MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ: TPP không ảnh hưởng ổn định chính trị Việt Nam

Thể chế được tôn trọng, kinh tế sẽ nâng tầm, dù thách thức cũng rất lớn...

Thể chế được tôn trọng, kinh tế sẽ nâng tầm, dù thách thức cũng rất lớn. Đó là những điểm chính trong báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Tôn trọng thể chế

Trước khi nêu các mặt thuận lợi và cơ hội cụ thể, Bộ trưởng Hoàng khái quát: các nước thành viên TPP đều đã khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Thực tế trong đàm phán đối với Việt Nam, các nước đều đã thể hiện tôn trọng nguyên tắc trên, cụ thể là đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định: TPP cho phép các nước được duy trì bất kỳ biện pháp nào để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, việc tham gia TPP sẽ không gây tác động trực tiếp tới việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm ổn định chính trị của Việt Nam.

Một thuận lợi được Bộ trưởng dành cho hai chữ "đặc biệt", là trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, việc tham gia TPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Báo cáo cũng nêu rõ, về thể chế, tương tự như WTO, hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Hưởng lợi nhiều nhất

Về mặt kinh tế, dẫn tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức nghiên cứu khác, Bộ trưởng Hoàng cho biết nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, TPP sẽ giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm.

Theo đó, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP (tính theo tỷ lệ phần trăm tăng trưởng GDP và xuất khẩu thêm được nhờ có TPP).

Tham gia TPP, theo Bộ trưởng cũng sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Bộ trưởng thông tin thêm, hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư mạnh vào Việt Nam với mục tiêu biến nước ta trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh, các mặt hàng gia dụng sử dụng công nghệ mới…

Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao. Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới, Bộ trưởng lạc quan.

Kiểm soát rủi ro

Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, rủi ro và thách thức là có thể kiểm soát được nếu có sự thống nhất về nhận thức.

Báo cáo nêu rõ, TPP về cơ bản sẽ không tạo thêm các thách thức mới cho lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cũng như quốc phòng - an ninh.

Bộ trưởng lý giải: các lĩnh vực nhạy cảm nhất như đầu tư hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, truyền tải và phân phối điện, điện nguyên tử, khai khoáng, phân phối dược phẩm, xăng dầu... thì đều hoặc là không cho phép đầu tư, hoặc là bảo lưu quyền cấp phép hết sức chặt chẽ, nên dự kiến sẽ không có tác động bất lợi.

Nhưng thách thức về một số lĩnh vực khác cũng không nhỏ.

Cụ thể, với một số chủng loại nông sản một số nước trong TPP có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Một số sản phẩm công nghiệp mà TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam, như giấy, thép, ôtô...

Hay, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý.

Chính phủ sẽ chủ động xây dựng chương trình để thực hiện các tiêu chuẩn cao này của TPP, Bộ trưởng cho biết.

Theo Nguyên Vũ

VNEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên