé số điện toán, làm giảm nguồn thu từ ngành xổ số truyền thống của cả nước nói chung là điều mà các ngành ở TW cần quan tâm, xem xét.

Ông Trần văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Theo quy định tại Nghị định 30 của Chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh xổ số phải là công ty TNHH Một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên số số điện toán hiện này là liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, điều đó không đúng quy định. Điểm thứ hai theo qui định vé số điện toán do người dân đến mua, chọn số tại đại lý nhưng thực tế chúng được in sẵn và đem đi bán dạo khắp các tỉnh và bán với giá cao hơn mệnh giá từ 1-2 ngàn đồng/vé. Điều này không phù hợp với quy định của pháp luật. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét lại hoạt động của vé số điện toán này”.

Theo nhiều người, xổ số điện toán hấp dẫn ở chỗ giải jackpot rất cao. Tuy nhiên từ khi ra đời được hơn 4 tháng, chỉ có 4 người trúng giải jackpot với tổng giá trị là 284 tỷ đồng. Cùng thời gian này, chỉ tính xổ số truyền thống khu vực miền Nam đã có gần 2.900 vé trúng giải đặc biệt, tổng giá trị là 4.347 tỷ đồng, chưa kể 19 giải an ủi khác.

PV

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên