MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần lường trước rủi ro khi mua bán điện với các nước láng giềng

Mua 14,7 tỷ kWh điện từ Trung Quốc song Việt Nam lại bán hơn 7,2 tỷ kWh điện cho Campuchia. Theo chuyên gia thì việc bán điện cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố phát sinh để tránh ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2011 – 2015 Việt Nam đã duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng.

Cụ thể, đã mua 14,7 tỷ kWh của Trung Quốc và bán hơn 7,2 tỷ kWh điện cho Campuchia và bán cho Lào là gần 190 triệu kWh điện.

Trả lời trên Báo Tuổi trẻ (Tuoitre.vn), ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã cảnh báo hệ thống điện VN đã bị dao động về công suất do ảnh hưởng từ lưới điện Campuchia. Tình trạng này không những vẫn tiếp tục tiếp diễn trong năm 2015 mà số lần Việt Nam bị ảnh hưởng còn tăng lên, đạt 26 lần so với 14 lần năm 2014.

Ông Cường thông tin thêm rằng: Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã không được phía Campuchia thông tin đầy đủ thông tin từ phía họ, như tình hình huy động nguồn phát điện nên khi xuất hiện dao động công suất thì các giải pháp phía Việt Nam rất bị động.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.VS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc xảy ra những rủi ro trong quá trình mua bán điện là hoàn toàn có thể xảy ra. Cũng bởi, có những điều kiện kỹ thuật nếu chưa được xem xét đầy đủ trong quá trình xây dựng hợp đồng mua bán điện giữa hai bên, thì sẽ không thể kiểm soát được những vấn đề mới phát sinh.

“Sẽ có những điều kiện kỹ thuật chưa được xem xét đầy đủ và trong quá trình mua bán mới phát sinh. Ví dụ như chuyện dao động công suất giữa hệ thống nọ với hệ thống kia, đôi khi có vấn đề về chất lượng điện áp, tần số… nên khi ký những hợp đồng tiếp theo phải rút kinh nghiệm và nêu ra tiêu chuẩn kỹ thuật” – GS.VS. Trần Đình Long nói.

Hoặc đối với việc mua điện với Trung Quốc cũng có những vấn đề phát sinh. Dẫn chứng được GS.VS Long đưa ra là do Việt Nam chỉ mua một phía từ trung Quốc chứ không phải là trao đổi điện. Vì vậy, Trung Quốc yêu cầu tách phần lưới điện sử dụng từ nguồn điện của Trung Quốc ra khỏi hệ thống điện Việt Nam và nối vào đuôi hệ thống điện Trung Quốc.

Chuyên gia lâu năm trong ngành điện cho rằng: Những vấn đề trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng phải được thảo luận rất kỹ và quy định trong hợp đồng mua bán điện về các điều kiện kỹ thuật trong việc kết nối lưới điện, qua đó mua/bán điện cho phía bạn. Điều này mới giúp đảm bảo an toàn hệ thống điều độ điện của quốc gia.

Theo GS.VS. Long, việc bán điện cho Campuchia hay Lào là nhằm thực hiện theo chính sách đối ngoại về kinh tế với nước bạn. Do đó, ngành điện phải thực hiện theo chủ trương và chính sách đã cam kết về hợp tác kinh tế mà hai nước đã đưa ra.

Tuy nhiên, vấn đề được GS.VS Long đưa ra là Tổng công ty điện lực phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về hợp đồng với các yếu tố kỹ thuật liên quan, đưa những điều kiện đó vào hợp đồng mua bán điện, để tránh rủi ro và rắc rối khi đi vào triển khai và đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia. ​

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên