Vì đâu thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt”?
Hiện nay, cơn sốt bất động sản không chỉ tập trung ở một số đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM mà đã lan ra khắp cả nước, len lỏi tới cả những vùng quê, vùng núi.
- 18-04-2022Nhà đầu tư vẫn chọn “đổ” tiền vào địa ốc, thị trường bất động sản diễn biến ra sao?
- 18-04-2022Đồng Nai thu hồi đất cho 475 dự án
- 18-04-2022Bất động sản ven biển âm thầm tăng giá, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị… và nhiều khu vực xung quanh TP. HCM.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, hiện nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận TP. HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, mặt bằng giá đất hiện tại lên khá cao, có nơi tăng 2 đến 3 lần so với thời điểm mua vào. Bất ngờ hơn nữa là các khu vực miền núi vùng cao cũng hòa chung với cơn sốt đất tăng giá.
Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid -19 đang dần lùi xa.
Sốt đất không còn là câu chuyện diễn ra ở các đô thị lớn, vùng lần cận các thành phố như TP. HCM hay Hà Nội mà đã đi xa, len lỏi khắp các vùng quê, miền Núi xa xôi. Nhiều chuyên gia đánh giá, vụ Thủ Thiêm đã tạo ra hiệu ứng tăng giá đất mạnh lan tỏa sang các địa phương khác.
Báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy nhiều thông tin khá bất ngờ về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, lượt tìm kiếm bất động sản trong quý 1/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại tăng khoảng 2% so với quý 1/2019 - thời điểm dịch bệnh chưa diễn ra. Diễn biến này cho thấy bất động sản vẫn rất được quan tâm bất chấp những tác động tiêu cực và kéo dài từ dịch Covid-19. Thậm chí, nhu cầu tìm kiếm, sở hữu bất động sản còn tăng cao hơn, ở cả nhu cầu đầu tư và an cư.
Đất nền là phân khúc được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch Covid. Đây cũng là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch bệnh, phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý I/2022 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu năm 2020 và 2021, rải rác ở các thời điểm khác trong năm.
Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, những địa phương có thay đổi về quy hoạch, hạ tầng đều ghi nhận mức độ quan tâm tìm kiếm đất tăng mạnh. Tuy nhiên đất nền một số địa phương miền Bắc, miền Nam có phần giảm nhiệt so với đầu năm 2021.
Trong khi đó, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận.... Đáng chú ý, dù nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá mạnh.
Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Hà Nội vẫn khá ổn định, thì tại TP. HCM, nhu cầu đầu tư có phần giảm nhiệt do giá bán đang ở vùng nóng và nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên mặt bằng giá rao bán đất thổ cư tại cả hai thị trường đều có xu hướng tăng, đặc biệt là ở khu vực vùng ven như Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) hay Củ Chi, Bình Chánh (TP.HCM)...
Nguyên nhân lớn khiến cho cơn sốt bất động sản tăng lên mạnh mẽ trải rộng khắp ba miền là do có các thông tin đầu tư các dự án lớn. Đơn cử, tại Bình Phước, sau thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất chính phủ làm cầu qua sông Mã Đà hướng về sân bay quốc tế Long thành, đã khiến tình trạng sốt đất xuất hiện trên dọc tuyến đường ĐT 735.
Tại Khánh Hòa, đất nền Cam Lâm cũng đang sốt sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị. Trong khi đó tại Đắk Lắk, cơn sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ngược về phía miền Trung, do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư đã khiến cho sốt đất diễn ra tại Hà Tĩnh, đặc biệt là tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ quang… giá đất được thổi lên chóng mặt.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất lan rộng là do trong hai năm trở lại đây, kinh tế chung của Việt Nam mặc dù vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó là nhiều thông tin quy hoạch mới được công bố. Những khu vực nào xuất hiện những thông tin quy hoạch dự kiến triển khai thì các nhà đầu tư lại đổ vào, theo đó giá đất được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh.
Một số chuyên gia cho rằng, sốt đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý muốn đón đầu thị trường, họ muốn tập trung vào các khu vực dự báo có khả năng phát triển tốt. Tuy nhiên có không ít những tiềm năng về dự án đầu tư không rõ ràng, chưa chắc chắn mà các nhà đầu tư đã nhảy vào. Hậu quả là tạo ra những cơn sốt đất ảo, không ít nhà đầu tư đã bị mắc kẹt.