2 năm tới, mỗi ngày phải cổ phần hóa 1 doanh nghiệp
Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho rằng, trong 2 năm phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước là việc không hề dễ dàng.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị tái cơ cấu DNNN do Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 2/4, ông Phạm Viết Muôn cho biết: 3 tháng đầu năm, trong tổng số 432 DNNN cần cổ phần hóa, chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa ở 146 doanh nghiệp, phê duyệt giá trị doanh nghiệp ở 26 doanh nghiệp, bán được 14 doanh nghiệp, sắp xếp được 14 doanh nghiệp.
Trong cùng thời gian này cũng đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được 13 tổng công ty (9 doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải và 4 doanh nghiệp của Bộ Xây dựng).
“Tuy nhiên, từ nay đến 2015, nếu không vạch ra sơ đồ với từng công việc cụ thể thì việc cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014-2015 là rất khó.” – Ông Muôn thừa nhận.
“ Nếu trong 2 năm phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp thì 1 ngày phải cổ phần hóa hơn 1 doanh nghiệp. Bởi vì từ nay đến ngày 31-12-2015 còn 21 tháng với số ngày làm việc là hơn 300 ngày. Nhưng số ngày mà Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM làm việc lại không đến chừng đó. Cho nên bình quân 1 ngày hai sở giao dịch này phải đưa ra bán đấu giá hơn 1 doanh nghiệp. Do đó nếu không có lịch biểu đấu giá cổ phần của từng doanh nghiệp thì sẽ bị tắc. Hệ quả là đến ngày cuối cùng chúng ta vẫn không cổ phần hóa kịp.” – Ông Muôn phân tích.
Báo cáo của Đảng ủy khối DN Trung Ương cũng cho thấy, tốc độ và kết quả cổ phần hóa đang diễn ra rất chậm
Theo đề án, tất cả 24 đơn vị được tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó có 15 công ty mẹ Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, có 9 công ty mẹ cần tiến hành cổ phần hoá.
Đến nay có 3 công ty mẹ đã cổ phần hóa là Bảo Việt, Xăng dầu, Thép; các công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 là: Dệt may, Hàng không. Năm 2015 cần cổ phần hoá 4 công ty mẹ của các đơn vị còn lại là: Hàng hải, Sông Đà, HUD, Xi-măng.
Với các doanh nghiệp trực thuộc của 24 đơn vị có đề án đã được phê duyệt, tổng số doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ hiện tại là 279 doanh nghiệp, sẽ phải sắp xếp để giảm xuống theo đề án là còn 229 doanh nghiệp vào năm 2015.
Số doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hoá, nhưng nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 50% hiện tại là 395 doanh nghiệp, sẽ phải sắp xếp để giảm xuống theo đề án là còn 387 doanh nghiệp vào năm 2015.
Tổng số doanh nghiệp trực thuộc cần cổ phần hoá theo đề án tái cơ cấu của 24 đơn vị là 80 doanh nghiệp, số đã xúc tiến triển khai công tác cổ phần hoá là 50 DN, số đã hoàn thành cổ phần hoá là 10 doanh nghiệp, như vậy từ nay đến năm 2015 còn phải hoàn thành cổ phần hoá 70 doanh nghiệp.
Về thoái vốn, tổng số DN cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước theo đề án là 642 doanh nghiệp, số đã thực hiện thoái vốn xong kể từ khi đề án được duyệt là 167 doanh nghiệp, tổng số vốn đã thoái thu về đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến năm 2015 còn cần tiếp tục thoái vốn toàn bộ tại 472 doanh nghiệp.
Hồng Anh