MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường xổ số cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt!

Vietlott dường như đang “hụt hơi” trên con đường giành thị phần tại Việt Nam khi ngày càng có nhiều người "chia tay" với loại vé số một thời hoàng kim này.

Xổ số truyền thống và Vietlott đã và đang bước vào cuộc chiến giành thị phần, doanh số, khách hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người kinh doanh Vietlott thừa nhận doanh số bán ra vé số đang có xu hướng giảm dần do khách hàng thường xuyên đeo mặt nạ nhận giải.

“Giờ ai bán Vietlott nữa đâu mà mua"

Chị Phạm Phương, một người bán dạo tại trên Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM, cho hay ở thời điểm Vietlott mới ra, chị cũng lấy 50-100 bán kèm với truyền thống để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, gần đây chị Phương không bán nữa bởi có nhiều rủi ro.

“Lấy Vietlott bán lời ít hơn vé số truyền thống. Với vé số truyền thống bán dư thì trả lại được, có đại lý yêu cầu trả trước 14 giờ chiều, có nơi 15 giờ chiều. Còn Vietlott tôi mua mà bán ế cũng không được trả lại” - chị Phương lý giải.

Không chỉ người bán dạo e dè, các đại lý lớn nhỏ cũng thừa nhận rằng Vietlott dường như đang kém thế trên con đường giành thị phần tại Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Ân, đại lý vé số truyền thống và Vietlott trên đường Trường Sa, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM. cho rằng khoảng bốn tháng nay doanh số của ông bán ra bắt đầu giảm.

Lý giải điều này, ông cho rằng: “Vietlott trong thời gian chậm trúng tức số tiền thưởng còn lớn thì người chơi còn nhiều, bây giờ trúng nhiều, tiền thưởng ít đi nên sức mua giảm. Ở thời điểm Vietlott sở hữu mức trúng 300 tỉ thì một ngày tôi bán được 30-40 triệu đồng, giờ thì dao động mấy triệu hoặc mười mấy triệu là cùng”.

Ông cũng chia sẻ thêm khi ở thời điểm nóng, người chơi không thể hoặc ít bỏ tiền ra mua cả hai loại vé số mà sẽ lựa chọn phương thức nào nhiều tiền thưởng hơn thì mua, do đó khi thời điểm Vietlott đang mạnh thì xổ số truyền thống hơi chững lại.

Nhưng trong khoảng nửa năm trở lại đây, ông Ân cho hay vé số truyền thống đang dần tìm lại được chỗ đứng, nhất là những dịp gần Tết như bây giờ. Mỗi ngày, ông Ân nhập và bán hết 600-700 chiếc vé truyền thống.

Thị trường xổ số cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt! - Ảnh 1.

Những tháng gần Tết, các đại lý bán cho biết sức mua Vietlott đang bị giảm dần. Ảnh: Thu Hà


"Bán vé số truyền thống lợi nhuận cao hơn"

Chị TN, một người chuyên bỏ sỉ vé số tại đường Trường Sa, quận Tân Bình, TP.HCM, cũng cho biết: “Có thời điểm xổ số truyền thống bán đi hơi chậm là khi Vietlott bước chân vào Việt Nam. Song mấy tháng gần đây, sức mua xổ số truyền thống lại đi vào nhịp của nó. Mỗi ngày tôi bán ra 700-1.000 tờ”.

Ông Ân cũng nhận định rằng so về doanh số thì kinh doanh xổ số truyền thống vẫn mang lại cho ông nhiều lợi nhuận hơn xổ số Vietlott. Ông tiết lộ một ngày đại lý đó sẽ thu tiền hoa hồng của xổ số truyền thống 12% trên tổng doanh thu bán ra, còn Vietlott chỉ là 5%. Song theo ông Ân, dù doanh thu khác nhau nhưng ông vẫn bán cả hai loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Chúng tôi có mặt tại cửa hàng của anh Hoàng, chủ đại lý kinh doanh Vietlott trên đường Trường Sa, quận Tân Bình, TP.HCM, để khảo sát. Khi hỏi về sức mua, anh Hoàng thừa nhận mặc dù Vietlott vẫn mang lại doanh thu ổn định cho anh nhưng sức mua hiện tại giảm, điều này theo anh nhận định là do tâm lý khách hàng.

“Ai cũng muốn trúng nhiều mà gần đây giải thưởng thì ngày càng ít đi, cơ hội trúng lại mỏng manh hơn xổ số truyền thống nên giờ tự nhiên họ ngại hoặc chờ cho giải cao lên rồi mới mua lại”.

