MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

50.000 tỷ vốn ODA, 45.000 tỷ ngân sách: TS. Lê Đăng Doanh nói gì?

"Vốn ODA là có thực nhưng đây là vốn vay và vay sẽ phải trả, không tự do chi, không thể "cò cựa" được, chẳng qua có giải ngân được hay không? Nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính là có tính chất chấn an còn người trong cuộc thấy rõ khoản này là khoản vay nợ".

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
76 bài viết
  • Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
  • Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023

Trong khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, ngân sách chi đầu tư phát triển 2016 sau khi trừ đi các cân đối địa phương, vốn nước ngoài thì chỉ còn 45.000 tỷ đồng, đại diện Bộ Tài chính đưa ra con số khác, lên đến 95.000 tỷ đồng.

Tại phiên họp tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Quốc hội sáng 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói: "cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng, với mức này không biết làm gì, chưa nói để trả nợ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả".

Bộ trưởng Vinh nhắc đến con số 255.750 tỷ đồng vốn ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2016 sau khi phân bổ ngân sách địa phương và các cân đối khác thì ngân sách Trung ương còn lại 45.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, 45.000 tỷ đồng vốn ngân sách mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đã nêu ra là chưa tính thêm 50.000 tỷ đồng vốn ODA.

"Nguồn vốn ODA có thể tính trước căn cứ vào các Hiệp định đã ký, dự toán đầu tư vốn ODA năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đây là khoản vốn phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng coi như chi phí đầu tư phát triển", Thứ trưởng Tuấn giải thích.

Trao đổi với BizLIVE , TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, con số mà Bộ trưởng Vinh đưa ra là có lý, báo động tình trạng ít tiền trong ngân sách.

"Với một đất nước 93 triệu dân con số trên là một con số quá bé, không ra tấm ra món. Lo lắng của Bộ trưởng Vinh đứng trên cương vị là người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư đang tâm tư và có trách nhiệm với ngân sách của cả nước", ông Doanh nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng CIEM cho biết thêm, con số 45.000 tỷ đồng là khoản mục còn lại của vốn đầu tư phát triển, là khoản tương đối nhỏ trong cấu phần các khoản chi ngân sách Trung ương nói chung, không phải toàn bộ ngân sách.

Phản hồi về con số 95.000 tỷ đồng được Thứ trưởng Bộ Tài chính đưa ra, ông Doanh cho biết, số vốn ODA không tự do chi, chi về cái gì đã được xác định rõ như Pháp, Nhật... chi vào dự án nào không thể "cò cựa", chẳng qua có giải ngân được hay không.

"Cho nên số vốn là có thực nhưng đây là vốn vay và vay sẽ phải trả, vấn đề sử dụng hiệu quả không", ông Doanh bổ sung.

Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, số tiền 50.000 tỷ đồng khác số tiền ngân sách 45.000 tỷ đồng là số tiền có trong tay có thể chi vào các điều theo ưu tiên, lúc nước sôi lửa bỏng.

"Nói như Thứ trưởng Bộ Tài chính là có tính chất chấn an còn người trong cuộc thấy rõ khoản này là khoản vay nợ. Thứ hai, chi vào khoản gì không thay đổi được vì đã có quyết định", ông Doanh nói.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/10/2015 ước đạt 709.800 tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán cả năm trong khi tổng chi ngân sách ước đạt 867.700 tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán năm.

Như vậy, tính từ đầu năm đến 15/10, bội chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 157.900 tỷ đồng, mới bằng khoảng 69,87% mức bội chi cả năm 2015 mà Quốc hội phê duyệt là 226.000 tỷ đồng.

 

Theo NGUYỄN THẢO

Bizlive

Trở lên trên