3 xu hướng kinh doanh mới giúp tăng trưởng ngành logistics
Thị trường logistics Việt Nam tuy có quy mô nhỏ nhưng tốc độ tăng trưởng cao (20 – 25% năm). Trong thời gian tới, thị trường này được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo và phát triển nhanh hơn nữa do sự phát triển của các xu hướng kinh doanh mới như: mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi, kênh thương mại điện tử và giao hàng hiệu quả đến khu vực nông thôn.
- 05-02-2016Cơ hội bứt phá của cổ phiếu ngành logistics từ TPP
- 26-01-2016Logistics: 80% thị phần vào tay nước ngoài, doanh nghiệp nội tính sao?
- 04-01-2016Bị truy thu thuế hơn 5 tỷ đồng, Logistics Vinalink “không phục”
- 03-01-2016Logistics tất bật với vụ Tết
Trong năm năm trở lại đây, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang phát triển rất nhanh và chưa có dấu hiệu bão hòa. Hiện nay, trên cả nước đang có khoảng 400 cửa hàng tiện lợi.
Một loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã và đang tiếp tục được mở ra tại các điểm dân cư đông đúc tại các thành phố lớn như: Shop & Go (gần 150 cửa hàng), Circle K (khoảng 130 cửa hàng), B’s mart (khoảng 120 cửa hàng), FamilyMart (gần 65 cửa hàng), Ministop (28 cửa hàng)…
Chi phí mở cửa hàng tiện lợi tương đối rẻ, việc kiểm soát hàng hóa – chất lượng cũng đơn giản hơn. Với diện tích trung bình khoảng 100 – 150m2, các cửa hàng tiện ích cung ứng những sản phẩm thiết yếu đến người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Nielsen, trong năm 2014, số lượng người tiêu dùng mua hàng tại kênh chợ truyền thống giảm 5%, giảm 17% đối với cửa hàng tạp hóa truyền thống và 22% người tiêu dùng có thói quen mua hàng ở kênh bán hàng tiện lợi.
Sự phát triển của kênh bán hàng tiện lợi yêu cầu hoạt động logistics có khả năng giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên và đúng hẹn cho phép loại bỏ tồn kho tại cửa hàng và tối ưu hóa diện tích bán hàng nhưng không để xảy ra trường hợp mất doanh số cho hết hàng.
Ngoài ra yêu cầu giao hàng thường xuyên cũng đồng nghĩa với việc xe tải giao hàng phải có khả năng quay đầu nhanh.
Do đó, ngay từ lúc này, ngoài việc tối ưu hóa năng lực giao nhận, doanh nghiệp bán lẻ và logistics cũng cần chú ý đầu tư trang thiết bị và phát triển quy trình cho kho bãi dành riêng cho việc đáp ứng kênh bán hàng tiện lợi.
Động lực hoàn thiện logistics từ sự phát triển thương mại điện tử
Cùng với kênh bán hàng tiện lợi, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Hiện nước ta là nước đứng thứ 4 về tốc độ phát triển TMĐT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa đã coi các website bán hàng online là một kênh bán hàng hữu hiệu.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm một sản phẩm bất kỳ, của một nhà sản xuất bất kỳ ở rất nhiều các trang bán hàng online khác nhau, thậm chí là so sánh giá bán của cùng một sản phẩm trên các website, với chỉ vài cú click chuột.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, trong năm vừa qua, doanh số bán hàng của kênh TMĐT đạt 2,97 tỷ USD, tương đương 2,12% tổng doanh thu bán lẻ.
Đặc thù của kênh TMĐT là khả năng bán hàng phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn thông qua mạng internet. Tuy nhiên, cũng chính vì độ phủ lớn mà gánh nặng về chi phí logistics cũng là một bài toán không dễ cho các doanh nghiệp TMĐT.
Tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn, độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành là đặc điểm quan trọng của logistics phục vụ cho kênh TMĐT.
Hầu hết các website bán hàng online đều có chính sách miễn phí giao hàng khi khách hàng mua một đơn hàng với mức giá nhất định nào đó, áp dụng cho tất cả các khách hàng.
Hoạt động giao nhận hàng hóa hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp TMĐT tự triển khai, việc chuyển hàng rộng rãi đến các tỉnh thành trong cả nước gặp nhiều hạn chế vì lý do chi phí.
Điều đó phần nào đã thu hẹp phạm vi hoạt động thị trường TMĐT, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thì tình hình cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt.
Trong khi tại các tỉnh xa, nhu cầu mua sắm online người tiêu dùng ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa doanh nghiệp TMĐT nào giải quyết được bài toán vận chuyển, giao hàng để bước đầu mở rộng thị trường.
Phần lớn các giao dịch TMĐT hiện nay vẫn là ở hình thức giao hàng rồi mới thu tiền (COD). Các đại lý cung cấp dịch vụ giao hàng và thu tiền COD cho kênh TMĐT vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một số các doanh nghiệp lớn cũng đang có ý định mở rộng qua lĩnh vực này như Vietnam Post, Viettel Post và Kerry TTC.
Ngoài ra khả năng linh hoạt trong giao nhận cũng là một yếu tố quan trọng đối với khách hàng của kênh TMĐT (ví dụ: thay đổi địa điểm giao hàng, giao hàng qua địa điểm tập kết trung gian, và quy trình trả hàng nhanh và tiện lợi).
Phát triển dịch vụ logistics ở nông thôn
Logistics đóng một vai trò quan trọng trong phân phối hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Vai trò này đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải có những phương án giải quyết phù hợp, đặc biệt là giao hàng đến vùng nông thôn.
Với đặc thù địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt, hệ thống đường giao thông không thuận tiện, muốn mang được hàng đi sâu hơn, xa hơn với chi phí hợp lý nhất thì phải tập kết hàng ở đâu, tổ chức bán và giao hàng ra sao, dùng phương tiện gì để chuyên chở, tự làm hay thuê ngoài?
Đó là hàng loạt các câu hỏi mà các doanh nghiệp là đại lý phân phối hàng FMCG ở nông thôn đang gặp phải.
Như vậy, doanh nghiệp nào nhận thức và giải quyết vấn đề này càng sớm thì càng có lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường ở nông thôn trong tương lai, nơi mà hơn 70% dân số Việt Nam đang sinh sống.
Trong các mô hình giao hàng đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa thì có ba mô hình phổ biến gồm:
(1) Mô hình chi nhánh ở vùng nông thôn: Mỗi chi nhánh đều có kho hàng chứa hàng được chuyển lên từ đại lý, hoặc trực tiếp từ nhà sản xuất.
(2) Mô hình kho phụở khu vực địa bàn xa. Kho phụ thường là nhỏ chừng vài chục mét vuông dùng để dự trữ hàng, phòng trường hợp thiếu hàng giữa hai lần xe hàng từ đại lý lên.
Ở kho phụ, nhà phân phối có một nhân viên bám trụ địa bàn. Người này có nhiệm vụ đi lấy đơn hàng rồi chuyển về cho nhà phân phối.
Ngoài ra nhân viên này vẫn phải đảm trách các công việc khác như là tiếp thị sản phẩm, trưng bày, nắm bắt tình hình đối thủ, quản lý hàng tồn tại kho phụ, bổ sung hàng cho khách hàng kịp thời, mở rộng vùng bao phủ, hỗ trợ việc giao hàng khi có xe giao hàng lên địa bàn.
(3) Mô hình đại lý thứ cấp: Ở các khu vực dân cư tập trung nhưng ở xa đại lý, số lượng cửa hàng nhiều mà doanh số cả vùng lại thấp thì việc bán và giao hàng đến từng cửa hàng nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả bằng việc bán thông qua một đối tác trung gian.
Với mô hình này, đại lý sẽ tập trung bán hàng và giao hàng tới những cửa hàng bán buôn lớn. Những cửa hàng này lại tiếp tục đẩy hàng xuống cho các cửa hàng bán lẻ.
Mô hình thường thấy là đại lý dùng xe tải giao đến các đại lý thứ cấp, từ đây lại dùng xe máy chở hàng đi bán ở các làng bản xa mà xe tải không thể đi vào được. Cũng có những nơi đại lý thứ cấp phải dùng đến ngựa thồ để có thể lên được các bản dân tộc nằm cheo leo trên đỉnh núi.
Doanh Nhân Sài Gòn