2 vạn doanh nghiệp đóng cửa, bội chi ngân sách 45.000 tỷ đồng
Số liệu trên vừa được công bố trong báo cáo kết quả kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê.
- 12-01-2014Chuyên gia kinh tế “đau lòng” về số doanh nghiệp đóng cửa
- 20-01-2013TPHCM: Hơn 20.000 doanh nghiệp đóng cửa trong một năm
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 182,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa chiếm 152,1 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô 7,2 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 22,8 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do giảm thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất do giá dầu giảm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2016 ước tính đạt 227,7 nghìn tỷ đồng , bằng 17,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 40,1 nghìn tỷ đồng, tương đương với số chi trả nợ và viện trợ là 31,9 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã bội chi ngân sách khoảng 45.000 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 20.044, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Con số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thực tế quý I/2016 cao hơn 1.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2015 khi số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động của quý I/2015 là 18.700 doanh nghiệp.
Về số thành lập mới, quý I/2016 cả nước cả nước có 23.767 doanh nghiệp, tổng vốn đạt 186.000 tỷ đồng, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân đạt 7,8 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 3/2016, cả nước có hơn 9.800 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 72.900 tỷ đồng, tăng 76,6% về số doanh nghiệp và tăng 35,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Theo nhận định của cơ quan thống kê, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại và cũng đang đối mặt với không ít những thách thức, khó khăn.
Kinh thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam cũng phải chịu nhiều bất lợi. Đặc biệt, tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết.
BizLIVE