MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bộ phận không nhỏ” làm giảm sút niềm tin

Xử lý tội phạm tham nhũng, lãng phí, chức vụ không minh khiến lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước bị thách thức.

Quản lý nhà nước có vân đề, đạo đức xã hội xuống cấp, một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm dẫn đến niềm tin của nhân dân giảm sút, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận.

Nghe 4 báo cáo và dự thảo luận cả ngày 17/9 về về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước cũng đồng ý với đánh giá là năm 2013 công tác phòng ngừa tội phạm có tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên, bà vẫn rất phân vân vì theo báo cáo thì tất cả các lĩnh vực như giao thông, y tế, phòng chống cháy nổ, trật tự, đất đai đều dùng các cụm từ khá phổ biến, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng… Tại sao dù hết sức cố gắng, có bộ máy tốt nhưng sao tình hình nghiêm trọng hơn?

Nhấn mạnh một trong các nguyên nhân do đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, Phó chủ tịch nước cũng nói thêm là báo cáo các năm trước không đánh giá như thế này.

"Đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp đều có cả, nguyên nhân vì sao đã đến lúc cần tìm ra", Phó chủ tịch nói.

Một “điểm nhấn” nữa tại báo cáo được Phó chủ tịch chỉ ra đó là niềm tin của nhân dân giảm sút.

Theo bà, từ chỗ quản lý nhà nước có vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, nhân dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu mà xử lý không nghiêm, không tương xứng, dẫn đến niềm tin giảm sút nghiêm trọng.

Nếu một tay nắm pháp luật, một tay nguyên tắc Đảng còn trái tim luôn hướng về đồng bào thì không có chuyện niềm tin bị giảm sút, bà Doan nói.

Ngày xưa nghèo đói như thế mà tinh thần đoàn kết như thế, còn bây giờ tình hình như vậy có phải do chính một “bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên. Một bộ phận này hãy chấp hành đúng pháp luật thì tình hình đã tốt lắm rồi. Nhưng vì bộ phận này thiếu, có bảo kê, có tiêu cực nên mới thế này, Phó chủ tịch nhận định.

Bà cũng đề nghị khi hoàn thiện báo cáo, Chính phủ cần kiểm điểm thêm trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng này. Cũng phải trình bày thêm nguyên nhân, không phải chỉ do năng lực, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành… mà là sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận đảng viên .

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ khá nhiều lo lắng, băn khoăn.

Dù nhận định đấu tranh chống tội phạm rất quyết liệt nhưng tình hình dân đã yên chưa thì cần thẳng thắn là chưa. Tội ác vô cùng man rợ, độc ác, ngang nghiên, vô cùng xuống cấp về đạo đức mà không phải lâu lâu mới có 1 vụ, gần như liên tục, các lĩnh vực đều có, giáo dục, y tế còn có, gia đình, nhà trường, con cái, bạn bè đều có cả, ông nói.

Đề nghị phải làm thật rõ tình hình, Chủ tịch cho rằng nếu nhận định tình hình diễn biến tích cực thì không phải, vì có thể số lượng giảm nhưng mức độ nghiêm trọng tăng.

Ông cũng nhắc đến một vụ việc được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu tại phiên thảo luận là qua 14 năm với 4 lần tố tụng lại trở về bản án sơ thẩm ban đầu rồi nhấn mạnh: đó là lãng phí kinh phí, lãng phí niềm tin kinh khủng cái này ai đền cho nhà nước?

Không biết xử lên xử xuống như vậy có kỷ luật ai không, chắc không, chắc vẫn lên chức thôi, Chủ tịch nói.

Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, một số ý kiến gặp nhau ở nỗi lo về phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc phát hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng, kinh tế chức vụ còn yếu, còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bên cạnh đó khi xử án còn có nhiều biểu hiện nương nhẹ với các loại tội phạm này, khi có vụ người phạm tội rất nghiêm trọng đã được áp dụng hai lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt.

Trong khi đó, theo nhận xét của ông Quyền thì nhiều viện kiểm sát địa phương rất lười ra kháng nghị vì sợ va chạm. Khi giữ quyền công tố thì đề nghị hình phạt rất cao nhưng khi tòa cho hưởng án treo, xử nhẹ thì vẫn ngồi im. Và ông Quyền nhấn mạnh “đó là không bình thường, thấy xử nhẹ thì anh phải kháng nghị”.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, bỏ lọt tội phạm thông qua xử lý vi phạm hành chính là tình trạng tương đối nhiều.

Cũng rất rõ, theo bà Nga là tình trạng bảo kê. Khi nhiều tội phạm ngang nhiên diễn ra cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật như mại dâm, ma túy, xây dựng trái phép... mà không phát hiện được cho đến khi dân tố cáo hoặc công an cấp trên vào cuộc.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương.

Không hành động cũng là thiếu trách nhiệm, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa là có thể bắt và khởi tố ngay chủ doanh nghiệp mà sao cứ để mãi, ông Đương đặt câu hỏi.

Tình hình tự xử nổi lên âm ỉ kéo dài, dân bất lực tự thiêu, tự cầm súng bắn lên đầu chính quyền theo ông Đương đều cần nhìn nhận sâu sắc về trách nhiệm của chính quyền địa phương chứ không phải chỉ có mấy cơ quan pháp luật.

Chung nhận định với nhiều vị khác, đại biểu Đương nói, phát hiện án tham nhũng, chức vụ rất hạn chế, dân bức xúc về những vụ tham nhũng lớn nhưng chỉ phát hiện được tham nhũng vặt. Mà người tham nhũng thường là đảng viên, không có chân trong đảng cầm quyền thì dừng hòng có chức vụ, ông Đương phát biểu.

Xử lý tội phạm không công minh, nhất là trong những vụ án tham nhũng, lãng phí, chức vụ, khiến lòng tin của nhân dân với đảng và nhà nước bị thách thức, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nhìn nhận.

Theo Nguyễn Lê

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên