MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóng mãi đuổi theo hình

Các nhà làm chính sách nói gì và CB, NLĐ ở các vùng miền có ý kiến về vấn đề “sát sườn” này như thế nào?

Bài toán khó giải

Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu bắt đầu được Nhà nước đưa ra và áp dụng từ năm 1993. Chính sách này đã áp dụng suốt 20 năm qua và dù có tới 10 lần điều chỉnh thì lương tối thiểu vẫn chưa thể đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ.

“Hình” và “bóng” không gặp nhau


Đó là cách ví von của ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhưng rất đúng với thực trạng tình hình về lương tối thiểu và lương đủ sống ở nước ta. Theo kết quả khảo sát tiến hành năm 2012 đã được Viện CNCĐ công bố, để đảm bảo có đủ mức dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, NLĐ phải chi vào việc ăn uống từ 750.000 – 900.000 đồng/tháng. Cộng thêm một loạt chi phí khác như nuôi con, đi lại... thu nhập tối thiểu của NLĐ phải đạt khoảng 2,4 - 3,7 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng đang được áp dụng. 

Như vậy, nếu NLĐ chỉ có thu nhập ở mức tối thiểu thì không biết họ sẽ sống bằng cách nào. Thực tế cho thấy từ năm 1993 đến nay, Nhà nước đã cố gắng liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu để bù đắp cho NLĐ những chi phí do lạm phát, trượt giá..., nhưng mức lương tối thiểu đó liên tục chỉ là cái bóng không theo kịp mức sống tối thiểu của NLĐ.

Tuy nhiên, làm thế nào để xác định rõ mức sống tối thiểu thì có rất nhiều quan điểm, cách tính khác nhau. Nhưng dù tính theo cách nào thì hiện mức lương tối thiểu vẫn rất thấp so với thực tế. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội - cho biết, hiện lương khối hành chính sự nghiệp chỉ bằng 70% khu vực DN. Các khảo sát từ Bộ LĐTBXH, Viện CNCĐ, tổ chức Oxfam, Hiệp hội Lao động công bằng, được uỷ ban này tập hợp cho thấy, hiện nay lương của khu vực DN (dù cao hơn) cũng mới chỉ đạt gần 70% mức sống tối thiểu của NLĐ.

Không thể có mức thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống, rất nhiều CN đành phải dốc sức làm thêm. Chị Ma Thị Kiều - CN của Cty Samsung Electronic Việt Nam - có mức thu nhập khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải mọi chi phí từ ăn uống, thuê nhà ở, đi lại, nuôi con nhỏ... nên phải làm thêm bình quân khoảng 90 giờ mỗi tháng ngay tại Cty để có mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Theo chị Kiều thì dù DN này có mức thu nhập cao nhất khu vực, nhưng nếu không làm thêm thì vẫn “đói”, nên hầu như trong tổng số khoảng 29.300 CN, ai cũng phải làm thêm như vậy. CN ở các DN nhỏ khác (đương nhiên có mức thu nhập thấp hơn), thì dù tích cực làm thêm vẫn không đảm bảo có được cuộc sống đầy đủ về vật chất, chứ chưa nói đến hàng loạt nhu cầu khác.

Doanh nghiệp sẽ phá sản nếu tiếp tục tăng lương?

Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, tiền lương hiện mới đảm bảo được hơn 50% mức sống của NLĐ nhưng nếu điều chỉnh theo đúng lộ trình thì cả ngân sách nhà nước lẫn DN đều không chịu nổi. Nếu điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu ngay trong năm nay thì rất nhiều DN, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản; hơn nữa còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư từ bên ngoài, vốn là thế mạnh của VN.

Như vậy, thật khó để các nhà hoạch định chính sách, có thể đưa ra được một chính sách thực sự cân đối, hài hoà giữa khả năng chi trả của nền kinh tế và nhu cầu cần được tăng lương của NLĐ.

Vậy là, dù đã cố gắng điều chỉnh nhưng do “cái khó bó cái khôn” Nhà nước đành phải khất NLĐ chí ít là 2 năm nữa (theo Bộ LĐTBXH) để có thể hy vọng mức lương tối thiểu và lương đủ sống thực sự như hình với bóng.

Theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi, có hiệu lực từ 1.5.2013) thì mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Nhưng với tình hình thực tế chưa thoát khỏi suy thoái kinh tế hiện nay, Chính phủ quyết định chỉ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ 1.1.2013 tăng 16-18% (trước đây dự kiến tăng 35-37%); khu vực hưởng lương từ ngân sách, sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ 1.7.2013 (thay vì 1,3 triệu đồng từ 1.5.2013 như đã trình BCH Trung ương khoá XI).

Theo Phạm Chí

thunm

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên