MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo

19-12-2020 - 13:43 PM | Sống

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo

Trong cuộc đời mình, bác sĩ Sanduk Ruit đã tổ chức hàng trăm trại phẫu thuật mắt lưu động ở khắp Châu Á và Châu Phi, bao gồm cả Việt Nam.

Sanduk Ruit chỉ mất năm phút để giúp một người thay đổi cuộc đời. Đó là khoảng thời gian ông rạch một đường nhỏ trong mắt bệnh nhân, lấy ra thủy tinh thể đã mờ đục rồi thay lại vào đó một thấu kính nhân tạo giá rẻ.

"Một số bác sĩ trẻ ở chỗ chúng tôi còn thao tác nhanh hơn thế", Ruit nói.

Đối với những bác sĩ như ông, đó chỉ là một công việc 5 phút. Nhưng đối với bệnh nhân, 5 phút đó có thể là lần đầu tiên họ thấy ánh sáng sau nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ mù lòa.

Sanduk Ruit - Vị bác sĩ huyền thoại đã chữa khỏi hơn 130.000 đôi mắt cho người khiếm thị nghèo

Trong suốt hơn 30 năm qua, bác sĩ Sanduk Ruit đã thực hiện tổng cộng hơn 130.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí cho các bệnh nhân ở Châu Á và Châu Phi.

Ông ấy hiện là một trong những bác sĩ phẫu thuật mắt giỏi nhất thế giới, một huyền thoại sống được mệnh danh là "God of Sight", vị thần mang ánh sáng đến cho người nghèo.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 2.

Ở độ cao 1.200 mét, ngay dưới chân dãy núi Himalaya là ngôi nhà nhỏ của Ang Lhamu. Người phụ nữ 70 tuổi người dân tộc Sherpa sống cùng chồng, cả hai đều làm nghề nông.

Nhà của Lhamu nhìn thẳng ra những dãy núi trập trùng, những đám mây trắng phau trôi qua từng đỉnh núi nổi bật lên hẳn khỏi nền trời xanh trong là thứ mà nhiều khách du lịch sẵn sàng trả tiền để thưởng ngoạn.

Thế nhưng đã bốn năm nay, mắt của Lhamu từ từ mờ dần rồi mù hẳn. "Mọi chuyện bắt đầu từ cảm giác như có thứ gì chọc vào mắt phải, rồi lan qua mắt trái", bà kể lại.

Bị mù lòa cả hai mắt, cả ngày Lhamu chỉ có thể ngồi một chỗ. Himalaya lúc này chỉ còn lại bóng tối và sự sợ hãi.

Chồng của Lhamu, Rinji bây giờ vừa là đôi mắt vừa là đôi chân của bà. Cả thế giới đối với Lhamu lúc này chỉ còn là những bức tường mà bà sờ được trong ngôi nhà đắp đất.

"Trước đây tôi vẫn có thể cày ruộng, cắt cỏ và làm nhiều việc nữa. Nhưng bây giờ tôi chẳng còn tự mình rót nước được. Chồng tôi phải giúp tôi làm mọi thứ", Lhamu nói.

Sau một lần bà bị ngã, Rinji đã phải liên tục cảnh giác, ông ở nhà trông bà ấy suốt đến nỗi không còn thời gian làm ruộng. Điều đó cũng đồng nghĩa với cái đói. Nhà chẳng còn gì để ăn, họ phải trộn bột ngô với trà đen và uống qua ngày.

"Nếu tôi không chăm sóc vợ mình thì ai sẽ làm điều đó cơ chứ? Nhưng mà tôi cũng còn phải chăm sóc đồng ruộng và gia súc nữa. Bà ấy mù rồi, chẳng thể làm gì được. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ rất khốn khó", Rinji nói.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 3.

Nepal là nơi Hoàng hậu Mada đã sinh ra Tất Đạt Đa, mà sau này trở thành Phật Thích Ca. Đất nước vì vậy được coi là một thánh địa Phật Giáo.

Nằm ẩn sâu trong đất liền, phía bắc giáp Tây Tạng, cả phía nam, phía đông và tây đều giáp Ấn Độ, phong cảnh Nepal được thiên nhiên ưu đãi với các đồng bằng phì nhiêu, đồi rừng cận núi cao và đặc biệt là có tới tám trong số mười ngọn núi cao nhất thế giới bao gồm đỉnh Everest.

Nhưng ngược lại với vẻ đẹp hùng vĩ ấy, đất nước nhỏ bé này dường như phải chịu một lời nguyền trớ trêu. Giữa thập niên 1990, khoảng 1% dân số Nepal - tương đương nửa triệu người sẽ không còn nhìn thấy được phong cảnh đất nước mình.

Mù lòa là một vấn nạn của Nepal - căn bệnh thông thường chỉ tấn công người già, nhưng ở đây nó không buông tha cho cả những người trẻ. Có nhiều giả thuyết giải thích tại sao Nepal lại mắc phải một "lời nguyền" trớ trêu như vậy.

Thứ nhất, việc sống ở một cao độ lớn, cách xa phía trên mặt nước biển đồng nghĩa với Nepal có ít sự bảo vệ của khí quyển hơn. Tần suất phơi nhiễm dưới tia cực tím cao đã tấn công đôi mắt của những người dân ở đây, làm tăng tốc quá trình lão hóa.

Giả thuyết thứ hai nói rằng người Nepal đã có gen đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể bình thường là những thấu kính trong suốt phía bên ngoài của mắt có chức năng hội tụ ánh sáng vào giác mạc.

Vì một số nguyên nhân, bao gồm cả di truyền, nếu nó bị cườm hóa hay bị đục, ánh sáng đi qua thủy tinh thể sẽ bị tán xạ mà không hội tụ lên võng mạc được nữa, người bệnh sẽ không còn có thể nhìn rõ được nữa. Trong thực tế, tới hơn 50% những bệnh nhân đục thủy tinh thể sẽ tiến tới mù lòa.

Nguyên nhân thứ ba có thể đến từ một ngành thủ công nghiệp truyền thống ở Nepal, nghề thổi thủy tinh.Khi tới đây, bạn có thể thấy những nghệ nhân làm đồ thủy tinh thường xuyên phải tiếp xúc với những chiếc lò đỏ lửa. Chúng được đốt bằng than và sinh ra rất nhiều khói bụi. Tiếp xúc với các chất ô nhiễm này được cho là một phần nguyên nhân của tỷ lệ đục thủy tinh thể cao ở Nepal.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 4.

Nghèo đói cuối cùng là điều sẽ ảnh hưởng nhất tới khả năng điều trị của họ. Hơn 90% số ca mù lòa trên thế giới tập trung ở các nước có thu nhập thấp.

Ở các nước phát triển, 80% số ca mù lòa đó có thể điều trị được. Nhưng với Nepal, đất nước có GDP bình quân đầu người chỉ 1.026 USD, xếp hạng 166/196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đó hẳn là một câu chuyện khác. Ít nhất là trước khi Snaduk Ruit trở về.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 5.

Snaduk Ruit sinh năm 1954, là người con thứ hai trong một gia đình có tổng cộng sáu anh chị em. Họ sống cùng nhau ở Olangchunggola, một ngôi làng miền núi xa xôi hẻo lánh phía biên giới Đông Bắc Nepal.

Tọa lạc giữa lưng chừng Kanchenjunga - ngọn núi cao thứ ba thế giới là khoảng vài chục nếp nhà, nơi trú ẩn của khoảng 200 người cả thảy. Olangchunggola không có điện, không trường học, không có bệnh viện và cũng không có đường dây điện thoại. Mỗi năm, ngôi làng nhỏ bé này phải nằm im lìm trong tuyết từ sáu đến chín tháng.

Trường học gần nhất cách nhà Sanduk Ruit 15 ngày đi bộ. Mặc dù chỉ là một tiểu thương nhỏ, cha Ruit biết được tầm quan trọng của giáo dục. Năm 1961, ông ấy dành dụm được một khoản tiền để cùng cậu con trai 7 tuổi vượt dãy Himalaya đến St. Robert, một trường nội trú dành cho nam sinh ở Ấn Độ.

Cuốc bộ qua những dãy núi trùng điệp, "giờ này qua giờ khác, chúng tôi đổ mồ hôi, trèo lên đỉnh của một con dốc đá chỉ để thấy một con dốc khác cao hơn đang chờ mình ở khúc quanh. Rồi cái lạnh và những cơn gió chúng tôi phải đương đầu, đôi khi vượt quá mức chịu đựng", Ruit nhớ lại.

Chỉ với một đôi giày Trung Quốc, cậu bé Ruit 7 tuổi năm ấy đã cùng cha mình băng qua những ngọn núi và thung lũng, những làng mạc và thị trấn, đôi khi phải ngủ cả trong hang động hoặc phơi mình dưới bão tố và mưa tuyết.

Đổi lại, cha Ruit biết đứa con của mình, một cậu bé đến từ vùng Nepal hẻo lánh bây giờ sẽ tiếp cận được một nền giáo dục của người Anh để lại khi họ rời Ấn Độ.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 6.

Ruit tốt nghiệp St. Robert đúng lúc chiến tranh Ấn Độ và Trung Quốc lại rơi vào căng thẳng. Năm 1966, cậu quay trở về Nepal để học tiếp trung học. Trong khoảng thời gian này, một biến cố lớn đã xảy ra với Ruit, Yang La người em gái mà cậu yêu quý nhất trong gia đình chết vì bệnh lao phổi.

Trước đó, anh cả của Ruit cũng đã mất khi mới 3 tuổi vì bệnh tiêu chảy. Người em út cũng mất khi lên tám vì một cơn sốt. Tất cả những cái chết xảy ra vì sự thiếu thốn của gia đình họ, của khu vực hẻo lánh mà họ sinh sống.

Tiêu chảy, sốt, hay lao, đó đều không phải là những căn bệnh không thể chữa khỏi, thậm chí đã có thể chữa dễ dàng ở các nước phát triển từ rất lâu trước đó. Thế nhưng ở Nepal, chúng lại có thể cướp đi mạng sống của một nửa gia đình.

Cha mẹ Ruit sinh được tổng cộng sau người con nhưng bởi những căn bệnh đó bây giờ họ chỉ còn lại ba người. "Một tỷ lệ sống sót chỉ năm mươi phần trăm", Ruit nghẹn ngào nói.

"Không thể chấp nhận được. Càng nghĩ tôi càng nhận ra Yang La đáng ra không phải chết. Không có anh em nào của tôi phải chết. Họ chết vì những tiến bộ y tế trên thế giới không tiếp cận được tới chúng tôi".

Khi Yang La phát bệnh lao, Ruit và cha chỉ có thể gặp một thầy lang trong vùng. Ông ấy kê cho cô bé một loại thuốc lao cổ truyền. Nhưng thang thuốc chỉ cầm cự được một năm trước khi Yang La phát bệnh trở lại. Ruit cùng cha đã đưa cô bé chạy chữa khắp nơi, nhưng tới bất kể phòng khám nào vị bác sĩ ở đó cũng lắc đầu.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 7.

Tất cả các loại thuốc đã ngừng hoạt động. "Họ nói rằng chúng tôi nên đưa cô bé về nhà và chuẩn bị cho cái chết của cô ấy", Ruit nhớ lại.

Lần cuối cùng ông trò chuyện được cùng Yang La, cô bé chỉ còn da bọc xương nắm lấy tay Ruit và hát một bài hát bi kịch lãng mạn nổi tiếng của Nepal: "Hãy từ từ đặt tảng đá lên ngực anh. Hòn đá rất nặng, nhưng anh vẫn phải giả vờ cười. Trong lòng anh trĩu nặng, nhưng anh cũng vẫn phải cười".

"Con bé nói với tôi rằng: "Anh à, anh là một người giỏi và ảnh có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Anh đừng quên điều đó. Hãy làm gì đó có ý nghĩa", Ruit nhớ lại. Chẳng bao lâu sau đó Yang La mất.

"Tôi đã phải vật lộn sau cái chết của con bé. Tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai mình bài hát cuối cùng con bé hát. Và tôi có thể nói với bạn rằng tôi cũng thấy có thứ gì đó giống như một hòn đá nặng trên ngực mình", Ruit nói.

"Cái chết của Yang La đã khiến tôi hạ quyết tâm [trở thành một bác sĩ] để cứu sống nhiều người Nepal khác, những người cũng nghèo đến nỗi không đủ khả năng điều trị những căn bệnh đáng ra có thể chữa khỏi".

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 8.

Hơn 10 năm sau cái chết của Yangla, Sanduk Ruit đã đi theo đúng con đường mà mình đã chọn. Tốt nghiệp trung học, cậu thi đỗ vào Đại học Y King George, Ấn Độ và học bằng y đa khoa.

Chàng trai trẻ trở về Nepal trong một dịp tình cờ. Sau khi tốt nghiệp, Ruit được chỉ định làm nhân viên y tế cho một nhóm các nhà địa lý vẽ bản đồ. Công việc đòi hỏi họ phải cuốc bộ hàng tháng trời băng qua dãy Himalaya và vẽ lại đường biên giới phía bắc Nepal.

Một đoàn khảo sát như vậy thường cần nhân viên y tế đi cùng. Ruit đã được chọn từ những người bản địa có chuyên môn. Nhiệm vụ của cậu sinh viên rất đơn giản: đảm bảo cho các nhà khảo sát an toàn với triệu chứng say độ cao, thi thoảng điều trị bong gân mắt cá chân cho họ, chứng chuột rút hoặc một vài bệnh nhẹ khác.

Ngoài nhiệm vụ ấy, trong mỗi lần đoàn khảo sát hạ trại gần một ngôi làng trên núi, Ruit lại dùng bộ đồ nghề y tế mà cậu mang theo để khám và điều trị cho những người dân bản địa mà họ bắt gặp.

"Tôi đã thấy đủ loại bệnh, từ suy dinh dưỡng cho đến bệnh truyền nhiễm", Ruit nói. Nhưng thứ làm ông kinh ngạc nhất là chứng mù lòa do đục thủy tinh thể của những người dân ở Nepal, điều mà ông đã không mấy để ý hồi còn là một đứa trẻ.

"Mù lòa ở khắp mọi nơi. Mỗi ngôi làng chúng tôi đi qua đều có những người bị mù vì đục thủy tinh thể. Họ sống như những con vật, thậm chí còn tệ hơn những con vật nữa, bởi ngay cả những con dzo cũng được ra ngoài trời hít thở không khí trong lành và được cho ăn", Ruit nói.

"Những người mù lòa, cả hàng ngàn người đang bị mắc kẹt trong bóng tối, bên trong túp lều của họ. Tôi hỏi họ tại sao không tìm cách chữa trị. Họ nói rằng bệnh viện ở rất xa. Nhưng lý do sâu thẳm nhất vẫn là: sự cam chịu số phận.

Họ nói "Cuộc đời sẽ khiến cho tóc của anh bạc, mắt của anh trắng đục và rồi cuối cùng anh sẽ chết". Tôi thấy điều đó thật vô lý, khi bạn sống trên một triền núi ở Nepal, mất thị lực sẽ lấy đi 90% ý nghĩa cuộc sống.

Tôi biết phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể giúp họ trở lại thành một con người đúng nghĩa".

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 9.

Mang nỗi canh cánh trong lòng trở lại Viện All India, Ruit quyết định tập trung tất cả thời gian và trí tuệ của mình vào ngành nhãn khoa thay vì đa khoa. Ở đây, ông đã tìm được một lời giải cho vấn nạn mù lòa trên quê hương mình. Đó là vi phẫu.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, các phương pháp phẫu thuật ở một nước đang phát triển như Nepal còn rất thô sơ. Các bác sĩ đơn giản là không có dụng cụ phẫu thuật để can thiệp vào những tổ chức nhỏ và phức tạp như mắt.

Vi phẫu khi đó là một lĩnh vực mới nổi ở phương tây. Trong đó, các bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi phẫu thuật nhằm phóng to được các tổ chức mô lên hàng chục lần để thao tác. Những thấu kính hiển vi như vậy có giá lên tới hàng ngàn USD, dao vi phẫu cũng được sản xuất rất tinh xảo.

Ngay đến kim và chỉ khâu vết thương cũng là loại cực nhỏ, (đường kính kim chỉ khoảng 80 µm, còn chỉ từ 20 µm). Ở Nepal, đó đều là những công cụ không thể có được. Nhưng tại Viện All India, một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất tốt nhất ở Ấn Độ, Ruit có trong tay mọi công cụ để theo đuổi vi phẫu.

Để trau dồi kỹ năng của mình, chàng sinh viên đã làm việc không biết mệt mỏi. Cậu thường xuyên ở lại phòng thí nghiệm qua đêm, và để làm được điều đó, Ruit còn phải đút lót cho người bảo vệ, khi thì vài rupee, khi thì bao thuốc lá.

Ruit luyện tập những cuộc vi phẫu trên khỉ. Toàn bộ cuộc phẫu thuật được thực hiện dưới kính hiển vi. Chàng sinh viên phải di chuyển tay rất chậm và tinh tế, điều hòa bộ não của mình để đối phó với những chuyển động được phóng đại.

Nỗ lực đã giúp Ruit đứng đầu lớp khi tốt nghiệp. Nó cũng mang lại cho ông những cơ hội làm việc hấp dẫn ở Châu Âu và Châu Mỹ. Thậm chí, vương quốc Ô man còn gửi tới ông một lời mời, nếu Ruit tới đó làm bác sĩ, ông sẽ có một ngôi nhà, một đầu bếp và lái xe riêng.

Nhưng như một lời hứa với Yangla, người em gái xấu số của mình và những ký ức với quê hương Nepal, Ruit đã chọn trở về. Năm 1985, ông ấy vào làm việc tại Bệnh viện mắt Nepal như một bác sĩ trẻ, nhận lương chỉ đủ sống, mua thêm vài đĩa bánh quy và pha một bình trà loãng để tiếp khách.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 10.

Căn hộ tạm của Ruit thường xuyên đón tiếp những đồng nghiệp trẻ đến thảo luận về tình hình chính trị rối ren của đất nước. Bên cạnh đó, chủ đề thứ hai mà họ thường nói tới là chất lượng chăm sóc y tế rất thấp ở Nepal.

Ruit liên tục thuyết phục các đồng nghiệp của mình sử dụng vi phẫu để chữa đục thủy tinh thể. Nhưng với sự cố chấp của họ, tất cả vẫn sử dụng kỹ thuật cũ mà họ đã quen: mổ lấy thủy tinh thể trong bao (ICCE).

Quá trình này đòi hỏi phải rạch gần một nửa nhãn cầu bệnh nhân, lấy ra toàn bộ thủy tinh thể bị đục, sau đó khâu các viền vết rạch lại với nhau. Thị lực sẽ không được phục hồi hoàn toàn. Để có thể nhìn được, bệnh nhân sẽ phải đeo một thấu kính dày tròng suốt quãng đời còn lại của họ.

Phục hồi sau một cuộc phẫu thuật xâm lấn như vậy cũng đòi hỏi bệnh nhân phải nằm ngửa suốt một tuần. Thông thường, người nhà phải đặt đầu họ giữa hai bao cát để cố định ngăn họ di chuyển. Kiêng kỵ như vậy cốt để tránh cho vết mổ bị vỡ ra.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 11.

"Mổ lấy thủy tinh thể trong bao chỉ giúp bệnh nhân phục hồi lại một tầm nhìn hẹp, gần như là vô dụng đối với những người dân sống trên dãy Himalaya, những người phải đi bộ trên những con đường mòn dốc núi", Ruit nói.

Trong một cuộc họp với những nhân viên cấp cao ở bệnh viện, ông đã đề xuất một giải pháp để giải quyết "lời nguyền Nepal". Theo ông, để chữa cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể các bác sĩ phải sử dụng đến vi phẫu, và bệnh viện phải gửi các đội y tế tới tận những vùng nông thôn xa xôi, bởi bệnh nhân không hề có đủ tiền đi tới các thành phố lớn để chữa bệnh.

Thế nhưng, đáp lại sáng kiến đó chỉ là những lời nhắc nhở Ruit về sự đắt đỏ, rủi ro của vi phẫu và đặc biệt nhất là cấp bậc của mình, vị bác sĩ trẻ bị từ chối thẳng thừng và các nhân viên y tế cấp cao khác yêu cầu ông ngừng đi ngược lại số đông.

May mắn thay, có một vị bác sĩ đặc biệt đã lắng nghe Ruit: Fred Hollows.

Là một trong những bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng nhất thế giới từ thập niên 1970, Fred Hollows đã thực hiện một loạt chuyến đi tới những vùng hẻo lánh của Australia, nơi ông chia sẻ một lý tưởng giống với Ruit: mang những dịch vụ y tế tốt nhất đến cho những người nghèo nhất.

Ở quê hương mình, Hollows nhận thấy người Úc dường như đang sống ở hai quốc gia tách biệt nhau, một là các thành phố ven biển nơi có những bệnh viện hạng nhất, phần còn lại là những thổ dân sâu trong đất liền không thể tìm đâu ra được một trạm xá.

Rất bực bội với thực tế này, Hollows đã thu thập tài liệu và công khai tất cả, sử dụng báo chí để kêu gọi các chính trị gia ở Úc thay đổi hiện trạng, khiến họ phải giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trong cộng đồng thổ dân.

"Fred ưu tiên một chỗ trong tim mình cho chủ nghĩa cộng sản", Ruit nói. "Ông ấy thực sự tin rằng tất cả mọi người đều xứng đáng được chăm sóc sức khỏe như nhau".

Lần đầu tiên họ gặp nhau là tại sân bay Tribhuvan, khi Hollows vừa trở về từ một chuyến đi khảo sát chất lượng chăm sóc sức khỏe ở các quận nông thôn phía tây Nepal cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Ruit được bệnh viện Mắt Nepal cử đi đón Hollows trong vai trò một cán bộ trẻ. Sau đó, họ cùng trở về bệnh viện, nơi Hollows quan sát Ruit tiến hành một cuộc phẫu thuật mắt. Ngay lập tức, ông đã bị bất ngờ bởi trình độ của người đồng nghiệp Nepal và những lý tưởng Ruit ấp ủ và chia sẻ. Họ bắt đầu trở thành những người bạn tâm giao.

Hollows muốn mời Ruit đến Australia, nơi ông hứa sẽ giúp người đồng nghiệp cải thiện được trình độ phẫu thuật của mình hơn nữa, huấn luyện cho Ruit những kỹ thuật mới nhất trong phẫu thuật thủy tinh thể để trở lại và giải "lời nguyền Nepal".

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 12.

Từ phía bản thân Ruit, ông không nghĩ rằng mình cần đào tạo thêm về kỹ năng phẫu thuật. Tất cả những gì học được ở Viện All India đã giúp ông trở thành một "siêu sao" trong phòng mổ.

Nhưng thứ mà Ruit thiếu là một môi trường làm việc với đầy đủ máy móc và các nguồn tài nguyên phục vụ phẫu thuật mắt. Ở Nepal, để có thể cập nhật các kiến thức phẫu thuật đục thủy tinh thể mới nhất trên thế giới, Ruit chỉ có thể phụ thuộc vào những bác sĩ nước ngoài thỉnh thoảng đến bệnh viện Mắt Nepal phẫu thuật.

Một bác sĩ người Hà Lan đến đây đã cho ông biết những tiến bộ mới nhất trong kỹ thuật cấy ghép ống kính nội nhãn nhân tạo. Giữa những năm 1980 ở phương Tây, lĩnh vực này phát triển nhanh đến nỗi những ống kính nội nhãn liên tục bị lỗi thời chỉ trong vòng một năm.

Vào cuối năm, các bác sĩ sẽ không còn dùng những ống kính được sản xuất từ đầu năm nữa, mặc cho chất lượng chúng hoàn toàn tốt. Vứt bỏ thì quá phí, những ống kính này có thể được đem tới các nước kém phát triển như Nepal để phục vụ bệnh nhân nghèo.

Trong bối cảnh đó, Ruit nhận thấy tình bạn tâm giao ông và Hollows có thể tạo thành một cầu nối giữa Nepal và Australia, sau đó ông có thể đem những tiến bộ của nền y tế thế giới trở về nước mình. Thế là Ruit nhận lời.

Được đón tiếp nồng hậu bởi Hollows, vị bác sĩ đã giới thiệu Ruit đến làm việc tại Bệnh viện Prince of Wales, một cái nôi hoàn hảo cho tài năng của ông.

Ở một đất nước phát triển, các ca bệnh về mắt nhẹ và dễ điều trị hơn rất nhiều so với ở Nepal. Tất cả đều không khiến Ruit mất nhiều thời gian, hơn thế nữa, ông còn được tiếp cận với những kính hiển vi hạng nhất cùng nguồn thấu kính nội nhãn không bị hạn chế.

Làm việc ở Australia, có một môi trường cho tài năng phát triển, một mức thu nhập xứng đáng nhưng Ruit không quên "hòn đá trên ngực" mình. Ông lúc này cũng canh cánh lên kế hoạch cho chuyến trở về.

Ruit luôn suy nghĩ và trăn trở làm thế nào để cải tiến các kỹ thuật phẫu thuật học được từ Hollows theo hướng đơn giản hóa, làm sao để một ngôi làng hẻo lánh ở Nepal với nguồn lực hạn chế cũng có thể chữa lành những con mắt?

"Nhiệm vụ của tôi tại Bệnh viện Prince of Wales không quá áp lực, vì vậy tôi đã có thời gian để vạch ra kế hoạch để thay đổi thực trạng chăm sóc mắt ở Nepal", Ruit chia sẻ.

Khoảng thời gian ở nước ngoài, tách biệt ra khỏi nền y tế và xã hội Nepal đã cho ông một cái nhìn trực diện hơn, rằng muốn tạo ra sự khác biệt, Ruit phải tự thành lập một trung tâm y tế của riêng mình ở quê nhà.

"Vậy kế hoạch của tôi là gì? Tôi biến mình thành một con muỗi, vo ve bên tai Fred và Gabi trong suốt thời gian chúng tôi ở đó để hỏi họ giúp đỡ hiện thực hóa ý tưởng", ông nói.

Bị thuyết phục bởi tấm lòng của vị bác sĩ người Nepal, vợ của Hollows, Gabi đã cùng với Ruit thành lập một tổ chức gây quỹ để ủng hộ giấc mơ của ông. Họ đặt tên nó là Chương trình Mắt Nepal Úc (NEPA).

Trong vòng mười bốn tháng, NEPA đã quyên góp được một khoản tiền tương ứng với 500 USD thời đó. Hollows sau đó tặng thêm cho Ruit một bộ dụng cụ vi phẫu trị giá hàng ngàn USD cùng một bao khổng lồ chứa đầy thấu kính nội nhãn.

Tất cả những thấu kính này phải đựng vào một chiếc túi cắm trại mới đủ, Ruit nghĩ rằng ông đã có đủ nguồn lực và nên kết thúc cơ duyên của mình ở Úc. Ông rời Bệnh viện Prince of Wales về Nepal cùng với một tải quà từ "ông già Noel".


Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 13.

Trở về quê nhà, Ruit tiếp tục làm việc tại Bệnh viện mắt Nepal trong khi vẫn cố gắng thúc đẩy cùng với Hollows giúp ông thành lập một trung tâm mắt độc lập.

Với sự tận tâm và trình độ của mình ở bệnh viện, danh tiếng của ông bắt đầu được lan tỏa. Sự hài lòng của bệnh nhân ở đây dần dần trở thành hình thức quảng cáo tuyệt vời nhất cho một bác sĩ phẫu thuật mắt.

Các bệnh nhân bắt đầu yêu cầu rằng họ muốn được đích thân bác sĩ Ruit mổ. Cứ thế một ngày, ông lọt vào mắt xanh của Jamgon Kongtrul Thứ ba, một nhà lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng.

"Chúng tôi đã theo dõi ông trong một thời gian. Ông không chỉ giúp chữa lành đôi mắt cho nhiều tu sĩ của tôi, mà tôi còn nhận thấy ông đối xử với bệnh nhân của mình với cả tấm lòng từ bi thực sự", Jamgon Kongtrul Thứ ba nói.

Ông tiếp tục chia sẻ rằng ở gần nhà mình và cả Tây Tạng, có rất nhiều bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Nhưng ở đó quá xa xôi hẻo lánh và người dân không thể tới tận Bệnh viện Mắt Nepal để chữa bệnh được.

"Nếu họ không thể tới với chúng ta, chúng ta phải có trách nhiệm đến tận nơi họ sống", Ruit nói trước một đội các bác sĩ và nhân viên y tế mà ông tập hợp lại được, đáp ứng thỉnh nguyện của Jamgon Kongtrul Thứ ba, một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo mà anh kính trọng nhất.

Kế hoạch của Ruit là thiết lập những trại phẫu thuật mắt lưu động (Eyes Camp) tới những vùng nông thôn xa xôi ở Nepal. Hiện tại, ông đã có đủ tiền từ quỹ NEPA để mua vật tư phẫu thuật, bao gồm một chiếc kính hiển vi cầm tay hiệu Konan có giá 5.000 USD.

Cùng với đó là một số lượng đáng kể thấu kính nội nhãn mà Fred Hollows và các bác sĩ ngoại quốc khác ủng hộ. Ruit cũng có được sự ủng hộ của một số bác sĩ, kỹ thuật viên nhãn khoa và y tá trẻ tuổi.

Thứ họ cần cuối cùng là một chiếc xe. Và Ruit đã tìm được một chiếc bus Volkswagen màu cam nắng.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 14.

Một buổi sáng năm 1992 tại làng Tepani, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 60 dặm về phía bắc, một chiếc Volkswagen chất đầy đồ -đến nỗi một số người phải ngồi trên cả nóc, lừng lững leo qua những con dốc.

Sự xuất hiện của một đoàn người và các thiết bị hiện đại đã khiến người dân ở đây rất kinh ngạc. Họ được giới thiệu đó là những bác sĩ sẽ đến phẫu thuật mắt miễn phí cho những ai bị đục thủy tinh thể. Tất cả những gia đình nào có ai bị mù lòa được thông báo đưa người thân của mình tới trường học. Bác sĩ Sanduk Ruit ở Bệnh viện mắt Nepal sẽ trực tiếp khám và điều trị cho họ.

Về phần mình, bác sĩ Ruit tìm được một địa điểm tốt nhất để dựng phòng phẫu thuật. Đó là một phòng học có đủ thứ bẩn thỉu trên đời, từ mạng nhện cho đến phân chuột. Ruit nghĩ về các phòng phẫu thuật vô trùng của Australia và cười khi tưởng tượng ra nỗi kinh hoàng mà một bác sĩ như Fred Hollows sẽ cảm thấy nếu ông phải phẫu thuật ở một nơi như vậy.

Niềm an ủi duy nhất là dân làng đã chuẩn bị một đống gỗ xẻ sẵn để đội y tế lắp ghép thành bàn mổ. Ăn vội một bữa sáng với mì gói, Ruit cùng những nhân viên trẻ trung và tràn đầy năng lượng bắt tay vào làm việc.

Phải tốn tới 3 ngày để họ biến lớp học bẩn thỉu đó thành một phòng phẫu thuật, quét hết phân chuột, mạng nhện, lấy ga phẫu thuật đóng đinh lên tất cả các cửa sổ để ngăn ruồi khỏi bay vào. Cuối cùng, một tấm nilon to được mắc lên đế tránh bụi bẩn và những con côn trùng khác không đột nhiên rơi từ trần nhà xuống chiếc bàn mổ thực ra vẫn chưa vững được ghép lại từ những ván gỗ.

Suốt hai ngày sau đó, mỗi ngày 12 tiếng, Ruit đã phẫu thuật cho hàng chục người dân ở Tepani bị đục thủy tinh thể. Công việc bao gồm việc rạch giác mạc, loại bỏ thủy tinh thể hỏng, đẩy ống kính nhân tạo trượt vào vị trí và khâu vết thương kín lại.

Tepani nổi tiếng là một ngôi làng hiểm trở nằm giữa những mỏm đá khổng lồ, ở rìa một khe núi dốc thẳng xuống sông Melamchi. Đến này tháo băng, Ruit tập hợp tất cả các bệnh nhân của ông lại một chỗ. Vị bác sĩ hỏi một người đàn ông lớn tuổi, rằng liệu thị lực của ông giờ đã đủ tốt để đi bộ được chưa.

Để chứng minh cho sự phấn khích của mình, người đàn ông mù lòa đã trèo lên một con đường uốn lượn đến một gờ đá phía trên ngôi làng, sau đó bước ra khỏi con đường mòn và tự tin đi xuống một con dốc hiểm trở cho đến khi ông ta đứng lại, cười toe toét, mặt đối mặt với Ruit.

"Thật là một khoảnh khắc xúc động", Ruit nhớ lại. "Mọi người hoan hô như thể chúng tôi vừa thực hiện xong một trò ảo thuật. Bạn có thể tưởng tượng bị mù ở một nơi như vậy là như thế nào không? Bây giờ hàng chục nông dân Tamang có thể trở lại làm ruộng, thay vì ngồi ở nhà cả ngày và trở thành gánh nặng cho gia đình".

Sanduk Ruit và một chuyến hạ trại phẫu thuật lưu động Eyes Capm.

"Trong ba ngày đó, chúng tôi đã đẩy mình tới những giới hạn. Nhưng nhìn vào những kết quả đạt được, chúng tôi đã rất hạnh phúc, chúng tôi cảm thấy như mình có thể bay trở lại Kathmandu", Ruit cho biết thêm.

