Bộ trưởng sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa
Để giảm các công việc có tính chất sự vụ của Thủ tướng Chính phủ và gắn trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP quy định: "Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính".
Căn cứ quy định trên, đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa.
Để giảm các công việc có tính chất sự vụ của Thủ tướng Chính phủ và và gắn trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hướng dẫn bổ sung khoản 2, Điều 12 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP theo hướng như sau:
"Đối với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa".
Liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức đấu giá, theo quy định hiện hành, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.
Theo đó, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án cổ phần hóa cũng sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.
Cùng với mục đích giảm công việc mang tính chất sự vụ của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ Tài chính đã kiến nghị và được Chính phủ đồng tình với phương án là giao cho Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá.
Các phương án trên đây sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và quá trình tái cơ cấu DNNN.
Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, đến nay cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.376 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa: 3.659 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 1TV: 1.033 doanh nghiệp; Giao doanh nghiệp: 222 doanh nghiệp; Bán doanh nghiệp: 158 doanh nghiệp; Giải thể: 313 doanh nghiệp; Phá sản: 92 doanh nghiệp; Chuyển thành Công ty TNHH 2TV trở lên: 22 doanh nghiệp; Các hình thức khác (sáp nhập, hợp nhất…): 877 doanh nghiệp.
Tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên tới 561 doanh nghiệp.
Theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính công bố, từ đầu năm đến nay cơ 43 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa. Như vậy, từ nay tới cuối năm 2015, còn 246 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa mới hoàn thành kế hoạch đề ra.
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, từ nay tới cuối năm, cơ quan chức năng sẽ phân loại các doanh nghiệp để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì IPO còn lại sẽ chuyển sang công ty cổ phần.