‘Bi kịch’ Hy Lạp ảnh hưởng đến VN ra sao?
Rất cần học hỏi nghiêm túc từ “bài học” khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp.
- 06-07-201561% người dân Hy Lạp nói "Không" với thắt lưng buộc bụng
- 05-07-2015Đau lòng hình ảnh cụ ông người Hy Lạp ngồi khóc cạnh ngân hàng
- 04-07-2015Kinh tế Hy Lạp suy sụp trước trước thềm cuộc trưng cầu ý dân
-
TS Nguyễn Đức Thành: NHNN đã 'chia lửa' với Chính phủ, giờ cần điều hành sao cho 'khéo' để lạm phát không trở lại
-
Mức tăng trưởng 6,7% cũng có thể đạt được nếu Chính phủ quyết tâm. Nhưng vấn đề là năm sau thì như thế nào? Cứ làm theo phương pháp cũ hay sao?
Hy Lạp đã trở thành quốc gia công nghiệp phát triển đầu tiên rơi vào tình trạng chậm trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngày 30-6 vừa qua, Hy Lạp tuyên bố không thể trả khoản nợ đáo hạn trị giá 1,5 tỉ euro (1,7 tỉ USD) cho IMF.
Kinh tế Hy Lạp đang đứng trước những thách thức quá lớn khi mọi nguồn lực tài chính đã cạn kiệt, trong khi không thể tiếp cận thêm nguồn vốn của IMF cũng như gói cứu trợ quốc tế của các chủ nợ.
Vậy Việt Nam chịu tác động thế nào từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ? Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định:
Cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp hiện nay đã và đang góp phần làm nền kinh tế EU suy yếu và đồng euro mất giá. Bản thân Ngân hàng Trung ương châu Âu phải giảm lãi suất trên toàn châu Âu để kích thích kinh tế, cũng khiến giá trị đồng tiền này giảm so với các đồng tiền khác, cụ thể là USD.
Nhiều lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng
Phóng viên: Thưa ông, vậy điều này ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam ra sao?
TS Nguyễn Đức Thành: Ảnh hưởng của tình trạng này đến Việt Nam có thể ở hai mức độ.
Thứ nhất, sức mua của nền kinh tế châu Âu giảm do suy giảm kinh tế thực sự, dẫn đến giảm nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam. Châu Âu vốn là một thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, của Việt Nam và chúng ta có thặng dư thương mại lớn với hai nền kinh tế này.
Do đó, việc sức mua châu Âu giảm, phần nào ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của chúng ta. Đầu tư vào Việt Nam từ EU cũng sẽ giảm khi sức khỏe của nền kinh tế này suy yếu.
Thứ hai, giá trị đồng euro giảm mạnh sẽ khiến giá hàng hóa Việt Nam đắt lên tương đối, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào EU. Một mặt hàng “xuất khẩu” quan trọng chính là du lịch của châu Âu vào Việt Nam, khách du lịch châu Âu sẽ thấy chi phí du lịch nước ngoài, trong đó có chúng ta, tăng lên tương ứng với sự mất giá đồng euro. Như thế, họ sẽ giảm đi du lịch. Và nguồn khách du lịch vào Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đã chứng kiến điều này trong hơn một năm qua.
Còn về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nợ công… khủng hoảng Hy Lạp liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới?
Các DN hoặc ngân hàng Việt Nam nắm giữ nhiều đồng euro hoặc gửi tiền tại các ngân hàng ở châu Âu có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề vì sự giảm giá của đồng euro.
Tuy nhiên, tôi cho rằng các DN và tổ chức tài chính thường rất nhạy bén, họ sẽ cố gắng thoái lui khỏi đồng tiền này ngay khi thấy có những tín hiệu không hay. Chỉ trừ những khoản tiền gửi hoặc hợp đồng dài hạn đã ký mà thôi.
Về nợ công, Việt Nam sẽ có lợi đối với các khoản vay bằng euro vì đồng tiền này giảm giá, khiến giá trị khoản nợ tính theo VNĐ hoặc USD giảm xuống. Song tỉ trọng nợ nước ngoài của Việt Nam tính bằng euro không chiếm tỉ trọng lớn.
Tôi cho rằng sự suy giảm kinh tế và giá trị đồng tiền của EU có tác động tới Việt Nam theo hướng tiêu cực. Nhưng không ở mức nghiêm trọng vì chúng ta vẫn lệ thuộc nhiều hơn vào khu vực kinh tế đồng USD và đồng yen.
Hội nhập không tất yếu là bữa tiệc vui
Ông có thể lý giải vì sao Hy Lạp rơi vào “bi kịch” như hiện nay?
Chúng ta biết rằng bi kịch kinh tế hiện nay của Hy Lạp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khá kinh điển. Chẳng hạn, nền kinh tế này thiếu kỷ luật và minh bạch về tài khóa từ trước khi gia nhập khối EU. Họ đã giấu những khoản nợ công khổng lồ để đáp ứng điều kiện về kỷ luật tài khóa khi gia nhập EU.
Sau khi gia nhập EU, Hy Lạp đã không cải thiện được năng suất, để lỡ cơ hội tận dụng lợi thế là thành viên của EU. Trong khi đó, họ đã tăng chi tiêu chính phủ lên rất nhanh với mô hình nhà nước phúc lợi, trong khi nguồn thu không được cải thiện tương ứng. Kết quả là họ tất yếu sa vào nợ nần ngày càng trầm trọng.
Từ những phân tích nguyên nhân bi kịch của Hy Lạp, theo ông, Việt Nam cần rút ra bài học gì?
Mổ xẻ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp, chúng ta thấy có một số điểm chung so với nền kinh tế Việt Nam .
Việt Nam cũng có một hệ thống tài khóa và nợ công tương đối thiếu kỷ luật và chưa thực sự minh bạch. Nghiêm trọng hơn cả là năng suất của nền kinh tế Việt Nam không được cải thiện đủ nhanh đáp ứng nhu cầu hội nhập và theo kịp các nước trong khu vực.
Lý giải hiện tượng này khá phức tạp nhưng nói chung nó bắt nguồn từ cấu trúc nền kinh tế kém hiệu quả do khu vực DN nhà nước cồng kềnh, lấn át khu vực tư nhân; cấu trúc nền kinh tế còn lạc hậu và môi trường kinh doanh còn chưa thực sự tạo điều kiện tối đa hỗ trợ DN phát triển.
Cuối cùng, một hàm ý lớn ở đây là hội nhập quốc tế không tất yếu là một bữa tiệc vui. Nếu một nước không chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế với một nền tảng tốt, anh hoàn toàn có thể thất bại và phải rút khỏi quá trình đó trong một trạng thái vô cùng thảm hại!
Xin cám ơn ông.