Chuyến đi đầu tiên này quả thực đã giúp Ruit chứng minh được: Mang chất lượng chăm sóc y tế hiện đại nhất tới cho người dân ở vùng sâu vùng xa là hoàn toàn khả thi. Bạn chỉ cần cống hiến hết mình để đi qua một con đường hiểm trở hơn.

Và chuyến đi đó đánh dấu sự ra đời của những trại phẫu thuật mắt lưu động (Eyes Camp).

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 16.

Nhà của Ang Lhamu cách nơi bác sĩ Ruit đặt trạm phẫu thuật lưu động 2 tiếng đi bộ. Bởi Rinji không đủ sức khỏe để cõng bà đi một đoạn đường dài như vậy, ông phải nhờ tới sự giúp đỡ của người em trai. Cả ba tới được trạm khi một đám đông đã chờ ở đó, họ đều là những người bị đục thủy tinh thể.

"Tôi cực kỳ hạnh phúc khi trạm phẫu thuật mắt về đây, ngôi làng của tôi. Tôi rất hi vọng ca phẫu thuật sẽ thành công và sẽ rất biết ơn vì điều đó", Ang Lhamu nói.

Đây là lần đầu tiên trạm phẫu thuật lưu động của bác sĩ Ruit đến ngôi làng nhỏ gần Shivalaya, đánh dấu trên 200 chuyến phẫu thuật lưu động đã được ông thực hiện kể từ năm 1992.

Ang Lhamu phải chờ tới trưa mới tới lượt của mình. Một y tá bế bà ấy lên bàn phẫu thuật, vẫn như mọi khi, chiếc bàn được những người dân địa phương đóng tại chỗ. Bác sĩ Ruit mang tới hai chiếc kính hiển vi xách tay trong số hơn 400 kg thiết bị y tế, tất cả được chất lên xe bus cùng với 14 y tá và bác sĩ.

Trong số họ lần này có một nữ bác sĩ thực tập đến từ Indonesia. Hàng năm, bác sĩ Ruit đã đích thân tập huấn cho những bác sĩ đến Nepal để tìm hiểu về phương pháp phẫu thuật của ông. Đa số họ đến từ các nước đang phát triển như Ethiopia, Thái Lan, Myanmar... nhưng có cả các bác sĩ đến từ Anh và thậm chí Bắc Triều Tiên.

"Bà cứ nằm im nhé, đừng cử động gì cả. Sẽ không đau đâu", bác sĩ Ruit nói trong khi chiếu chiếc đèn phẫu thuật sáng chói vào mắt Ang Lhamu. Thủy tinh thể của bà ấy không chỉ đã đục chín, mà còn chín quá mức. Đó là tình trạng toàn bộ vỏ thủy tinh thể từ bao tới nhân đều đã đục trắng.

"Tất cả sẽ bong cả ra ngoài nếu bà ấy để tình trạng tiến triển thêm. Khi đó thì không thể phẫu thuật gì được nữa", bác sĩ Ruit nói. "Bà ấy có nguy cơ rất cao bị biến chứng thành glaucoma, khi đó mắt sẽ mù lòa vĩnh viễn không thể chữa trị được nữa".

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 17.

Rạch một đường nhỏ trên giác mạc của Ang Lhamu, bác sĩ Ruit nhẹ nhẹ nhàng lựa con dao vi phẫu để gạt bỏ hết lớp đục trắng trong thủy tinh thể ra ngoài. Phương pháp phẫu thuật làm nên thương hiệu của ông được gọi là "Ruitectomy" hay "Ruit technique", một biến thể phổ biến và hiệu quả nhất của Phẫu thuật đục thủy tinh thể vết mổ nhỏ bằng tay (MSICS) được Ruit hoàn thiện và giới thiệu vào năm 1999.

Đúng như cái tên, MSICS của Ruit chỉ yêu cầu rạch một đường nhỏ khoảng 6,5-7 mm trên giác mạc bệnh nhân. Nó chỉ bằng một nửa so với kỹ thuật mổ lấy thủy tinh thể trong bao (ICCE) trước đây từng được sử dụng ở Nepal, đồng nghĩa với những biến chứng sẽ giảm xuống, bệnh nhân không cần khâu giác mạc lại để tự lành.

Trong so sánh với nhũ tương hóa thủy tinh thể (Phacoemulsification), phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất trong điều trị đục thủy tinh thể, kỹ thuật của Ruit đạt được kết quả và giảm tỷ lệ biến chứng tương đương.

Thậm chí còn hơn thế, MSICS có ưu điểm với thời gian phẫu thuật ngắn (tối ưu tới dưới 5 phút), yêu cầu thiết bị giá rẻ (chỉ cần một kính hiển vi 2-3.000 USD) và chi phí cho mỗi cao phẫu thuật thấp (khoảng 20-25 USD), những điều Phacoemulsification không thể đạt được do đó không thể tiếp cận tới các bệnh nhân như Ang Lhamu.

Một ngày sau ca mổ, Ang Lhamu và các bệnh nhân khác trở lại trạm phẫu thuật mắt. Cuộc sống của họ có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn sau giây phút bác sĩ Ruit gỡ gạc cho họ.

"Wah, tôi nhìn thấy thật là nhiều người", đó là những lời đầu tiên mà Ang Lhamu thốt lên được. "Tôi cảm thấy như mình vừa thức dậy từ một giấc ngủ say".

"Mọi thứ trông đều rất rõ ràng. Bây giờ, tôi chỉ muốn quay lại làm việc, được đi lang thang giữa những cánh đồng. Vài năm nay tôi chẳng đi được đâu. Đợi tới đây khỏe lại rồi, tôi muốn đi khắp nơi một lượt".

