MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ví điện tử "khát" room ngoại

20-08-2019 - 10:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cho rằng, việc hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech đặc biệt gây quan ngại do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài.

Đáng có 27 ví điện tử được cấp phép hoạt động tại Việt Nam

Fintech đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Hiện nay, NHNN đã cấp phép cho hơn 30 doanh nghiệp được hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có 27 tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ Ví điện tử trên thị trường. Có 76 tổ chức đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Giá trị giao dịch thông qua kênh điện thoại di động đã lên tới 1,7 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng tới 161% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, khi Fintech phát triển mạnh, giúp các hoạt động giao dịch trở nên thuận tiện thì Fintech cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là khả năng bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động, giao dịch bất hợp pháp.

Sự nở rộ của Fintech cũng đang khiến cho chính sách quản lý đối với lĩnh vực này chưa theo kịp. Nếu các chính sách, quy định siết chặt, đặt ra nhiều hạn chế cho Fintech thì sẽ khiến cho sự phát triển ở lĩnh vực này bị chậm lại. Tuy nhiên, nếu quá nới lỏng thì không ngoài khả năng sẽ dẫn đến những rủi ro, gây tổn thương tới ngành tài chính - ngân hàng. Vậy đâu là điểm cân bằng để hài hòa giữa cơ hội và rủi ro trong lĩnh vực này?

Cơ chế Sandbox được cho là nơi sẽ tìm ra được điểm cân bằng này. NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Regulatory Sandbox vào tháng 5/2019. Mục tiêu của đề án là hiện thực hóa các giải pháp tại Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiểm đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. 

Thông qua Sandbox sẽ thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân, tạo môi trường thử nghiệm nằm phát triển các giải pháp công nghệ tài chính phù hợp với nhu cầu thị trường cà khuôn khổ pháp lý. Đáng chú ý, các rủi ro xảy ra cho khách hàng sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức sẽ được hạn chế. 

Hạn chế room ngoại đang "bó chân" Fintech?

Ông Varun Mital, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho biết, Việt Nam đang có 27 ví điện tử, con số này chỉ cao hơn so với Singapore (26 ví), nhưng thấp hơn nhiều so với Indonesia (35 ví), Phillipines (43 ví) và Malaysia (44 ví).

Về chính sách quản lý Fintech, Ông Varun chỉ ra một số điểm đáng lưu ý. Trong đó, quy định hạn mức đối với ví điện tử còn bất cập. 

"Chúng ta cần có hạn mức đối với ví điện tử tuy nhiên hạn mức như thế nào thì nên dựa vào hoạt động của người dùng. Ví dụ một người mua một vé máy bay khác với mua một cốc cà phê, do đó không nên có một hạn mức chung với tất cả mọi người, tất cả giao dịch", ông nói. 

Ngoài ra, theo ông Varun, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech cũng đặc biệt gây quan ngại do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. 

Ông Varun cho biết: "Các Start-Up trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI)...vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho Fintech". 

Đồng quan điểm, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng lưu ý về việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Fintech. Theo ông Tuấn, hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EU - VN FTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính với phạm vi cam kết rất rộng. Cụ thể, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính và phần mêm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. 

Vì vậy, ông Tuấn cho rằng các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư tại nước ngoài thời gian gần đây.

Hiệp hội VAFI cho rằng, Chính phủ đã cho phép Ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động và xem xét nới room cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại (30%) để làm tiền lệ cho Fintech.

Được biết, việc NHNN muốn hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán là nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên