Báo hiệu “cái chết” của ngành ô tô: Cửa hẹp nhưng còn cơ hội
Chỉ những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, chiến lược đúng, khác biệt về công nghệ mới hy vọng có cơ hội “sống” khi thuế suất nhập khẩu ô tô về 0%
- 10-06-2015Đánh giá nhóm ngành ô tô trong tình thế doanh số ngành tăng đột biến
- 31-05-2015Chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô: Giải pháp vẫn thiếu đồng bộ
- 04-05-2015Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với "cơn bão" xe nhập khẩu
Báo hiệu “cái chết” của ngành ô tô?
Theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến năm 2018, sẽ có thêm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế) giảm về mức 0%, chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, nguyên liệu sữa, dầu ăn… Các doanh nghiệp (DN) trong ngành ô tô cho rằng thách thức là nhiều nhưng cơ hội cũng rất lớn.
Không quá bi quan
Ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông của Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), cho rằng nhiều ý kiến gần đây tỏ ra bi quan về ngành ô tô khi hội nhập. Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc nhập khẩu xe từ các nước ASEAN sẽ diễn ra ồ ạt từ năm 2018.
Tuy nhiên, theo quy định của ATIGA, chỉ những hãng xe có cơ sở sản xuất tại ASEAN, đạt tỉ lệ nội địa hóa 40% trong khối mới có hy vọng hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Việt Nam. Hiện chỉ có Thái Lan, Indonesia, Malaysia mạnh về các sản phẩm này. Trong đó, Thái Lan mạnh về xe pick up và xe dòng B (xe đô thị); Indonesia có xe MPV (chuyên dụng) và xe dòng B; còn Malaysia chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, ít xuất khẩu.
“Như vậy, chỉ một số phân khúc các nước có sản phẩm, còn lại họ không thể xuất sang hoặc sản phẩm không đủ mạnh, giá không tốt để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do Thaco nhận thấy dù thách thức khi hội nhập là có nhưng vẫn tìm cơ hội cho riêng mình” - ông Một nói.
Thực tế hiện nay, các hãng sản xuất ô tô trong khối ASEAN chủ yếu đến từ Nhật Bản. Nhiều hãng của các nước khác như Hàn Quốc, Mỹ hoặc châu Âu chưa có nhà máy tại ASEAN và đang muốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Điều này tạo cơ hội lớn cho các DN sản xuất ô tô trong nước có cơ hội hợp tác.
Bước đi của “ông lớn”
Nói về sự chuẩn bị cho hội nhập, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết: “Vấn đề đặt ra cho hội nhập của ngành ô tô Việt Nam nói chung hay Thaco nói riêng đó chính là chiến lược. Thaco đã xây dựng chiến lược cho hội nhập từ hơn 10 năm trước khi quyết định xây cụm nhà máy sản xuất tại Chu Lai (Quảng Nam)”.
Hiện Thaco không chỉ sản xuất xe con mà có cả xe thương mại (tải và xe buýt). Vì vậy, với chiến lược của mình, Thaco đã chuẩn bị cho hội nhập đầy đủ cả hai loại xe. Đối với sản xuất linh kiện phụ tùng, năm 2015, Thaco có sản lượng dự kiến đủ để sản xuất 78.000 xe và tăng trưởng tiếp trong các năm tới. Đây là đà tăng trưởng tốt để nội địa hóa các loại linh kiện, phụ tùng.
Hiện Thaco đang chiếm thị phần trên 30%, dẫn đầu trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Tính đến tháng 6-2015, Thaco đã tung ra thị trường 34.593 xe, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện có nhiều đối tác tìm đến Thaco đặt vấn đề hợp tác.
Ngoài ra, tại Chu Lai, Thaco đang có trên 6.500 nhân sự làm việc ở 24 đơn vị nhằm phục vụ tốt cho công nghệ sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô, như: nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, nhà máy linh kiện phụ tùng, cảng biển, trường cao đẳng, trung tâm nghiên cứu phát triển, công ty xây dựng, công ty cơ điện, công ty chuyên về quản lý khu công nghiệp, công ty logistis, công ty vận tải biển…
“Điều quan trọng nhất khi hội nhập vẫn là khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN. Với Thaco, một hệ thống khép kín từ sản xuất, lắp ráp đến kinh doanh đã được hình thành. Một khu phức hợp quy mô tại Chu Lai, vị trí thuận lợi có thể sánh bằng các hãng ô tô lớn của nhiều nước tiên tiến” - ông Trần Bá Dương tự tin.
PGS-TS Phạm Xuân Mai cho rằng những DN có bước đi đúng, vững chắc khi đầu tư hàng loạt nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện ô tô từ ghế, điện, kính, nhựa và cơ khí chuyên dụng… như Thaco là sự hiếm hoi về nội địa hóa trong điều kiện sản xuất số lượng nhỏ.
“Với chiến lược đúng và khác biệt, công nghệ phù hợp, đối tác chiến lược và con người hiện tại khá vững thì tôi tin Thaco hội nhập tốt trong thời gian tới. Nghĩa là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn có cơ hội lớn để cạnh tranh” - PGS-TS Phạm Xuân Mai nhận định.
“Kiềng 3 chân”
Theo ông Trần Bá Dương, để ngành công nghiệp ô tô phát triển, phải hội đủ 3 yếu tố: dung lượng thị trường xe tại Việt Nam; năng lực của DN và chính sách của nhà nước. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì không thể phát triển và hội nhập.
Cụ thể, ngành ô tô Việt Nam cần một chính sách đồng bộ từ phát triển hạ tầng giao thông, cộng với quy hoạch phát triển đô thị, mở rộng đầu tư và phát triển các thành phố vệ tinh... Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
“Tư duy phát triển công nghiệp ô tô phải có xe “Made in Việt Nam” là suy nghĩ chưa thấu đáo. Thái Lan có công nghiệp ô tô khá mạnh nhưng họ không có xe mang thương hiệu của Thái Lan. Phát triển công nghiệp ô tô điều đầu tiên là phải có chính sách cởi mở để thu hút, tạo điều kiện cho DN làm ăn hiệu quả, đóng thuế cho nhà nước càng nhiều càng tốt” - ông Dương nêu quan điểm.
Người lao động