Vén màn loạt chiêu trò đáng sợ đằng sau ứng dụng vay tiền online: Các con nợ bị gài bẫy, săn lùng tới mức tự tử như thế nào?
Một nhân viên thu nợ tiết lộ với tờ NYT, các con nợ thường xin kéo dài thời hạn, van nài rằng việc quấy rối liên tục thế này sẽ dẫn tới cái chết của họ. Tuy nhiên, các nhân viên thu nợ vì tiền thưởng nên vẫn sẽ tiếp tục.
- 25-03-2023CEO OpenAI cảm thấy “tồi tệ” vì lỗi bảo mật của ChatGPT
- 25-03-2023ChatGPT trả lời gì khi được hỏi nên sống ở thành phố hay bỏ phố về quê?
"Mê cung ảo" của sự tuyệt vọng
Dele Awosanya (tên nạn nhân đã được thay đổi), một kiến trúc sư, sợ hãi nhìn xung quanh như thể đang bị ai đó theo dõi. Mặc dù hôm đó thời tiết khá lạnh nhưng cơ thể anh lại tứa mồ hôi đầm đìa.
"Tôi hiện đang khánh kiệt và phá sản. Những ứng dụng cho vay đang ám ảnh cuộc đời tôi. Tin nhắn và những lời đe dọa đang khiến tôi coi cái chết như một cánh cổng để thoát khỏi sự tủi nhục này… Bây giờ tôi chỉ có thể hy vọng vào Chúa" - Awosanya nói với phóng viên Victor Ayeni của Nhật báo Punch (Nigeria), giọng chứa đầy sự tuyệt vọng.
Awosanya chỉ là một trong số hàng nghìn người Nigeria đã vay tiền từ các app cho vay nặng lãi trực tuyến, sau đó vỡ nợ. Giờ đây anh trở thành mục tiêu săn lùng của các chủ nợ, bị đe dọa, quấy rối, hủy hoại nhân tính và thậm chi cướp đi ý chí sống.
G. Chandra-Mohan, một người đàn ông 38 tuổi tại Ấn Độ, đã vay khoảng 1.000 USD từ ứng dụng vay tiền online. Tuy nhiên, sau một thời gian, số tiền nợ đã tăng lên gấp 5 lần do lãi, phí phát sinh và tiền phạt trễ hạn.
Với mức lương 200 USD/tháng, Chandra-Mohan không thể chi trả nổi. Anh rút hết hạn mức trong thẻ tín dụng và vay tiền từ hàng chục ứng dụng cho vay khác để ứng phó.
Khi Chandra-Mohan báo với cảnh sát về những cuộc gọi quấy rối từ nhân viên thu hồi nợ, họ bảo anh ta tắt điện thoại trong vài ngày và quay lại nếu tình trạng vẫn tiếp diễn.
Một buổi sáng, sau khi lái xe máy chở vợ đến văn phòng, Chandra-Mohan đưa cho 3 cô con gái nhỏ một ít tiền lẻ và gửi chúng sang ông bà. Tiếp đó, anh trở về nhà và quyết định kết liễu cuộc đời mình.
Thế nhưng, ngay cả sau khi Chandra-Mohan tự sát, những cuộc gọi đòi nợ vẫn tiếp tục tìm đến...
Theo Punch, trong những năm gần đây, các công ty cho vay trực tuyến đã trở thành một nguồn cung hấp dẫn đối với nhiều cá nhân và chủ doanh nghiệp khi cho phép nhận các khoản vay nhanh chóng, dễ dàng.
Không khó để tìm thấy ứng dụng cho vay trực tuyến trên cửa hàng Google Play. Tại Nigeria, các ứng dụng này thường yêu cầu người dùng cung cấp Số xác minh ngân hàng (Bank Verification Number) và số điện thoại liên kết với nó.
Đối với các trường hợp ở Ấn Độ, ứng dụng vay tiền online còn yêu cầu quyền truy cập vào điện thoại của người vay, danh bạ, ảnh, tin nhắn văn bản, thậm chí nắm được cả phần trăm pin trên máy điện thoại của họ.
Trong năm ngoái, các cơ quan chức năng của Ấn Độ đã phải phát đi cảnh báo đỏ về hàng loạt trường hợp trở thành nạn nhân của các ứng dụng vay tiền online.
Vén màn những phương thức đòi nợ đáng sợ
Theo tờ New York Times (Mỹ), hạn hoàn trả các khoản vay online có thể rất ngắn, ví dụ như chỉ trong 1 tuần. Chủ nợ thường tính thêm lãi và phí (lên tới 1/3 khoản vay) trước khi tiền được chuyển đến tay người vay. Do đó, ngay từ ban đầu, những người đi vay đã nợ nhiều hơn số tiền mà họ nhận được.
Một số công ty cho vay còn có cả tổng đài, nơi các nhân viên thu nợ sẽ tiến hành chiến thuật đòi nợ qua điện thoại/mạng xã hội.
Đầu tiên, họ sẽ thực hiện các cuộc điện thoại quấy rối, thúc giục con nợ phải trả đủ tiền gốc, tiền lãi và phí phát sinh. Nếu các con nợ không trả hoặc không trả đủ, cuộc gọi sẽ chuyển hướng sang bạn bè và gia đình của họ, trong đó nhân viên thu nợ đôi khi còn cung cấp thông tin giả rằng người cho vay đang bị cảnh sát truy nã.
Một số đã lập nhóm chat trên WhatsApp, thêm thành viên từ danh sách liên hệ của người vay, sau đó gửi vào nhóm này những lời buộc tội nạn nhân. Một số khác sẽ tìm cách hướng những con nợ đang tuyệt vọng chuyển sang các dịch vụ cho vay tiền khác, khiến nạn nhân càng rơi sâu hơn vào bẫy.
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, một thanh niên 24 tuổi từng là nhân viên thu nợ cho biết anh ta kiếm được khoảng 130 USD/tháng với công việc này. Mỗi ngày, anh sẽ nhận được các tệp thông tin của khoảng 50 người vay, bao gồm thông tin cá nhân, bản sao căn cước và danh sách liên hệ của họ.
Các nhân viên thu nợ có thể kiếm được khoản tiền thưởng 7 USD hàng tuần nếu gây được áp lực buộc 3/4 con nợ phải trả lại các khoản vay. Tiền thưởng sẽ tăng gấp đôi nếu tỷ lệ thành công là 4/5 hoặc cao hơn.
Cũng theo người này, các con nợ thường xin kéo dài thời hạn, van nài rằng việc quấy rối liên tục thế này sẽ dẫn tới cái chết của họ. Tuy nhiên, các nhân viên thu nợ vì tiền thưởng nên vẫn sẽ tiếp tục.
Trong khi đó, trả lời tờ Punch, bà Sola Erabor – người từng làm nhân viên thu nợ bán thời gian cho một số công ty cho vay như Easy Naira, Happy Loan và Fast Naira cho biết, các nhân viên thu nợ được đào tạo để sử dụng những lời đe dọa, quấy rối nhằm thu hồi các khoản vay.
"Thường sẽ có chỉ tiêu, nếu tới cuối tháng mà không đòi được khoản nợ nào thì sẽ bị trừ lương. Nhưng nếu thành công, nhân viên thu hồi nợ sẽ nhận được một khoản hoa hồng đáng kể. Vì vậy, họ phải làm bất cứ điều gì để đòi được tiền từ người vay, ngay cả khi phải lăng mạ, đe dọa…" – Bà Erabor cho hay.
Các nhân viên thu nợ sẽ phân loại người vay thành 4 loại, từ Q 0 đến Q 4.
Những người có khoản vay chưa đến hạn rơi vào Q 0, nhân viên thu nợ sẽ gọi điện, khuyến khích họ trả tiền và hứa hẹn những lợi ích "hão" nếu họ thanh toán trước hạn.
Vào ngày đến hạn mà chưa trả nợ, những người Q 0 sẽ trở thành Q 1. Q 2 và Q 3 là những người có khoản vay đã trễ hạn trả vài ngày cho tới 1 tuần.
Q 4 là những người đã trễ hạn trả từ 30 ngày trở lên. Họ sẽ nhận được những cuộc gọi quấy rối đòi nợ với giọng điệu gay gắt hơn. Đây cũng là lúc nhân viên thu nợ tìm tới liên hệ của người thân/bạn bè con nợ.
Chuyên gia cảnh báo cơ chế "gây hấn ngược"
Tiến sĩ Victor Essien, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Thần kinh Liên bang Calabar cho biết, những phương pháp đòi nợ thiếu chuyên nghiệp mà các nhân viên thu nợ thực hiện có thể khiến người vay gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
"Nạn nhân có thể rối loạn lo lắng hoặc nghĩ đến việc tự tử. Một số người giảm cảm giác hoặc không cảm thấy thèm ăn nữa. Họ cầm chí cần tới các chuyên gia để vượt qua những giai đoạn này" – Ông Essien nói.
Theo ông Usen Essien - Giám đốc Tổ chức Y tế và Phát triển tại Nigeria, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những thứ được gọi là "rối loạn bốc đồng". Có những người mua thứ họ không muốn bởi không kiểm soát được ham muốn mua sắm, từ đó dẫn tới nghiện nợ nần.
Một số người thì đi vay không phải bởi thiếu tiền, mà bởi họ được tiếp cận với thứ họ nghĩ là "tiền miễn phí".
Tác động tâm lý từ các cuộc gọi/tin nhắn đe dọa là rất lớn. Thứ nhất, chúng gây căng thẳng về mặt tinh thần cho người đi vay. Thứ hai, chúng sẽ kích hoạt cơ chế gây hấn. Nhiều người phản ứng với các mối đe dọa bằng cách gây hấn, bởi đó là một trong những cơ chế đối phó của não bộ. Đối với họ, điều quan trọng nhất khi ấy là lòng tự trọng vẫn còn nguyên vẹn.
Thể Thao Văn Hóa