Chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu: Chuyên gia nói phải trả, bộ nói cần nghiên cứu
Theo các chuyên gia, khi người dân hay doanh nghiệp nợ thuế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nên khi bộ ngành làm sai cũng cần phải chịu trách nhiệm tương tự. Về tiền chênh lệch thuế nhập khẩu, các chuyên gia cho rằng cần sớm trả lại dân, cơ quan quản lý lại cho rằng cần nghiên cứu thêm.
- 22-03-2016Đại biểu Quốc hội đề nghị thu lại 3.500 tỷ đồng tiền thuế xăng dầu trả lại cho dân
- 21-03-2016Xăng dầu đồng loạt tăng giá từ 16h30 chiều nay
- 21-03-2016Xăng tăng giá kỷ lục hơn 1.700 đồng vào hôm nay?
- 21-03-2016Áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai: Hai bộ xin ý kiến Thủ tướng
- 21-03-2016Đã đến lúc để thị trường quyết định giá xăng dầu
Cần sớm trả lại tiền cho dân
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xăng dầu từ khu vực ASEAN được hoàn lại 3.502 tỷ đồng, nhờ được ưu đãi thuế (các mặt hàng dầu chỉ phải chịu thuế 5% như cam kết hội nhập, trong khi thuế nhập khẩu vẫn được cơ quan quản lý áp 10%). Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đây mới là số liệu sơ bộ, số thuế được hoàn có thể tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo (DN vẫn đang nộp chứng từ chứng minh nguồn gốc xăng dầu nhập khẩu để hưởng hoàn thuế).
Chiều 21/3, trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, phần tiền chênh lệch do cách tính thuế giữa giá bán lẻ cao hơn thuế, thực tế DN phải trả khi nhập khẩu xăng dầu phải được thu hồi. Phần tiền chênh lệch này thu hồi có thể trả lại người tiêu dùng, hoặc nộp về ngân sách nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng. “Hợp lý nhất vẫn là thu hồi phần tiền chênh lệch thuế đưa vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có thể trả lại cho người dân. Sau đó mới tính tới việc nộp về ngân sách nhà nước”, ông Phong nói.
Trước đó, có ý kiến cho rằng, cac DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều là DN nhà nước, hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối, nên phần thu từ chênh lệch kể trên vẫn chảy về túi nhà nước. Tuy nhiên, ông Phong không đồng tình ý kiến này, vì dù DN nhà nước hay không, phần lợi nhuận sau khi trừ thuế, các cổ đông sẽ được chia nhau. “Tiền chênh lệch nhất thiết phải được thu hồi trả lại cho dân”, ông Phong nói.
Một lãnh đạo Bộ Tài chính (xin giấu tên) cho biết, phần tiền chênh lệch do cách tính thuế trong năm 2015 các DN đã tính vào phần thu nhập chịu thuế và đã nộp thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, sau khi tính thuế thu nhập DN vẫn còn một số tiền chênh lệch dư ra, nên Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương án xử lý. “Nhiều người đề xuất thu hồi đưa về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng giờ phải rà soát toàn bộ cơ sở pháp lý xem có cơ chế đó không, sau đó mới đề xuất Thủ tướng cách xử lý. Thực tế này cần thời gian để bộ nghiên cứu, chưa thể có cách xử lý ngay được”, vị này cho biết.
Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý với phương án mới xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu, do Bộ Tài chính trình cuối tuần trước. Theo đó, mức thuế dùng tính giá xăng dầu cơ sở sẽ là mức bình quân thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN, đang dùng tính giá xăng dầu cơ sở) và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương Việt Nam đã ký. Mức thuế bình quân sẽ được xác định qua thực tế nhập khẩu xăng dầu của quý trước để tính cho quý sau.
Với phương án này, chuyên gia Nguyễn Minh Phong đánh giá là hợp lý. Vì sắp tới, hàng loạt FTA sẽ có hiệu lực, nếu không có mức thuế chuẩn để áp dụng chung sẽ dẫn tới DN khai báo giả mạo nguồn gốc xuất xứ xăng dầu nhập khẩu để hưởng chênh lệch thuế. Dù vậy, theo ông Phong, phương án tính bình quân phải nghiêng về mức thuế thấp, vì xu hướng DN sẽ nhập hàng từ nơi có thuế thấp.
Bùng nhùng như thị trường xăng dầu
Ngày 21/3, một quan chức Bộ Công Thương cho biết, việc phải lùi thời điểm điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước hai ngày so với quy định, là do cơ quan quản lý phải xin ý kiến Thủ tướng, đồng thời thống nhất cách tính mức thuế để tính giá cơ sở. Cụ thể, so với mức thuế nhập khẩu xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố ngày 18/3, mức thuế nhập khẩu xăng dầu được áp dụng để tính giá cơ sở bán lẻ trong nước cũng được thay đổi. Theo đó, thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng áp dụng để tính giá cơ sở là 18,0%. Thuế nhập khẩu với dầu diesel là 0,6%, trong khi thuế áp với dầu madút là 0,03%. Mặt hàng dầu hỏa có thuế nhập khẩu 0%. “Cách tính thuế mới thực hiện theo phương pháp bình quân gia quyền đối với các loại xăng dầu nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau”, vị này nói.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, việc xả mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày 21/3 đã giúp giá bán lẻ xăng trong nước không tăng mạnh. Theo quyết định này, DN đầu mối được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 1.047 đồng/lít với mặt hàng xăng (xăng A92 và A95). Xăng sinh học E5 được trích từ quỹ 1.115 đồng/lít, dầu diesel được sử dụng quỹ 983 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu madút trích sử dụng quỹ 909 đồng và 231 đồng/lít,kg.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trung bình 15 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm thế giới đã lên mức 49,9 USD/thùng; dầu diesel loại 0,05S có giá 46,3 USD/thùng; trong khi dầu hỏa tăng lên mức 48,5 USD/thùng và dầu madút có giá 179,4 USD/tấn. So với chu kỳ tính giá trước đó, giá xăng A92 đã tăng 18%, dầu diesel tăng 5,9 USD/thùng, dầu hỏa tăng 5,4 USD/thùng.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Phạm Đức Thắng cho biết, trước thời điểm điều chỉnh giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại tập đoàn này là 2.710 tỷ đồng. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, bên cạnh việc thị trường xăng dầu chưa có sự cạnh tranh tốt (do Petrolimex và một số DN nhà nước khác đang chiếm hơn 90% thị phần).
Liên quan đến việc điều hành thị trường xăng dầu trong nước theo Nghị định 83, trả lời PV Tiền Phong mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận, hiện vẫn còn những vấn đề cần xem xét điều chỉnh sau hơn 1 năm đi vào thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến trong quý I này, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các DN, cơ quan liên quan, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng theo ông Hải, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tính tới phương án điều chỉnh giá xăng dầu hằng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay. Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng có thể sẽ được xem xét bãi bỏ.
Xăng tăng 670 đồng/lít, lên 14.420 đồng/lít
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 16h30 ngày 21/3, giá bán lẻ xăng A92 tăng 670 đồng/lít, xăng sinh học E5 tăng 570 đồng/lít, dầu diesel loại 0,05S tăng 293 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu madút giữ nguyên giá bán.
Với mức điều chỉnh này, xăng A92 có giá bán lẻ mới 14.420 đồng/lít, xăng A95 có giá 15.120 đồng/lít, xăng sinh học lên mức 13.890 đồng/lít trong khi giá bán dầu diesel loại 0,05S điều chỉnh lên 9.870 đồng/lít. Giá dầu hỏa và dầu madút có giá không cao hơn 8.905 đồng/lít và 7.225 đồng/kg.
Tiền Phong