MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có cơ chế công nhận thanh toán đồng rúp và VND

Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan (Nga, Belarus và Kazakhstan), dự kiến có thể kết thúc trong năm nay.

 Nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì dự kiến ngay đầu năm 2015, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào Nga sẽ được miễn thuế, nhiều loại chỉ còn 0%. Đặc biệt, hàng tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn do Nga không tập trung vào các ngành công nghiệp này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương (HVG), cho biết khi FTA thông qua sẽ có gần 200 mặt hàng sẽ được miễn thuế vào đầu 2015, trong đó có các mặt hàng nông sản và thủy hải sản. Đây là cơ hội để doanh nghiệp bám thị trường Nga, quốc gia có dân số gần 200 triệu dân, có mức thu nhập bình quân trên 5.000 USD/năm, và là một trong những thị trường tiềm năng, thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu vào thị trường Nga, ông Minh cho rằng, với chính sách thuế dự kiến được hưởng như vậy, nếu nhà nước không tính đến vấn đề trao đổi nhau về mặt tiền tệ, giữa đồng rúp và VND thì việc bán buôn vào thị trường này sẽ không đạt kết quả như mong đợi.

Hiện nay, Thái Lan, Trung Quốc và các nước châu Âu xuất khẩu vào Nga đều thành lập hệ thống ngân hàng sở tại nhằm hỗ trợ thanh toán trong vấn đề tài chính, do đó hàng hóa của họ thuận lợi khi xuất khẩu vào đây. Trung Quốc và Nga cũng đạt được thỏa thuận công nhận hai đồng tiền rúp và NDT trong thanh toán.

Còn đối với Việt Nam, sở dĩ trong thời gian vừa qua chưa đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga là còn kẹt trong vấn đề thanh toán. Việt Nam chỉ công nhận đồng USD chứ chưa công nhận đồng rúp, điều này khiến cho các nhà nhập khẩu Nga khi mua hàng từ Việt Nam phải chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng USD để thanh toán. Làm như vậy vừa mất khả năng cạnh tranh và bỏ lỡ cơ hội trong vấn đề xuất khẩu.

“Tôi nghĩ rằng ngoài cơ chế hưởng thuế suất ưu đãi từ hiệp định FTA, chúng ta cần phải tạo ra cơ chế thông thoáng về thủ tục tài chính. Ngân hàng Việt Nam và Nga phải có sự hợp tác, công nhận chuyển đổi giữa đồng rúp và VND. Có như vậy hàng hóa xuất khẩu mới tăng trưởng, sự phát triển của thị trường mới nhanh và thông thoáng. Kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp 3 lần, còn nếu chỉ có lợi về mặt thuế sẽ chưa giải quyết được hết tất cả vấn đề”, ông Minh đề nghị.

Trung bình mỗi năm, chỉ riêng mặt hàng thủy sản, Nga nhập khẩu trên 10 tỷ USD. Những nước xuất khẩu lớn vào Nga là Thái Lan, Trung Quốc, Na Uy, Chile, trong khi đó Việt Nam dự kiến hưởng lợi thế thuế suất khẩu bằng 0% trong năm 2015 mà không tận dụng được thời cơ thì việc lợi thế hiệp định FTA không giúp hàng hóa Việt Nam cũng phát triển mạnh được thị trường Nga, Belarus và Kazakhstan.

Hoàng Bảy

hangnt

Tài chính Plus

Trở lên trên