MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vi diệu" dự phòng ngân hàng

04-05-2021 - 15:49 PM | Tài chính - ngân hàng

"Vi diệu" dự phòng ngân hàng

Nhìn vào các con số trong báo cáo tài chính, đặc biệt là các khoản mục như dự phòng rủi ro cho vay, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận sau thuế thì mới thấy sự vi diệu của dự phòng...

Mới đây, thông tin một ngân hàng hiện có khoảng 30 ngàn tỷ đồng “lợi nhuận treo” mà phần lớn từ quỹ dự phòng rủi ro khiến không ít người giật mình. Trong năm tài chính 2020, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng, thậm chí có ngân hàng đạt mức +45% trong bối cảnh kinh tế khó khăn do Covid-19.

Có điều, khi nhìn vào các con số trong báo cáo tài chính, đặc biệt là các khoản mục như dự phòng rủi ro cho vay, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận sau thuế thì mới thấy sự vi diệu của dự phòng. Đằng sau các con số, là các câu chuyện có lẽ chỉ một số ít người biết được.

TRẦM BỔNG LỢI NHUẬN SAU THUẾ

Trong nhóm 12 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn hóa lớn nhất thị trường, ngân hàng có kết quả tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng nhất năm 2020 là TCB, lên đến 45,18%. Tiếp đó là VIB với 42,13% và ACB là 27,84%. Ở chiều ngược lại, chỉ có hai ngân hàng có lợi nhuận sau thuế giảm: VCB giảm 2,56% và BID giảm đáng kể với mức 15,49% khi so với mức tăng trung bình của cả nhóm này là 17,43% trong năm 2020.

Trường hợp của BID là rất đặc biệt. Trước đó, kế hoạch năm 2020 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 16,5%, khi tình hình Covid-19 nghiêm trọng hơn thì theo kịch bản xấu nhất thì một công ty chứng khoán lớn cũng nhận định lợi nhuận năm 2020 tăng khoản 10%. Thế mà kết quả lợi nhuận công bố cuối cùng năm 2020 là -15,49%.

Cũng tương tự như BID, ban đầu VCB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020 là khoảng 10% sau khi điều chỉnh từ kế hoạch trước đó là 15%, nhưng cuối cùng thực hiện là -2,56%. Một điểm chung đáng lưu ý giữa hai ngân hàng lớn này là thu nhập từ lãi thuần thấp hoặc âm trong trường hợp của BID, trong khi đó dự phòng rủi ro cho vay lại tăng mạnh.

Vi diệu dự phòng ngân hàng - Ảnh 1.

Ở nhóm ba ngân hàng có vốn hóa lớn tiếp theo là CTG, TCB và VPB thì lại đối nghịch hoàn toàn. Theo kế hoạch, dự kiến lợi nhuận của CTG là -11%, nhưng thực hiện lại đột biến lên thành +45,18%. TCB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận là 1% thì thực hiện được đến 23% còn VPB kế hoạch -1% thì thực hiện đến 26%. Nhưng cũng lạ và trùng hợp ở sự thay đổi dự phòng rủi ro cho vay, sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.

Trừ trường hợp VPB có mức tăng trưởng dự phòng rủi ro cho vay 10,09%, cùng với đó là lợi nhuận sau thuế tăng 26,07% thì 4 ông lớn còn lại đều có một đặc điểm chung khá rõ: khi dự phòng rủi ro cho vay tăng thì lợi nhuận sau thuế lại giảm, và ngược lại. Cụ thể, VCB và BID tăng dự phòng rủi ro cho vay ở mức 88,04% và 30,23% thì lợi nhuận sau thuế lại giảm tương ứng là 2,56% và 15,49%.

HỘP ĐEN DỰ PHÒNG RỦI RO CHO VAY

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của CTG tăng 45,18% khi dự phòng rủi ro cho vay giảm 2,97%, còn TCB thì lợi nhuận sau thuế tăng 23,04% khi dự phòng rủi ro cho vay giảm 24,07%. Một số ngân hàng khác cũng có hiện tượng tương tự khi lợi nhuận sau thuế và dự phòng rủi ro cho vay có xu hướng ngược chiều nhau: tăng dự phòng thì lợi nhuận giảm.

Dĩ nhiên việc trích lập dự phòng rủi ro cho vay ở khía cạnh nào đó có thể coi là “lợi nhuận treo”, khi một số khoản nợ không còn thuộc trong diện nợ xấu. Tuy nhiên, việc phân loại khoản vay thành nợ xấu hay không và thuộc nhóm nào trong 5 nhóm nợ xấu thì vẫn tồn tại những thủ thuật để thực hiện qua cái gọi là sắp xếp lại hay tái trúc nợ, và dĩ nhiên cụ thể như thế nào thì đó là hộp đen với phần lớn công chúng.

Vi diệu dự phòng ngân hàng - Ảnh 2.

Tuy nhiên, liên quan đến nợ xấu có thực sự hay không, tương ứng là dự phòng rủi ro cho vay tăng hay giảm thì có thể xem xét thêm ở chỉ số thu nhập lãi thuần. Thông thường, nếu nợ xấu tăng thì thu nhập lãi thuần phải giảm hoặc tăng ít vì bên đi vay không còn khả năng trả lãi. Trừ trường hợp khá đặc biệt là đi vay để trả lãi, nhưng nếu ngân hàng để tình huống này xảy ra thì thật sự là có vấn đề.

MẬP MỜ CHI PHÍ DỰ PHÒNG RỦI RO

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là hai khoản chi phí quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Nếu như biết rằng chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại có thâm niên có thể biến động nhưng chỉ có thể trong một giới hạn nhất định nào đó thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại là một khoảng sân rộng để các ngân hàng có thể tung hoành.

Lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận là những chỉ tiêu quan trọng đối với nhà đầu tư và cả lãnh đạo của ngân hàng. Tuy nhiên, do đặc thù kinh doanh của mình, các con số lợi nhuận có thể bị thay đổi bởi các khoản dự phòng rủi ro cho vay từ bảng cân đối kế toán hay chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Biến động chi phí hoạt động của nhóm ngân hàng trong bài viết này cao nhất là +29,88% ở VIB, và -9,70% ở EIB. Trung bình của cả nhóm 12 ngân hàng là +7,04%. Mức chi phí hoạt động cao nhưng mức dao động không thể quá lớn thì từ đó ảnh hưởng đến thay đổi lợi nhuận sau thuế cũng không thể lớn. Trong nhóm này, có trường hợp đặc biệt là VIB, tăng chi phí hoạt động 29,88% đồng thời tăng lợi nhuận sau thuế là 42,31% trong năm 2020.

Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của 12 ngân hàng lớn nhất mới thấy sự chênh lệch đáng kể ở chỉ tiêu này. Mức biến động của năm 2020 so với năm 2019 cao nhất là ở ACB, tăng 244,69%, tức là từ 273 tỷ đồng lên đến 941 tỷ đồng. Tiếp đến là TCB tăng 184,73% so với năm trước, còn SHB thì tăng 92,53%.

Đáng lưu ý ở đây là có một số ngân hàng có tỷ lệ thay đổi giảm so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế tăng đáng kể. Như trường hợp của CTG là -6,58%, lợi nhuận sau thuế tăng 45,18%, EIB là -3,33% thì lợi nhuận sau thuế tăng 23,56%, và VPB tăng 6,82% thì lợi nhuận sau thuế tăng 26,07%.

Lợi nhuận và tăng trưởng lợi nhuận là những chỉ tiêu quan trọng đối với nhà đầu tư và cả lãnh đạo của ngân hàng. Tuy nhiên, do đặc thù kinh doanh của mình, các con số lợi nhuận có thể bị thay đổi bởi các khoản dự phòng rủi ro cho vay từ bảng cân đối kế toán hay chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư, các con số sẽ là hữu ích khi có câu chuyện đi cùng. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện liên quan đến dự phòng rủi ro là hộp đen với công chúng. Muốn rõ hơn chỉ có cách kết nối những điểm rời rạc, từ sự thay đổi của thu nhập lãi thuần, hay dự phòng rủi ro cho vay và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, để phần nào phán đoán được câu chuyện ém hay thổi lợi nhuận.

(*)Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM. IPAG Business School Paris và AVSE Global


Theo TS. Võ Đình Trí*

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên