MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì đâu thủ tục vẫn hành DN từ xuất quả xoài đến xây nhà máy?

Dù Chính phủ đã xác định tinh thần “kiến tạo và phục vụ”, song môi trường kinh doanh vẫn còn quá nhiều rào cản...

Công trình 13 năm thì mất 10 năm lo thủ tục

Tháng 12/2018, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long chính thức đưa vào vận hành thương mại. Đây cũng là dự án điện lớn nhất do tư nhân đầu tư ở Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ hiện đại, không bị đội vốn đầu tư, vận hành ổn định, công suất vượt định mức... Thế nhưng, không ai ngờ, trong khi dự án chỉ mất có 3 năm xây dựng song phải mất tới 10 năm để làm các thủ tục xin cấp phép đầu tư, giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí...

Chủ trương Chính phủ khi ban hành văn bản pháp luật cần quan tâm tới đặc thù của từng địa phương nhưng đi vào trường hợp cụ thể cơ quan soạn thảo lại không thực hiện. Cụ thể, Nghị định 34 về cán bộ công chức cấp xã mới ban hành tháng 4/2019, quy định tất cả phường, xã phải giảm 2 công chức và 8 người lao động bán chuyên trách. Trong khi 1 quận TPHCM có quy mô dân số ngang 1 tỉnh phía Bắc, nếu cắt cơ học như vậy làm sao đảm bảo quản lý trật tự, cấp phép hành chính?.

Nhắc lại câu chuyện này, đại diện chủ đầu tư, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco cho hay: Doanh nghiệp tư nhân có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để bước vào cuộc chơi mới, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chúng tôi cũng sẵn sàng mọi mặt để thực hiện các dự án công nghiệp lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc chưa đủ mà cần có cơ chế chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương, cụ thể hơn giải pháp nhằm sửa đổi, đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép cho tư nhân được đầu tư vào công trình dự án quan trọng”, ông Tiền nói và nhận định: Khoảng 5 năm tiếp theo, chính các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ tạo một động lực mới cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Tuy nhiên, điều làm vị Chủ tịch HĐQT Geleximco lo lắng chính là sự trì trệ của các cơ quan công quyền có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp vẫn còn rất nặng nề. Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn đang rất phổ biến. “Đáng nói hiện nay ở nhiều cơ quan xuất hiện tình trạng không quyết đoán, cái gì cũng sợ sai. Sự cẩn trọng quá mức cần thiết này đã làm cho doanh nghiệp đôi khi cũng thấy nản. Hy vọng rằng, tình trạng này sẽ sớm được giải quyết”, ông Tiền nói.

 Vì đâu thủ tục vẫn hành DN từ xuất quả xoài đến xây nhà máy?  - Ảnh 1.
Thủ tục hành chính vẫn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình đi vào hoạt động

(Ảnh minh họa)

100 doanh nghiệp thành lập, 65 giải thể

Chia sẻ với doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thúy dẫn ra câu chuyện về trái xoài xuất sang Mỹ. “Mới đầu năm chúng ta đón nhận tin vui khi trái xoài cát Hòa Lộc, đặc sản nổi tiếng được cấp phép xuất sang Mỹ. Thế nhưng, tới nay tin vui đã trở thành tin buồn khi sau hơn 1 tháng đặt chân vào thị trường mới, xoài Việt chỉ được người tiêu dùng nếm thử thôi chứ không mua lâu dài vì giá quá cao so với hàng của các nước khác. Hỏi doanh nghiệp phân phối mới biết, từ giá đầu vào, chi phí chiếu xạ do độc quyền tới phí thông quan, logistics… đều cao khiến giá thành bị đội lên không đủ sức cạnh tranh”, đại biểu lấy ví dụ.

Thế nhưng, trả lời về kết quả cải cách thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan dẫn báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết: Năm 2018, các bộ là thành viên Ban Cải thiện môi trường kinh doanh đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 1.136 điều kiện kinh doanh; ban hành theo thẩm quyền 6 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 506 danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tính riêng việc cắt giảm của các Bộ nêu trên đã giúp tiết kiệm hơn 4 triệu ngày công, tương đương 649,2 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 110,6% so với yêu cầu của Thủ tướng.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) đặt vấn đề: “Cần làm rõ cải cách thủ tục hành chính có thực chất? Báo cáo nêu cải cách hoài nhưng khi tôi đi tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều than về thủ tục hành chính. Họ nói nhìn bề ngoài thủ tục hành chính giảm về đầu mục nhưng thực chất lại là những đầu mục lớn được gom từ nhiều đầu mục trước đó nhét vô”.

 Vì đâu thủ tục vẫn hành DN từ xuất quả xoài đến xây nhà máy?  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Nhà máy nhiệt điện Thăng Long của Geleximco tại Quảng Ninh


Dẫn ra tình hình hoạt động của doanh nghiệp 4 tháng đầu năm, đại biểu này phân tích: “So với cùng kỳ năm trước, trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,9%, vốn hoạt động tăng 31,7%, tổng vốn đăng ký bổ sung hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể và chờ giải thể cũng lại cao, chiếm 65,1% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động. Điều này có nghĩa cứ lập ra 100 doanh nghiệp thì lại có 65 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể. Thực tế này có đáng để chúng ta phải xem lại môi trường đầu tư kinh doanh?”.

Liên quan tới chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện thủ tục hành chính, báo cáo gửi đại biểu Quốc hội kỳ họp này, Bộ Nội vụ cho ra kết quả “giật mình”: Năm 2018, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi đó tỉ lệ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với công chức là 96,28% và với viên chức là 94,32%!

Nói về con số trên, đại biểu Phạm Phú Quốc nêu thực trạng: “Thu nhập công chức, viên chức năm nào cũng tăng song vẫn ở mức thấp, buộc họ phải chạy ra ngoài làm thêm, tất yếu gây ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Đó là chưa kể câu chuyện năng lực và lương tâm cán bộ. Thực tế có nhiều người giỏi am hiểu lĩnh vực chuyên môn nhưng họ lại cố ý lắt léo không làm hoặc né trách nhiệm; ngược lại có người năng lực không có lại nắm giữ chức quyền. Cuối cùng chỉ có doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu hết!”.

Tương tự, đại biểu Lâm Đình Thắng (TP HCM) cũng dẫn ra tình trạng bất cập khâu ban hành văn bản của cơ quan thẩm quyền. “Năm 2017, Bộ Tư pháp phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật, trong đó có hơn 1.200 văn bản sai về thẩm quyền và nội dung. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các cấp, các ngành bởi nguyên nhân thiếu năng lực trách nhiệm và cả lợi ích nhóm. Đáng nói, đa số văn bản này liên quan tới lĩnh vực kinh tế, tác động tới môi trường kinh doanh không lành mạnh. Điều này trả lời cho câu hỏi: Tại sao chủ trương bên trên tạo điều kiện thông thoáng nhưng phía dưới DN vẫn than phiền bởi quá nhiều khó khăn, cản trở”, ông Thắng dẫn giải và nhấn mạnh: “Hậu quả nghiêm trọng từ những văn bản trái pháp luật gây ra song tới nay vẫn không thấy ai bị xử lý trách nhiệm mà chỉ dừng lại ở khâu “rút kinh nghiệm. Trong các báo cáo của Chính phủ cũng không thấy dòng nào nói về giải pháp khắc phục?”.

Theo Hoàng Ngân

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên