MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VECOM: Trong làn sóng dịch mới, người cao tuổi đã chủ động học kỹ năng mua sắm online

VECOM: Trong làn sóng dịch mới, người cao tuổi đã chủ động học kỹ năng mua sắm online

Theo khảo sát mới công bố kết quả gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM, đặc điểm nổi bật là trong đợt dịch thứ tư nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, đồng thời những người đã từng mua sắm trực tuyến thì mua sắm nhiều hơn.

Để nắm bắt những đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử trong đợt dịch thứ tư, tháng 10 năm 2021 VECOM đã khảo sát nhanh gần 60 doanh nghiệp tiêu biểu liên quan tới thương mại điện tử thuộc năm lĩnh vực, bao gồm bán lẻ trực tuyến, logistics và hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị số, giải pháp kinh doanh số. Giai đoạn khảo sát từ tháng 6 tới tháng 9 năm 2021. Mới đây, VECOM đã công bố các kết quả khảo sát.

Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của đông đảo người tiêu dùng

Đợt dịch thứ tư ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ kinh tế xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân trên cả nước, đặc biệt tại các địa phương đông dân và là đầu tàu về kinh tế. Trong giai đoạn này mua sắm và bán hàng trực tuyến là kênh duy nhất của người tiêu dùng và thương nhân tại hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cũng như tại một số thành phố khác.

Đặc điểm nổi bật là trong đợt dịch thứ tư nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, đồng thời những người đã từng mua sắm trực tuyến thì mua sắm nhiều hơn.

Đáng chú ý là nhóm người tuổi cao, hạn chế về kỹ năng và kiến thức công nghệ thông tin nhưng đã khá chủ động học các kỹ năng mua sắm online. Người tiêu dùng nói chung cũng tin tưởng hơn vào thương mại điện tử và duy trì thói quen mua sắm trực tuyến.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều lạc quan về sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Trong đợt dịch thứ tư xu hướng người tiêu dùng mua sắm online tăng lên và hành vi này sẽ được củng cố và duy trì trong dài hạn.

Khảo sát của VECOM cho thấy xu hướng này đối với người tiêu dùng còn rõ ràng hơn nữa trong đợt dịch thứ tư. Người tiêu dùng mới tham gia mua sắm trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. Đồng thời họ cũng mua sắm trực tuyến nhiều loại hàng hoá và dịch vụ hơn.

VECOM: Trong làn sóng dịch mới, người cao tuổi đã chủ động học kỹ năng mua sắm online - Ảnh 1.

Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam cho thấy số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn giai đoạn tháng 6-9 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% tới 50%. Thậm chí các đơn hàng cũng tăng từ 8% đến10% so với kế hoạch từ đầu năm.

Kết quả này tương đồng với xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát. Khảo sát 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này cho thấy 5 hầu hết đều có mức tăng trưởng đơn hàng ngang bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%.

Sự tăng trưởng số lượng đơn hàng của các sàn thương mại điện tử lẫn các doanh nghiệp chuyển phát diễn ra trong bối cảnh vô cùng khó khăn do giãn cách dẫn tới nguồn hàng khan hiếm và có những giai đoạn không thể hoàn tất đơn hàng do lệnh cấm hoặc hạn chế dịch vụ giao hàng.

Thương nhân tăng tốc trong chuyển đổi số

Khảo sát của VECOM còn chỉ ra, trong làn sóng dịch thứ tư, các thương nhân đã tích cực chuyển đổi số, sử dụng các kênh trực tuyến để tương tác với khách hàng và bán sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị.

Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm các sàn lớn nhất cho thấy trong giai đoạn này nhiều gian hàng mới đã được đăng ký. Cả 4 sàn đều chứng kiến sự tăng lên mạnh mẽ của các gian hàng mới so với cùng kỳ năm 2020. Thậm chí trong đợt dịch thứ tư, số lượng gian hàng mới tăng lên cao hơn cả kế hoạch đặt ra từ đầu năm.

VECOM: Trong làn sóng dịch mới, người cao tuổi đã chủ động học kỹ năng mua sắm online - Ảnh 2.

Các sàn thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân. Nhiều giải pháp kinh doanh mới trên sàn được đẩy mạnh như việc khai thác các kênh livestream, tổ chức các chương trình khuyến mại...

Các sàn thương mại điện tử cũng chủ động mở rộng phạm vi hoạt động để thu hút thêm nhà bán hàng mới với lĩnh vực kinh doanh đa dạng. Hoạt động hỗ trợ giải cứu nông sản được tổ chức rầm rộ trên các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Postmart, Voso…

Bên cạnh đó, nhiều thương nhân đã tăng cường bán sản phẩm trên website của mình. Do nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của khách hàng trong đợt dịch thứ tư rất lớn nên kết quả kinh doanh trên website cũng có sự khác biệt rõ ràng giữa những thương nhân bán hàng thiết yếu với các thương nhân còn lại.

Kết quả khảo sát cho thấy nhóm website bán hàng thiết yếu có sự tăng trưởng khách hàng so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng trên 6%, thậm chí có thương nhân tăng trưởng khách hàng đến 100%. Với nhóm website bán hàng không thiết yếu, lượng khách hàng đều giảm với mức giảm trong khoảng từ 5% tới 95%.

Về chuyển đổi số nội bộ, trong đợt dịch thứ tư mức độ các doanh nghiệp triển khai mô hình nhân sự làm việc từ xa tiếp tục tăng lên. Có tới 67% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tỷ lệ nhân viên làm việc tại nhà của họ chiếm trên 51%. Đối với nhóm doanh nghiệp áp dụng tỷ lệ nhân viên làm việc tại nhà từ 21-50% đã tăng lên 25% so với mức 18% năm 2020.

https://cafef.vn/vecom-trong-lan-song-dich-moi-nguoi-cao-tuoi-da-chu-dong-hoc-ky-nang-mua-sam-online-20220122214807121.chn

Liên Nguyễn

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên