MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao giờ Việt Nam mới trở thành quốc gia không cần ODA?

"Bao giờ Việt Nam mới trở thành quốc gia không cần ODA nữa, đó mới là điều chúng tôi mong mỏi" - Trưởng đại diện Jica tại Việt Nam cho biết.

- Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà Jica đang hợp tác hỗ trợ.

- Việc giải ngân nguồn vốn ODA nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào các thủ tục phía Việt Nam.

- Việt Nam chỉ nên sử dụng vốn ODA khi cần thi công những công trình đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản. Đó mới là cách sử dụng vốn ODA khôn ngoan nhất.


Sáng nay, 1/4/2015, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) – văn phòng đại diện tại Việt Nam đã tổ chức họp báo hàng năm với chủ đề “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản – Hướng tới một xã hội tương lai an toàn và có nhiều lựa chọn".

Điểm qua tình hình hợp tác giữa 2 nước trong năm 2014, ông Mutsuya Mori – Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết năm 2014 là năm gặt hái những thành quả hợp tác mà Nhật Bản đã tích lũy trong suốt thời gian qua. Cụ thể là công trình Cửa ngõ Quốc tế mới của thủ đô Hà Nội đã được hoàn thành, với những dự án: Nhà ga hành thách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân (Cầu hữu nghị Việt – Nhật – thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA) và đường Võ Nguyên Giáp, nối giữa sân bay Quốc tế Nội Bài.

Bên cạnh đó là các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với việc ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hướng tới việc phổ biến sản xuất cây trồng an toàn một cách bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Năm tài khóa 2014 (từ 1/4/2014 – 31/3/2015) đã có 82,6 tỷ Yên vốn vay ODA được ký kết chính thức. Con số này nằm trong 112 tỷ Yên vốn vay ODA vừa được cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày hôm qua (31/3/2015). Năm 2013, vốn vay ODA ký kết chính thức là 165,6 tỷ Yên. Mức giảm vốn vay ODA năm 2014 vừa qua là do cả  hai bên Việt Nam và Nhật Bản đều gặp những khó khăn nhất định.

Hiện nay, tại Việt Nam, JICA đang thực hiện hơn 150 dự án Hợp tác kỹ thuật và Hợp tác vốn vay. Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà JICA đang hợp tác hỗ trợ.

Con số dự kiến về vốn ODA năm 2015 không được phía JICA đưa ra. Tuy nhiên, đại diện JICA Việt Nam cho biết phía Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì con số năm 2013 (cao hơn năm 2014) - là 165,6 tỷ Yên. Do sự sửa đổi của nghị định 38, các thủ tục cấp vốn ODA hiện vô cùng phức tạp – đại diện JICA nhấn mạnh. "Nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào phía Việt Nam" - ông Mori cho biết.

Thời gian vừa qua, ngay tại các kỳ họp Quốc hội vẫn có những tranh cãi xung quanh nguồn vốn ODA khi nguồn này có nhiều ràng buộc trong việc thực hiện các dự án. Mặc dù lãi suất thấp (thấp hơn nhiều so với trái phiếu Chính phủ), nhưng do thời gian triển khai rất dài, đồng thời thông qua các nhà thầu Nhật Bản, khoản vay ODA gần giống với các khoản vay thương mại hơn là các khoản vay ưu đãi.

Nhận định về tình hình này, đại diện JICA Việt Nam cho rằng, phụ thuộc vào nguồn ODA là một "thất bại". Bao giờ Việt Nam mới trở thành quốc gia không cần ODA nữa, đó mới là điều chúng tôi mong mỏi - ông Mori cho biết.

Trên thực tế, với các công trình hạ tầng có sự tham gia của nhà thầu Nhật Bản thường có chất lượng tốt hơn, bền hơn so với nhà thầu của các quốc gia khác, ví dụ như Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, vốn đầu tư của các nhà thầu Nhật Bản thường cao hơn từ 10 - 20% so với các nhà thầu khác, đó là điều không thể phủ nhận. Việc chuyển giao công nghệ, phát triển nhân lực là những thành quả không thể không kể đến. Người Việt Nam được đánh giá có khả năng tiếp thu công nghệ tốt, thể hiện qua các công trình, dự án đã hợp tác với đối tác Nhật Bản trong thời gian qua.

Việt Nam chỉ nên sử dụng vốn ODA khi cần thi công những công trình đòi hỏi công nghệ cao, yêu cầu sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản. Đó mới là cách sử dụng vốn ODA khôn ngoan nhất.

>> Nhật Bản tiếp tục viện trợ 112 tỷ yên vốn ODA giúp Việt Nam phát triển hạ tầng kinh tế

Hoàng Lan

Minh Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên