MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Về thủ đô, doanh nhân mang theo 12 kiến nghị cải cách ngành thuế

Ngay trước thềm Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, một doanh nhân ở tỉnh Thái Nguyên về thủ đô mang theo bản kiến nghị cải cách cơ quan thuế gồm 12 điểm.

Kiến nghị 12 điểm gửi ngành thuế

Trên tay bản kiến nghị cải cách 12 điểm trong lĩnh vực thuế, một người đàn ông đã vượt mưa gió trên quãng đường hơn 100 cây số về thủ đô. Ông là Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên).

Bản kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thời được đưa ra trong thời điểm “mùa quyết toán”. Bởi theo quy định của Luật quản lý thuế, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế trong thời gian 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính. Càng ý nghĩa hơn khi chỉ một tuần nữa Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Chủ tịch TNG chia sẻ rằng mục đích chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin giúp ngành thuế cải cách. Theo bản kiến nghị của ông Thời, ngành thuế cần khắc phục ngay 12 điểm để nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Các kiến nghị này tập trung vào vấn đề giảm bớt thời gian quyết toán thuế và hóa đơn chứng từ.

Năm 2016, TNG đã từng có lúc phải cử đồng thời hàng chục nhân viên đến trụ sở các Sở Công thương trên toàn quốc, chỉ để đăng ký khuyến mại. Lý do là bởi Quy định hàng hóa dịch vụ khuyến mại phải thực hiện đăng ký tại Sở Công thương mới được hưởng giá tính thuế GTGT bằng 0. Theo ông Thời, điều này không chỉ gây tốn kém thời gian và nhân lực mà còn khiến doanh nghiệp mất uy tín trong lòng khách hàng vì thời điểm khuyến mại tại các tỉnh không khớp nhau.

Một điều bất hợp lý nữa của ngành thuế là quy định doanh nghiệp phải lập hóa đơn trong khi chuyển giao quyền sở hữu. Trong khi đó, Tổng Cục Thuế đã có công văn cho phép Honda Việt Nam được lập hóa đơn sau khi bán xe. Chủ tịch TNG cho rằng đang có thiếu công bằng trong hoạt động của ngành thuế.

Kể câu chuyện ở một shop thời trang TNG, ông Thời cho biết các nhân viên bán hàng rất vất vả. Họ vừa tư vấn cho khách, giúp khách mặc đồ, đóng gói sản phẩm, nhưng cần phải kịp thời lập hóa đơn trong lúc bán hàng vì sợ bị Bộ Tài chính phạt.

Ủng hộ việc cho phép lập hóa đơn sau khi bán hàng, Chủ tịch TNG đề xuất ngành thuế nên học tập và áp dụng “Án lệ” như Hội đồng Thẩm phán ban hành. Trước mắt nên coi trường hợp của Honda Việt Nam là một “Án lệ” đầu tiên.

Hiến kế giúp quản lý thuế, ông Thời nghĩ cơ quan chức năng nên ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo luồng tiền, thay vì chỉ dựa vào chế độ hóa đơn chứng từ như hiện tại. Cách làm như hiện nay không chỉ lỏng lẻo mà còn đẩy doanh nghiệp vào chỗ sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ví dụ gần đây nhất là vụ việc xuất khống 3.150 hóa đơn cho hơn 500 công ty của hơn 33 doanh nghiệp “ma” nhằm chiếm đoạt 78 tỷ đồng tiền thuế.

Hướng tới chuẩn mực quốc tế

Dù còn nhiều vấn đề bất cập, song Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng ngành thuế đã đi những bước rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính.

Xếp hạng năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Thuế Việt Nam ngành đội sổ trong khu vực ASEAN. Thời gian thực hiện thủ tịc hành chính lúc đó bao gồm cả bảo hiểm xã hội lên đến 872 giờ - mức cao nhất trong ASEAN.

Sau khi Chính phủ ban hành và thực thi quyết liệt Nghị quyết 19, thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội chỉ còn 165 giờ, lọt vào top 4 ASEAN về sự thuận lợi trong thu thuế và thực hiện thủ tục về thuế.

Là đơn vị phối hợp với WB nhằm đưa ra bản đánh giá toàn diện về cải cách thủ tục hành chính thuế, VCCI cho biết 75% doanh nghiệp được khảo sát hài lòng với ngành. Nhận định sự hài lòng đang ngày càng tăng lên, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc cho rằng vẫn còn nhiều dư địa cho ngành thuế cải cách. Đáng chú ý, việc cải cách này còn có trách nhiệm của Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc Hội.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Nhà nước phải tiến hành thay đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vướng mắc của TNG. Là đơn vị người bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, VCCI đã đề nghị Quốc hội ban hành một đạo luật mới sửa đổi nhiều luật đang có. Phía Chính phủ thể hiện tinh thần kiến tạo vì người dân, vì doanh nghiệp bằng việc thông qua Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, các nỗ lực về thể chế hiện đang hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn nằm ở yếu tố con người vì cán bộ công chức luôn là đối tượng tiếp xúc trực tiếp người dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thời cho biết vẫn có đôi lúc cán bộ thuế gây khó khăn và khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí không chính thức. Sự tốn kém này được Chủ tịch TNG chỉ ra là bởi thời gian kéo dài, các công việc trong doanh nghiệp bị chậm trễ và hoàn toàn không phải mang ý nghĩa “phong bì”.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên