MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Đại biểu Quốc hội còn chẳng kê khai đúng, nói gì đến nhân dân”

Trước sự chênh lệch của các số liệu thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bùi Quang Vinh cho rằng điều quan trọng nhất là tính chính xác của số liệu thống kê đầu vào, sự trung thực của người kê khai thống kê.

Tại phiên thảo luận về Luật Thống kê (sửa đổi) sáng ngày 4/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về tính chính xác của các con số thống kê hiện nay liệu có liên quan đến “bệnh thành tích” và cho rằng, phương pháp thống kê đã lỗi thời, làm méo mó số liệu thống kê  về tình hình kinh tế xã hội của đất nước.

Bày tỏ sự băn khoăn về những số liệu thống kê hàng năm như việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động, số lao động qua đào tạo…, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng số liệu thống kê cần phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, minh bạch và chính xác.

“Số liệu thống kê của cơ quan Trung ương có hoàn toàn chính xác, không cần đánh giá thẩm định không? Cần có hội đồng thẩm định thống kê quốc gia trong đó tập hợp nhiều nhà khoa học” – Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì chỉ ra thực tế là nhiều nơi thậm chí còn “bóp méo” số liệu để phục vụ mục đích quyền lợi để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là ở cấp tỉnh, huyện. Hiện nay, số liệu thống kê Nhà nước có bốn cấp, nên Đại biểu Sơn cho rằng cần phải quy rõ trách nhiệm của từng cấp để đảm bảo tính chính xác, khách quan của số liệu.

Thẳng thắn hơn, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị cấm làm đẹp số liệu, làm đẹp báo cáo để chống lại bệnh thành tích. Do đó, cần tách Tổng cục Thống kê ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốt nhất là trực thuộc Quốc hội để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và Tổng cục Thống kê phải chịu trách nhiệm về số liệu thống kê.

Giải trình về những băn khoăn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác thống kê là phải luôn có ba số liệu thống kê để phục vụ cho việc hoạch định chính sách. Thực tế này dẫn đến, số liệu thống kê luôn bị hiểu là “sai lệch” hoặc “làm đẹp|”, khi có  nhiều số liệu được đưa ra.

Theo đó, bao gồm số liệu ước tính để điều hành, đó là số liệu hàng tháng, phục vụ cho họp Chính phủ, thông thường số liệu đến ngày 15; thứ hai là số liệu thống kê sơ bộ là có đủ cả 3 kỳ nhưng chưa được thẩm định, chưa được rà soát nên không chính xác; thứ ba là số liệu chính thức thường được công bố vào tháng 6 của năm sau. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì ngay cả số liệu chính thức cũng không hoàn toàn chính xác và đầy đủ cho 185 chỉ tiêu do có những số liệu cho hoàn thành cập nhật.

“Vì chúng ta đưa ra điều hành hàng tháng nên phải công bố con số là ước tính của tháng đó thôi, sau đó có điều chỉnh lại chút. Do đưa ra số liệu để điều hành nên nhiều khi khó, anh em cũng băn khoăn, dù không phải sai nhưng hôm nay công bố con số này, ngày mai con số khác thì mọi người nghi ngờ đạo diễn nên cũng rất khó” – Bộ trưởng trần tình.

Cũng theo Bộ trưởng, không có chuyện phương pháp tính số liệu thống kê của Việt Nam lỗi thời. Dẫn chứng, cơ quan thống kê Việt Nam được xem là đơn vị “chăm” tham dự hội nghị quốc tế về thống kê nhất, nên thường xuyên cập nhật phương pháp của quốc tế. Ngoài ra, hiện nay nhiều tổ chức quốc tế cũng đều lấy số liệu của cơ quan thống kê Việt Nam làm các dữ liệu, chứng tỏ số liệu thống kê của Việt Nam là chính xác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ băn khoăn về tính chính xác của số liệu thống kê đầu vào, còn hiện nay phương pháp thống kê không khác gì quốc tế. Cán bộ thống kê cũng không bị áp lực gì để mà điều chỉnh số liệu thống kê tăng hay giảm.

“Tôi cũng đồng ý cần làm rõ chế tài và trách nhiệm của người cung cấp số liệu thống kê. Vì rất nhiều người có nhiều nhà nhưng đến kê khai họ không khai gì, họ đứng tên con cái nhưng con cái cũng không khai, nên không thể có số liệu đúng. Chính đại biểu của ta nhiều người chưa chắc đã kê khai đúng nói gì đến nhân dân. Nên đầu vào không chính xác đừng nói số liệu chính xác” – Bộ trưởng Vinh thẳng thắn nói.

Do đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng cần phải rà soát lại trong phạm vi các Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật hình sự… có quy định cho những trường hợp vi phạm khi khai báo số liệu thống kê không chính xác để có quy định cụ thể. Đồng thời, cần phải thu gọn lại các chỉ tiêu thống kê, dựa trên cơ sở hệ thống thống kê quốc gia làm hệ thống căn bản cốt lõi nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể một mình một chợ trong thống kê.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên