MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách thể chế: Nước đến chân rồi, không thể không làm

Theo TS Lê Đăng Doanh, chúng ta không nên ảo tưởng về những con số thống kê, về những thành tích đã đạt được.

Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 đã qua ngày làm việc đầu tiên với nhiều tham luận của các diễn giả được phát biểu.

Hãy giảm chỉ trích, phê bình

Như chúng tôi đã đưa tin, ngay từ phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc Hội đã “nhắc nhở” các chuyên gia khi phát biểu tránh sa đà vào việc chỉ trích, phê bình mà tập trung vào những giải pháp. Vấn đề này, ông Giàu cũng đã một lần nói đến ở buổi làm việc cuối cùng của Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm ngoái.

Thời tiết mát mẻ của thành phố biển Hạ Long không làm không khí phòng họp bớt nóng. Các chuyên gia vẫn phát biểu đầy tâm huyết, và, như dự đoán, không tránh được những nhận xét lo lắng về thực trạng nền kinh tế nước nhà.

Trong khi một số chuyên gia, theo thông lệ, trước khi vạch ra những điểm nghẽn, yếu kém của nền kinh tế, thì luôn đưa ra những điểm sáng cần ngợi ca, ông Lê Đăng Doanh chắc nịch: Chúng ta không nên ảo tưởng về những con số thống kê, về những thành tích chúng ta đã đạt được. Việc hồi phục kinh tế nước ta là rất mong manh, khi thực tế đang dựa trên dịch vụ và xuất khẩu.

Nói gì thì nói, lời nhắc nhở đầu buổi của ông Giàu cũng có đôi chút tác dụng, khi Diễn đàn năm nay đã nhấn mạnh hơn vào các giải pháp.

Thế nhưng, với chủ đề về cải cách thể chế, các giải pháp đưa ra nhìn chung còn khá…mông lung.

Giải pháp cải cách đến đâu?

Diễn đàn đi từ…khái niệm thể chế, cũng như kinh nghiệm cải cách thể chế của các quốc gia láng giềng. Trong khi, thời gian trao đổi, thảo luận chỉ vỏn vẹn 3 buổi!

Trao đổi bên lề với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế tỏ ra tâm huyết với vấn đề cải cách cho biết: Cải cách thể chế đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là vấn đề con người, vấn đề nhân văn. Thử hỏi, tại sao một doanh nghiệp với chỉ khoảng 20 lao động lâm vào tình trạng phá sản khiến chúng ta “đau” – mà một DNNN với cả nghìn lao động “máu đỏ da vàng” – chúng ta lại nhẫn tâm chỉ muốn “giết”?

Trên thực tế, phá bỏ đi một điều gì đó, không khó. Như cách chúng ta vẫn chỉ trích bấy lâu nay, trước tất cả những bức xúc về thể chế, về cung cách làm ăn, quản lý. Thế nhưng, có tốt đẹp hơn việc chúng ta xây lại mọi thứ từ “đống đổ nát” (cứ cho là như vậy đi, mặc dù, cũng chưa đến mức “đổ nát”)?

Đây thực sự là một quan điểm đáng để chúng ta suy nghĩ.

Còn nhớ, triết lý kinh doanh của người Nhật là “sinh ra dễ hơn là làm sống lại”. Nhưng đó là kinh doanh. Là thay đổi những vấn đề thuộc về hạ tầng. Nếu việc thay đổi đó là sinh mệnh, là miếng cơm manh áo của nhiều người, thì chưa chắc đã là dễ hơn...

Cải cách thể chế, vì thế, mặc dù không còn là vấn đề mới mẻ, nhưng vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, và vẫn còn nhiều chông gai.

Hiện Việt Nam đang từng ngày nỗ lực để khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, và tiệm cận gần hơn đến những giải pháp cải cách thể chế.

Cải cách thể chế được ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong một bài trả lời phỏng vấn, ví von “Giờ nước đến chân rồi, không thể không làm”. Không phải vô cớ mà có lời cảnh báo coi chừng Việt Nam còn thua cả Campuchia khi họ sản xuất được ô tô, trong khi Việt Nam đến cái ốc vít còn phải nhập.

Hiện tại, trước ngưỡng cửa tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có TPP được kỳ vọng rất nhiều, Việt Nam đang đứng trước áp lực cải cách cực lớn. Và, may mắn thay, những cải cách đó phải bắt nguồn từ nội tại. Có nghĩa là, cho dù thành công hay không trong việc ký kết các FTA, thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cải cách, như vẫn đang cố gắng theo đuổi hiện nay.

Qua một buổi thảo luận chuyên đề, nếu nói hi vọng vào một tương lai tươi sáng, quả có đôi chút cường điệu. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có quyền hi vọng, hẳn nhiên rồi.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên