Vệ tinh chụp được 'kim tự tháp' ở Nam Cực, cư dân mạng đồn đoán do người cổ đại xây từ 10.000 năm trước
Đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh cãi về thứ mà vệ tinh chụp được là kim tự tháp hay chỉ là một đỉnh núi.
- 01-08-2023Sự thật về phát hiện 20.000 kim tự tháp thời tiền sử trên Sao Kim
- 28-07-2023Trung Quốc cũng có kim tự tháp, nhưng tại sao lại ít nổi tiếng hơn nhiều so với kim tự tháp Ai Cập?
- 24-07-2023Thợ lặn vô tình phát hiện kim tự tháp gây tranh cãi dưới đáy biển Nhật Bản
Vệ tinh bất ngờ tìm thấy "kim tự tháp" bí ẩn
Vào năm 2016, cư dân mạng xã hội rầm rộ chia sẻ một bức ảnh về một "kim tự tháp" mới được vệ tinh Google Earth tình cờ chụp lại. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nó được tìm thấy ở Nam Cực. Theo những chi tiết trong bức ảnh, có thể thấy "vật thể lạ" này có cấu trúc gồm 4 cạnh dốc xuống, ước tính kích thước của mỗi cạnh chân núi khoảng 2km khiến nhiều người liên tưởng tới các kim tự tháp Ai Cập. Ngay lập tức, bức ảnh này đã tạo nên một làn sóng tranh cãi về xuất xứ của "vật thể lạ" này.
Một số người khẳng định rằng đây là một kim tự tháp được xây dựng bởi một nền văn minh cổ đại cách đây 10.000 năm khi Nam Cực còn ấm áp. Thậm chí, họ còn cho rằng người cổ đại đã xây dựng kim tự tháp này trước cả những người Ai Cập.
David Childress, một trong những người đầu tiên đưa ra giả thuyết này cho rằng: "Kim tự tháp này là một trong những công trình cổ nhất thế giới. Nó có thể là kim tự tháp đầu tiên được tạo nên và sau đó đã trở thành khuôn mẫu của những kim tự tháp khác".
"Kim tự tháp" hay đỉnh núi?
Tuy nhiên, các chuyên gia địa chất lại bác bỏ lập luận này. Họ cho rằng đây thực chất chỉ là một ngọn núi có vẻ ngoài giống với một kim tự tháp. Eric Rignot, giáo sư địa chất đến từ đại học Irvine tin rằng cấu trúc giống kim tự tháp hoàn toàn có thể xảy ra trong tự nhiên. Cấu trúc này thực ra chỉ là do sự hội tụ của các dòng sông băng ở trên các bề mặt của ngọn núi. Đặc điểm này thường xuất hiện trên các ngọn núi ở khu vực phủ đầy băng giá.
Tiến sĩ Mitch Darcy, một nhà địa chất tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Địa chất Đức cũng đồng ý với ý kiến của giáo sư Eric Rignot. Theo tiến sĩ Mitch Darcy, đây là một dạng cấu trúc thường gặp. Dạng địa chất này còn được gọi tên là "nunatak". Có thể hiểu đơn giản rằng, dạng địa chất này là một đỉnh đá nhô lên khỏi một dòng sông băng hoặc một tảng băng trôi.
Cụ thể, đỉnh Matterhorn thuộc dãy núi Alps hay núi Bulandstindur ở Iceland cũng có hình dáng khiến người khác liên tưởng tới một kim tự tháp. Vì vậy, ông tin rằng hình dáng đặc biệt của đỉnh núi đá ở Nam Cực chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ông cũng khẳng định thêm nó không phải là công trình của một nền văn minh nào.
Mặc dù có nhiều nhà khoa học đã lên tiếng nhưng vẫn có nhiều cư dân mạng không chấp nhận lời giải thích này. Họ cho rằng, "kim tự tháp" ở Nam Cực này là công trình của người ngoài hành tinh để lại. Hơn nữa, chúng ta vẫn còn quá nhiều thứ chưa tìm hiểu hết về lịch sử cổ đại và những con người ở thời đó.
Phụ nữ Việt Nam