Anh Hoàng cho biết thêm vì mình chỉ mới kinh doanh loại xổ số điện toán này khoảng một năm đổ lại nên không rõ sức mua trước đó ra sao. Nhưng ở thời điểm giải thưởng nằm ở 90 tỉ đồng thì lợi nhuận anh thu về rất nhiều. Hiện tại bây giờ mỗi anh bán được khoảng 3.000.000-5.000.000 đồng, giảm khoảng 1.000.000-2.000.000 đồng so với thời điểm trước đây.

Song theo anh Hoàng, Vietlott có thể sẽ không thoái trào hay biến mất khỏi thị trường Việt Nam.

“Tôi nghĩ Vietlott hay xổ số truyền thống đều mang cái hay của nó. Chắc chắn Vietlott sẽ phải có cách tính toán và dự kiến họ sẽ đưa ra nhiều chương trình hoặc mức thưởng cao hơn. Tôi nghĩ sẽ có nhiều điều hay ho cho người chơi giữa hai anh xổ số này” - anh Hoàng nhận định.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định điều khiến Vietlott có sức hút trong thời gian đầu mới ra mắt là do nằm ở con số của giải thưởng và hình thức hoạt động của nó. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến thời gian gần đây chúng bị chậm nhịp đi.

“Theo quan điểm của tôi, Vietlott bước chân vào thị trường VN với hình thức mới mẻ của loại xổ số tự chọn dãy số và giải thưởng tích lũy qua mỗi kỳ đẩy việc trúng số lên con số hàng trăm tỉ đồng. Chính điều này đã tạo nên sức hút ngay từ khi ra mắt. Tuy nhiên, chính vì là dãy số tự chọn nên xác suất trúng thưởng khá khó, do đó người chơi dần dần bị nản, và quay lại với thị trường xổ số truyền thống”.

Khách hàng che mặt lĩnh thưởng gây khó cho Vietlott

Bước chân vào Việt Nam hơn hai năm, Vietlott nổi lên như một hiện tượng hút khách hàng trên thị trường xổ số, tuy nhiên kèm theo đó là những hoài nghi về giải thưởng, khi sản phẩm này liên tục có người trúng giải thưởng lớn. Trong khi danh tính người trúng giải không được công khai đã khiến nhiều người nghi ngờ về sự minh bạch và đặt câu hỏi về việc có hay không sự sắp đặt.

Anh Lê Huy, một người mua vé số lâu năm,cho hay: “Tôi có cảm giác Vietlott trúng giải quá nhiều, mở ở đâu là trúng ở đó. Có thể với người khác đó là cách kích thích sức mua nhưng tôi lại thấy không tin tưởng ở Vietlott cho lắm. Hơn nữa, với xác suất trúng của Vietlott khó hơn truyền thống nhiều, người mua phải trùng ba cặp số trở lên mới được coi là trúng thưởng”.

Trước sự hoài nghi này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giữ bí mật thông tin người trúng giải là thông lệ tại nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. “Việc giấu địa chỉ, tên thật, tuổi tác hay số điện thoại… nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tránh được những phiền phức phát sinh do trúng số giá trị lớn. Và nếu người trúng số, kể cả Vietlott hay xổ số truyền thống, không muốn công khai thông tin cá nhân thì cơ quan phát hành xổ số phải tôn trọng nguyện vọng này” - ông Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cho hay để vừa đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cho người trúng thưởng mà vẫn đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin của người dân thì công ty xổ số có thể cung cấp các thông tin như nơi cư trú, vé bán ở đại lý nào… Và có thể cân nhắc phương án ủy quyền cho người đại diện pháp lý như luật sư nhận giải thay.

Một số ý kiến khác thì cho rằng nguyên nhân chính khiến nhiều người quay lưng với Vietlott vì họ nghi ngờ tính minh bạch. Ví dụ do công nghệ và mạng lưới bán vé đều do Vietlott điều hành nên người chơi chưa tin về tính xác thực của vé trúng giải độc đắc.

Thị trường xổ số cuối năm: Cạnh tranh khốc liệt! - Ảnh 2.

Theo TS Hiếu, bản thân doanh nghiệp xổ số truyền thống và Vietlott phải tự đổi mới thị trường kinh doanh của mình. Ảnh: Thu Hà


Trước câu hỏi, Vietlott và sổ xố truyền thống cần làm gì trong cuộc đua giành thị trường, TS Hiếu cho rằng mỗi một loại hình cần phải tạo ra tính ổn định lâu dài, do đó để phân định trong cuộc đua này thì có lẽ bản thân hai loại hình xổ số này cần mở rộng hàng ngang, tức là mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó với sự phát triển và thay đổi không ngừng của thị trường kinh tế, nếu như xổ số truyền thống cũng như Vietlott không có thêm chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản hơn, đổi mới, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn, tăng cường cơ cấu và giá trị các giải thưởng… thì sớm muộn thị phần cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Thu Hà

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên