7 thông tin kinh tế nổi bật tuần từ 2/3-8/3
Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015; Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; Đà Nẵng khởi động lại “thung lũng Silicon”; PMI tháng 2 tăng nhẹ… là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
- 06-03-2015Phó Tổng Giám đốc EVN: Đáng lẽ ra giá điện phải tăng 12,8%
- 05-03-2015Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015
- 04-03-2015Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015
Chiều 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015.
Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện. Theo đó, đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.
Sếp EVN: Lẽ ra giá điện phải tăng 12,8%
Chiều 6/3, Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN đã tổ chức họp báo công bố việc điều chỉnh giá điện. Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 có nhiều yếu tố gây sức ép lên giá điện. Theo đó, nếu tính nguyên các chi phí đầu vào thì mức tăng giá điện phải là 12,8%.
"Giá điện lẽ ra phải tăng khoảng 12,8% nhưng chúng tôi kiến nghị tăng 9,5%; lợi nhuận chỉ đạt 3,5%. Tuy nhiên Chính Phủ đã quyết định tăng ở mức 7,5%. Vì vậy lợi nhuận EVN năm 2015 có thể đạt 1% vốn chủ sở hữu, khoảng 1.500 tỷ đồng”, ông Tri nói.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cố gắng đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015. Đặc biệt, NHNN cần phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Đà Nẵng khởi động lại “thung lũng Silicon”
Sau khi dự án “thung lũng Silicon” bị bỏ rơi tháng 8/2014, nhiều lần lãnh đạo Đà Nẵng mời chủ đầu tư đến họp, nhưng đại diện Tập đoàn Rocky Lai & Associates, (Mỹ) vẫn không có mặt. Và khá ngạc nhiên khi đầu năm nay, đơn vị tái khởi động dự án lại là tập đoàn Trung Nam. Chủ đầu tư hiện nay là Cty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng.
“Hiện nay, Cty đang tái cơ cấu lại bộ máy nhân sự và cổ đông, bảo đảm tính pháp lý, pháp nhân, bảo đảm năng lực. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ tại công trình này, kể từ năm 2015”- ông Bùi Xuân Định, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng cho biết.
Vốn FDI vào Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm 22,5% so với cùng kỳ
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tình hình đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2015. Theo đó, tính chung trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,192 tỷ USD; bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính đến ngày 20/02/2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,2 tỷ USD, tăng 7,1 % so với cùng kỳ năm 2014.
HSBC: Chỉ số PMI tháng 2 tăng nhẹ lên mức 51,7 điểm
Theo công bố của Ngân hàng HSBC về Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tháng 2/2015 của Việt Nam, chỉ số PMI đã tăng nhẹ từ mức 51,5 điểm trong tháng 1 lên 51,7 điểm trong tháng 2.
Cụ thể, báo cáo cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới tại các công ty sản xuất ở Việt Nam đã tăng mạnh trong tháng 2, với tốc độ tăng mạnh hơn một chút so với tháng 1. Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trong sáu tháng liên tiếp, với các thành viên nhóm khảo sát báo cáo nhu cầu khách hàng tăng lên, sản phẩm có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Ngược lại, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm, kết thúc thời kỳ tăng kéo dài năm tháng.
BSC dự báo CPI tháng 3 tiếp tục giảm khoảng 0,2-0,3%
Phòng Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) công bố báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 2 năm 2015. Theo đó, BSC nhận định, lạm phát của Việt Nam tiếp tục thấp do tác động giảm giá xăng dầu.
BSC dự báo, tháng sau Tết thường là tháng có mức tăng CPI thấp (thậm chí âm) vì đây là thời điểm nhu cầu người dân trở lại bình thường sau khi tăng lên trong dịp Tết. Do đó CPI tháng 3/2015 nhiều khả năng tiếp tục giảm, khoảng 0,2-0,3%.
Thảo Anh (Tổng hợp)