MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán cổ phần theo lô: Nên mời nhà đầu tư chiến lược

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng việc nên mời các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua trọn lô khi bán cổ phần DNNN.

Trước đây, việc thoái vốn theo lô là một hoạt động của riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác chỉ được bán những khoản vốn nhà nước nhỏ theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đẩy nhanh thoái vốn nhà nước như hiện nay, cũng như nhìn nhận thấy có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực và nhu cầu sở hữu vốn lớn tại các DNNN, Chính phủ đã cho phép các DNNN được thoái vốn theo lô.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã cho phép một số DNNN được bán hoặc thoái cổ phần của Nhà nước theo lô tại một số công ty con.

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về chỉ đạo này, Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ: "Tôi gọi người mua số cổ phần này là những nhà đầu tư chiến lược. Tôi nghĩ nên mời nhà đầu tư chiến lược (tham gia mua cổ phần theo lô) vì mục đích của ta thực hiện cổ phần hóa để thay đổi quản trị của doanh nghiệp. Người ta mua hết cổ phần mà thay đổi được quản trị thì nên bán hết cho họ. Trừ khi một doanh nghiệp bán trọn gói mà không ai mua thì nên xem lại doanh nghiệp đó có nên cổ phần hóa hay không, hay để cho giải thể, phá sản".

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh có chỉ đạo là thoái vốn ở các DNNN cho các nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực, có cam kết đầu tư lâu dài để phát triển doanh nghiệp. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Tôi ủng hộ điều này. Bởi vì có trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần của DNNN nhưng chỉ “chăm nhắm” tới đất đai của doanh nghiệp đó. Mua xong, họ có thể xóa sổ luôn doanh nghiệp, chỉ muốn lấy đất.

Lẽ ra anh mua theo lô để phục hồi doanh nghiệp, đảm bảo cuộc sống của người lao động tốt hơn. Chứ chỉ vì miếng đất, mua xong anh chỉ lấy đất rồi xin chuyển đổi chức năng, mục đích sử dụng đất để xây nhà ở thương mại,... thì phải ngăn chặn.

Nhưng việc chuyển đổi chức năng, mục đích của khu đất thì cũng phải tuân thủ theo quy hoạch của địa phương chứ, thưa ông?

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp ông chủ mới của DNNN đã “vận động” với chính quyền địa phương để chuyển đổi mục đích sử dụng của khu đất vốn trước đây là trụ sở, kho bãi của DNNN để đầu tư công trình khác cho lợi ích rất lớn, hơn nhiều so với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, tôi đề nghị trước khi cổ phần hóa những DNNN có nhiều đất đai thì phải xem lại quỹ đất đó có phù hợp với nhiệm vụ của doanh nghiệp không, để sắp xếp lại đất đai sau khi cổ phần hóa.

Không để xảy ra chuyện đất đai có vị trí đẹp mà anh lại thuê lại dễ dàng của Nhà nước như thế. Quyền được thuê đất từ việc cổ phần hóa DNNN cũng quan trọng lắm. Do vậy Chính phủ nêu ý trên là có lý do cả. Hiện tôi chưa thấy ở địa phương nào mà doanh nghiệp trả đất để làm công viên hết.

Có ý kiến cho rằng trong việc bán cổ phần theo lô thì không nhất thiết cứ phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược hay đưa ra cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp bởi những lĩnh vực thoái vốn đều là những lĩnh vực xã hội hoàn toàn có thể đảm đương được. Hơn nữa, việc mua theo lô và có thể bán ngay cũng là theo thị trường và là quyền của nhà đầu tư. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ý tôi là Chính phủ đưa ra bán cổ phần trọn gói, ưu đãi để nhà đầu tư có năng lực vào thay đổi doanh nghiệp. Còn theo thị trường thì người ta vẫn mua đi bán lại.

Nhưng tôi thấy kinh nghiệm ở các nước phát triển là khi cổ phần hóa DNNN, họ đưa ra quyền người chào bán. Nhà nước bán cái gì thì tôi đưa ra điều kiện chào bán, anh thỏa mãn thì mua, không thỏa mãn thì thôi.

Nên có chuyện nhà đầu tư mua DNNN, anh phải toàn tâm toàn lực phục hồi nó trong 5 năm mà không được chuyển nhượng cổ phần. Do đó, nếu gặp nhà đầu tư thấy được lợi ích của DNNN và mua để phục hồi thì nhà đầu tư đó thỏa mãn liền, nếu nhà đầu tư nào không thích thì thôi.

Hiện nay có trường hợp các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup đăng ký mua tới 80% vốn nhà nước tại cảng Hải Phòng và Sài Gòn. Ông nghĩ rằng một doanh nghiệp không thông thạo về lĩnh vực cảng biển đầu tư vào đây thì có hiệu quả hay không?

Tôi chỉ lo các tập đoàn nhà nước đầu tư ngoài ngành thôi. Chứ tập đoàn tư nhân đầu tư với tư cách là nhà đầu tư đứng ra thuê nhà quản lý chuyên nghiệp thực hiện. Chúng ta không nên sợ nhà đầu tư có nghề hay không.

Ngay cả như doanh nghiệp lớn như Mường Thanh, họ có tới mấy chục khách sạn thì cũng phải đi thuê người có nghề làm quản trị khách sạn đấy chứ. Các trung tâm thương mại, điện máy cũng vậy.

Nhưng cái tôi lo ngại trong những trường hợp như này là các nhà đầu tư tư nhân xin mua cảng biển, sân bay, nhà ga bằng tiền của mình hay lại đi vay ngân hàng để mua? Tức là anh mua mà không thực lực. Mua cảng biển, sân bay cần lượng tiền lớn, ngân hàng cho anh vay dài hạn thì các doanh nghiệp khác sẽ không còn vốn mà tiếp cận.

Chính vì vậy, Chính phủ kêu gọi vốn tư nhân vào các công trình xã hội hóa thì phải giám sát chặt chẽ nguồn tiền của doanh nghiệp. Tất nhiên khi đầu tư gì thì anh vẫn phải vay ngân hàng nhưng chỉ có mức độ giới hạn thôi.

Trong khi đó, nguồn tín dụng quốc gia là hữu hạn chứ không phải vô hạn. Ta đang muốn doanh nghiệp sản xuất phục hồi, lãi suất hạ thì không thể để chuyện này xảy ra được mà phải kiểm soát chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thành Chung

Chinhphu.vn

Trở lên trên