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 18.

Xóa mù lòa ở Nepal là một tầm nhìn táo bạo. Nhiều người đã nói rằng đó là một mục tiêu không bao giờ có thể được thực hiện. Tuy nhiên, chậm mà chắc, bác sĩ Ruit đang cùng các cộng sự của mình kiên định đi trên con đường đó.

Năm 1994, với sự giúp đỡ của bác sĩ Hollows, Ruit cuối cùng cũng thành lập được một cơ sở nhãn khoa riêng để thực hiện ước mơ và sứ mệnh cuộc đời mình. Viện nhãn khoa Tilganga nằm ở thủ đô Kathmandu bây giờ chuyên cung cấp các dịch vụ nhãn khoa đẳng cấp thế giới cho người dân Nepal.

Là một tổ chức phi lợi nhuận, mỗi năm Viện Tilganga vẫn đang tổ chức khoảng 15.000 ca phẫu thuật mắt miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo, những người Nepal bị đục thủy tinh thể nhưng không có nổi 25 USD để lấy lại ánh sáng cuộc đời mình.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 19.

Giá thành phẫu thuật rẻ và nguồn kinh phí mà Viện Tilganga chủ động được hoàn toàn dựa vào công nghệ bán thấu kính nội nhãn giá rẻ mà họ tự sản xuất được và thậm chí xuất khẩu cho toàn thế giới.

Bác sĩ Ruit đã thành lập một cơ sở sản xuất những thấu kính nội nhãn thay thế thủy tinh thể ở đây cùng với Hollows, họ đã nghiên cứu ra một công nghệ có thể giảm giá thành của những thấu kính đắt đỏ của phương tây xuống hơn 60 lần, từ 200 USD xuống 3 USD/ thấu kính với chất lượng tương đương.

Các đơn đặt hàng sau đó chảy về từ khắp thế giới, Viện Tilganga hiện đang cung cấp 450.000 thấu kính nội nhãn chất lượng nhất với giá rẻ nhất cho hơn 60 quốc gia, bao gồm cả một số nước Châu Âu.

Dưới sự điều hành của Ruit, Viện Tilganga cũng đã vươn rộng vòng tay của họ ra khắp Nepal với 14 trung tâm nhãn khoa được xây dựng ở mỗi tỉnh, để những người nông dân cũng có thể tiếp cận được dịch vụ.

Trong vòng 30 năm, Viện Tilganga đã giúp một nửa số người ở Nepal lấy lại được ánh sáng trong đôi mắt. Tỷ lệ mù lòa đã giảm từ 0,8 xuống còn 0,4%. Nhưng tầm nhìn của Ruit không chỉ dừng lại ở đó.

"Nếu chúng tôi có thể làm được điều này ở Nepal, thì nó cũng có thể được thực hiện ở mọi nơi trên thế giới", ông nói. Ruit thực sự không muốn những gì ông ấy để lại giống với một lâu đài trên cát. Vì vậy, Ruit sẵn sàng truyền lại tất cả những kinh nghiệm và kỹ thuật phẫu thuật mắt đỉnh cao của mình cho mọi bác sĩ nhãn khoa tới học tập.

Không chỉ ở Nepal, mỗi năm Viện Tilganga sẽ đón hàng chục các bác sĩ bay đến từ Ấn Độ, Pakistan, Bhutan, Myanmar, Indonesia, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Maldives, Ethiopia, Mông Cổ, Kazakhstan, Ghana, Uganda, Sudan, Iraq, Nam Mỹ và Nam Phi.

Những bác sĩ trẻ sẽ ở lại đây hàng tuần, cùng với Ruit rong ruổi trong những chuyến Eyes Camp tới những khu làng hẻo lánh nhất Nepal. Ở đó, họ sẽ thiết lập những trạm phẫu thuật lưu động.

Vị bác sĩ huyền thoại, người đem ánh sáng trở lại hơn 130.000 đôi mắt nghèo - Ảnh 20.

Các bác sĩ bây giờ không chỉ được học kỹ thuật phẫu thuật của Ruit, họ còn có thể học cách tổ chức một khu trại Eyes Camp ở những nơi hẻo lánh nhất đất nước mình. Những bài toán khó nhất sẽ được họ giải quyết ở đây:

Làm thế nào để vận chuyển thiết bị trên lưng ngựa? Làm thế nào để vận động được người dân tới đây phẫu thuật? Liệu người dân có tin tưởng vào bàn tay của các bác sĩ phẫu thuật hay không? Làm thế nào để tổ chức một khu trại tạm trú cho 500 người, nuôi ăn, nuôi ở và chăm sóc hậu phẫu cho họ?

Điều tuyệt vời nhất trong mô hình của Viện Tilganga đó là nó đã truyền được tinh thần "mọi thứ đều có thể" cho các bác sĩ nhãn khoa trẻ đến từ các nước có thu nhập thấp và đang phát triển.

Nếu họ được gửi tới một nước Phương Tây như Anh, Mỹ hay Australia để học phẫu thuật thủy tinh thể, họ sẽ không thể tin rằng mình có thể làm được những điều tương tự khi quay trở lại với điều kiện thiếu thốn ở đất nước mình.

Đó chính là những gì mà Ruit muốn lan tỏa, cùng với niềm hạnh phúc khi ông chứng kiến nụ cười của những bệnh nhân đục thủy tinh thể. "Bản thân tôi rất biết ơn cuộc đời vì tôi có thể giúp rất nhiều người thay đổi cuộc sống", Ruit nói. "Những nụ cười ấy như giúp tôi nạp năng lượng và là thứ khiến tôi tiếp tục tiến về phía trước".

Tổng hợp

Theo Thanh Long - Designer: Tom

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên