VEPR: Giá xăng tăng, nguy cơ lạm phát 2019 vượt 4%
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường tăng vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng một năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm.
- 08-10-2018“Dồn nén lạm phát năm 2018 sẽ tạo áp lực lớn cho năm sau“
- 01-10-2018Thủ tướng: Sức ép lạm phát còn rất lớn!
- 31-08-2018Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang "đè nặng" lên 4 tháng cuối năm
Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III ngày 10/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra cảnh báo lạm phát năm 2018 khó đạt mục tiêu 4% và lo ngại về lạm phát năm 2019 vượt xa mức 4%.
Phân tích về mặt hàng xăng dầu - một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất, VEPR cho biết, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục kéo theo nhiều loại hàng hóa khác tăng theo do tăng chi phí vận chuyển.
Cùng với đó, trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, VEPR cho rằng việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
"Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây", TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết. Mục tiêu lạm phát 4% năm 2018 khó có thể đạt được.
Từ đầu năm, sau 19 đợt điều chỉnh (trong đó có 7 đợt tăng và 3 kỳ liên tiếp gần nhất xăng đều tăng giá), giá xăng đã tăng 2.666 đồng một lít.
Đến nay, giá bán lẻ vượt 22.000 đồng với RON 95 và gần 21.000 đồng với E5 RON 92. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Theo tính toán sơ bộ của VEPR, riêng sự thay đổi về thuế bảo vệ môi trường, 1.000 đồng thuế tăng vào giá xăng có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao.
Đồng tình với tính toán của VEPR, PGS TS Phạm Thế Anh cho rằng đánh giá việc tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ làm tỷ lệ lạm phát năm 2019 tăng khoảng 0,09 điểm phần trăm là quá thấp, thiếu chính xác.
Theo TS Phạm Thế Anh, việc đánh thuế vào xăng dầu còn kéo theo các tác động khác, ảnh đến nguyên vật liệu sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa và chi phí của doanh nghiệp. "Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp", TS Phạm Thế Anh lưu ý.
Nguy cơ lạm phát từ tỷ giá
Ông Phạm Thế Anh cũng cảnh báo lạm phát là vấn đề toàn cầu đáng lo ngại. Ngoài ảnh hưởng từ việc tăng giá lương thực, nhiên vật liệu, các nước đang phát triển như Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ lạm phát do tỷ giả. Việc đồng USD tăng giá, các nước đang phát triển đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát, tạo ra vòng xoáy tăng lạm phát trong nước.
Đồng tình, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc VND đang tăng giá nhiều hơn NDT (so với USD) trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế thực của Việt Nam, làm tăng lạm phát và hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh hơn.
Ông Hiếu cho rằng thời gian tới cần tìm khoảng giữa sự tăng giá USD và mất giá của NDT để điều chỉnh VND.
Tiếp tục giữ quan điểm, VEPR cũng đồng tình Việt Nam cần chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của NDT so với USD trời gian tới.
VEPR phân tích, đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế.
Theo VEPR, trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tỉnh theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020.
Theo đó, TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Người đồng hành