Bài toán khó cho biên chế
Công việc ngày càng nhiều lên, do số lượng công nhân lao động (CNLĐ) tăng dần, nhưng biên chế cán bộ công đoàn (CBCĐ) lại không được tăng.
Điều này gây nhiều khó khăn cho việc duy trì, đảm bảo chất lượng hoạt động công đoàn (CĐ), nhất là CĐ cấp cơ sở.
Kiệt sức vì công việc
Ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch LĐLĐ Q.12, TPHCM - cho biết, LĐLĐ quận có 9 cán bộ chuyên trách, phụ trách 427 CĐ cơ sở với 52.000 đoàn viên. Việc quản lý địa bàn như vậy rất “đuối sức”, CBCĐ chuyên trách luôn trong tình trạng quá tải, nhưng phải cố gắng. Lương người cao nhất đã có trên 30 năm làm việc như ông Trung tròm trèm 7 triệu đồng/tháng.
Cán bộ CĐCS thì toàn bộ là kiêm nhiệm. Theo quy định của pháp luật, mỗi tháng, cán bộ CĐ cơ sở có được 24 giờ làm việc CĐ, điều này đòi hỏi cán bộ CĐ cơ sở phải tận tâm, tận lực với NLĐ, với công việc của CĐ thì mới hoàn thành nhiệm vụ.
Do tính chất kiêm nhiệm, phụ thuộc vào công việc, tiền lương nên cán bộ CĐ cơ sở như người “đứng giữa hai làn đạn”. Làm việc CĐ tích cực quá, có khi mất lòng chủ DN. Còn nếu không thì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, gây mất uy tín cho tổ chức CĐ và CN không tin cậy.
Tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), LĐLĐ thị xã cũng chỉ có 3 cán bộ, 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 1 chuyên viên. Ít cán bộ như vậy nên chuyên viên phải kiêm cả công việc văn phòng, kế toán, thủ quỹ... Vì thế, cả hai lãnh đạo LĐLĐ thị xã phải thay nhau làm các loại báo cáo, công việc mà lẽ ra do chuyên viên đảm nhiệm.
Quá nhiều việc phải làm nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn, việc bao quát tình hình CNVCLĐ trên địa bàn sẽ không thể tốt như khi có đủ nhân lực.
Còn ở Bắc Kạn, theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vi Văn Nghĩa, tỉnh không có nhiều KCN, KCX, nhưng chắc chắn số lượng DN ngoài nhà nước sẽ gia tăng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp CĐ trong tỉnh, việc tăng cường CBCĐ đang trở thành nhu cầu bức thiết, trong đó các LĐLĐ huyện, thị, CĐ ngành ít nhất mỗi đơn vị cần 3 biên chế và một số ban chuyên đề cũng cần được bổ sung biên chế.
Không được duyệt biên chế
Đề xuất xin tăng biên chế, nhưng hầu hết các cấp CĐ chỉ được giải quyết hết sức nhỏ giọt. Khó khăn này có thể được chia sẻ do tình hình chung, ngân sách nhà nước lại hạn hẹp và chủ trương tinh giản biên chế hiện đang được thực hiện.
Theo ông Vi Văn Nghĩa thì dù thế nào, LĐLĐ tỉnh cũng mong được Tổng LĐLĐVN và Tỉnh ủy Bắc Kạn thống nhất giao chỉ tiêu biên chế để LĐLĐ tỉnh cân đối, điều tiết nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng tốt hơn. Còn tại Thái Nguyên, LĐLĐ tỉnh cho biết, nhiều khi lo “chạy” thủ tục mướt mồ hôi mới được một vài chỉ tiêu biên chế, nhưng con người cụ thể thì lại bị “lệch pha” bởi không phải lúc nào CĐ cũng được chọn CB đúng như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Vinh - Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Bình Định - cho biết: “Đang có một tình trạng bất cập là CĐ hưởng ngân sách từ Tổng LĐLĐVN nhưng tổ chức, biên chế lại do địa phương quyết định. Chỉ tiêu biên chế của CĐ Bình Định là 87, nhưng tỉnh chỉ cho 58 suất. Kiên trì thuyết phục suốt một thời gian dài, mãi đến năm 2012, chúng tôi mới được cấp “quota” cho con số 87”.
Cùng với việc sửa đổi Luật CĐ, Luật LĐ, trách nhiệm của các cấp CĐ ngày một nặng nề. Số lượng CNLĐ liên tục phát triển; đình công, bãi công cũng nóng bỏng, phức tạp hơn. Việc “đóng khung biên chế” đang đẩy hoạt động CĐ các địa phương tới chỗ lúng túng và quá tải.
Đó là chưa kể cái vòng quẩn quanh, hụt hẫng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như đã nêu ở bài đầu. Bà Vinh kiến nghị: “Cần phân cấp mạnh và rõ ràng hơn nữa theo hướng, tổ chức nào “ăn” ngân sách ở đâu thì hãy để nơi đó rộng quyền định đoạt quy mô biên chế”.