Ví điện tử ngang hàng với tài khoản và thẻ ngân hàng, có thể chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống
Khi ví điện tử trở thành phương tiện thanh toán sẽ phải bình đẳng như hoạt động chuyển tiền đối với tài khoản của các ngân hàng.
- 25-08-2024Bi hài chuyện lĩnh lương hưu qua tài khoản, người già lo ngay ngáy
- 25-08-2024Lãi suất huy động tăng liên tục, có 100 triệu gửi ngân hàng lúc này, 1 năm sau lãi bao nhiêu?
- 25-08-2024Cách làm thẻ ATM online giao tại nhà
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 40/2024/TT-NHNN, hiệu lực từ ngày 17/7/2024, về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong đó, ví điện tử được quy định ngang bằng với tài khoản ngân hàng và cũng ngang bằng như thẻ ngân hàng. Đây là một bước tiến mới rất lớn trong hành lang pháp lý để đưa ví điện tử ngang hàng với tài khoản và với thẻ.
Trước đây, trong Thông tư 39, không coi ví điện tử là phương tiện thanh toán mà coi hoạt động của ví chỉ dừng lại trong nội bộ của tổ chức như thông qua tài khoản liên kết giữa ví và tài khoản chủ thẻ mở tại ngân hàng hợp tác với Ví. Vì vậy, chỉ có khái niệm "Topup" là rút tiền, nạp tiền và quay vòng trong hoạt động của Ví. Đồng thời, các đơn vị chấp nhận thanh toán do các tổ chức trung gian quản lý.
Tuy nhiên, khi ví điện tử trở thành phương tiện thanh toán sẽ được quyền thanh toán tương tự như tài khoản ngân hàng, khi đó ví điện tử có thể thực hiện thanh toán từ ví đến ví và có thể thanh toán từ ví đến tài khoản ngân hàng. Như vậy, nguồn tiền vào ví không chỉ còn từ tài khoản liên kết nữa mà là từ tất cả các nguồn khác nhau có thể từ tài khoản ở các ngân hàng khác hoặc là từ nguồn tiền từ các ví khác,... Đây chính là các dịch vụ chuyển tiền từ tài khoản vào ví và ngược lại từ ví vào tài khoản.
Đối với hoạt động chuyển tiền nội bộ trong các ngân hàng sẽ không có thu phí. Đối với việc chuyển tiền giữa các ngân hàng thì NAPAS có thu phí, tuy nhiên một số ngân hàng thương mại vẫn áp dụng miễn phí cho khách hàng. Khi ví điện tử trở thành phương tiện thanh toán sẽ phải bình đẳng như hoạt động chuyển tiền đối với tài khoản của các ngân hàng.
Theo ông Tuấn, việc nêu ra vấn đề bình đẳng sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán liên thông giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán với nhau. Từ đó, tạo sự thúc đẩy liên thông trong thanh toán. Đặc biệt, cần phải có sự phân biệt rõ trong việc các đơn vị chấp nhận thanh toán theo mã QR chuyển tiền và chấp nhận thanh toán theo mã QR thanh toán. Bởi việc "chuyển tiền" và "thanh toán" là 2 khái niệm khác nhau, do "chuyển tiền" có thể thực hiện liên tục và nhiều lần nhưng "thanh toán" chỉ thực hiện chuyển tiền 1 lần.
Được biết, Thông tư 40/2024/TT-NHNN, hiệu lực từ ngày 17/7/2024 quy định về việc nạp tiền vào ví điện tử được thực hiện qua những hình thức như sau:
- Nộp tiền mặt vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cho dịch vụ ví điện tử) mở tại ngân hàng hợp tác.
- Nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết.
- Nhận tiền từ tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngoại trừ trường hợp nhận tiền chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết nêu trên.
- Nhận tiền từ ví điện tử khác trong cùng hệ thống (do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở).
- Nhận tiền từ ví điện tử khác ngoài hệ thống (do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở).
So với quy định cũ, NHNN đã mở rộng các hình thức nạp tiền, qua việc cho phép khách hàng có thể nạp tiền thông qua các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác ngoài hệ thống.
Tương tự như nạp tiền, Thông tư 40/2024/TT-NHNN cũng đã bổ sung thêm quy định cho phép khách hàng có thể chuyển tiền đến các ví điện tử khác ngoài hệ thống (do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở). Hạn mức giao dịch tối đa đối với việc sử dụng ví điện tử để chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng.