Chờ TPP để xuất hàng đi Mỹ
Nhiều doanh nghiệp bắt đầu rục rịch lên kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ nhằm tận dụng lợi thế từ TPP mang lại
- 25-02-2016Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế trước khi ký kết Hiệp định TPP
- 20-02-2016Khởi động TPP: Nhiều tín hiệu vui
- 20-02-2016Quy định trong TPP mới như thế nào?
- 18-02-2016Dệt may châu Á lo sốt vó trước sức mạnh TPP đem lại cho Việt Nam
- 15-02-2016Thủ tướng nói về Hiệp định TPP, cơ hội và thách thức - hành động của chúng ta
Đầu tháng 3 tới, Công ty Xuất khẩu Giày Liên Phát (Bình Dương) sẽ bắt tay thực hiện những lô hàng đầu tiên trong đơn hàng xuất đi Mỹ. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cho biết để tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều khách hàng Mỹ đã đến Việt Nam đặt vấn đề gia công với doanh nghiệp (DN).
Muốn xuất cả tăm, nhang, mùn cưa… qua Mỹ
Theo bà Liên, để làm hàng cho nhà nhập khẩu Mỹ, Liên Phát phải đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và an ninh hàng hóa. Nghĩa là, mọi hàng hóa trong quá trình sản xuất đều phải có nguồn gốc rõ ràng và phía Mỹ sẽ giám sát quy trình này ở tất cả công đoạn. “Lần đầu tiên làm việc với DN Mỹ khá thuận lợi đang mở ra nhiều triển vọng lớn cho chúng tôi” - bà Liên hào hứng.
Một số nhà đầu tư trong ngành dệt nhuộm, may mặc, giày dép có nhà máy ở Trung Quốc cũng đã dời toàn bộ hoạt động sang Việt Nam nhằm đón đầu TPP bởi thị trường Mỹ quá hấp dẫn. Tham tán Công sứ thương mại Mỹ Đào Trần Nhân cho biết 99% giày dép bán tại Mỹ là hàng nhập khẩu. Thị trường này chỉ hơn 317 triệu dân nhưng tiêu thụ tới 2,5 tỉ đôi giày dép mỗi năm. Tính trung bình, mỗi người Mỹ sử dụng gần 8 đôi giày dép/năm. Hiệp hội Giày dép Mỹ ước tính nhờ TPP, thị phần xuất khẩu giày dép của Việt Nam tại nước này sẽ tăng từ 12% lên 22% vào năm 2019.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết gần đây đã nhận được rất nhiều yêu cầu của DN hỏi thông tin để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Trong đó, phần lớn DN cần tìm hiểu kỹ thị trường và những lợi ích do TPP mang lại. Ngay cả những DN nhỏ chuyên sản xuất tăm tre, trầm hương, nhang và cả mùn cưa nén thành viên nhỏ để đốt lò sưởi... cũng muốn tìm hiểu thông tin để xuất hàng đi Mỹ khi TPP có hiệu lực. “Mới đây, có DN đang làm về xử lý ảnh nhưng lại hỏi thủ tục để xuất khẩu vải, nhãn vào Mỹ!” - ông Nhân tiết lộ.
Coi chừng rào cản kỹ thuật
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau khi TPP được chính thức ký kết vào đầu tháng 2-2016, rất nhiều DN xuất khẩu đang tìm hiểu các quy định về thủ tục, rào cản kỹ thuật để đưa hàng sang Mỹ.
Ông Lê Minh Chánh, Giám đốc HTX Thanh Long Long Trí (tỉnh Long An), cho biết đang tìm hiểu các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật nhằm đưa thanh long xuất khẩu qua Mỹ. Hiện thanh long của Long Trí chủ yếu xuất qua Trung Quốc nhưng không ổn định nên DN muốn tìm một thị trường mới bền vững hơn. Khó khăn lớn nhất mà ông Chánh e ngại là các quy định về rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm (như dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật…) ở Mỹ rất phức tạp, không dễ tìm hiểu và thực hiện.
Theo ông Trần Quốc Thanh, thành viên HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, khoảng 2 năm nay, DN này đã xuất khẩu gạo qua Mỹ. Đây là một thị trường rất lớn, hiệu quả về mặt kinh doanh và giá tốt nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là rào cản kỹ thuật. Chẳng hạn, những chỉ tiêu trong MRL (mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của cơ quan quản lý Mỹ đưa ra không rõ ràng khiến DN rất khó đáp ứng. “Thực tế, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không thua các nước như Thái Lan nhưng do chỉ xây dựng thương hiệu gần đây nên xuất qua Mỹ không đơn giản. Do đó, các DN trong ngành cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía nhà nước” - ông Thanh mong mỏi.
Liên quan đến những rào cản kỹ thuật mà Mỹ áp dụng đối với lĩnh vực nông - thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với Mỹ để tìm hướng giải quyết. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết phía Mỹ không quy định rõ hàm lượng, dư lượng chất kháng sinh cụ thể, trong khi quy chuẩn ở châu Âu và Nhật khá rõ. DN muốn xuất khẩu hàng thực phẩm, động vật vào Mỹ cần nghiên cứu kỹ nội dung trong quy định của Luật Hiện đại hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mặt hàng thực phẩm và đồ uống, DN xuất khẩu cần lưu giữ hồ sơ từ khâu sản xuất, chế biến của từng lô hàng để truy xuất nguồn gốc khi cần. Nếu DN từ chối, không cho kiểm tra, đồng nghĩa với việc sẽ bị từ chối xuất khẩu vào Mỹ.
“Một loại quả của Việt Nam muốn được xuất sang Mỹ cần 5-6 năm. Hiện chỉ có 4 loại: thanh long, chôm chôm, nhãn và vải của Việt Nam được phép chính thức xuất sang Mỹ. Chúng tôi đang làm việc để xoài và vú sữa có tên trong danh sách trái cây được nhập khẩu thị trường này. Trong khi đó, rất nhiều DN đã liên hệ với thương vụ để xin xuất khẩu đủ loại trái cây, như: chanh tươi, chanh dây…” - ông Nhân cho biết.
Phải hiểu để làm ăn với Mỹ
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Mỹ là thị trường lớn, có sức tiêu thụ rất cao nhưng hiện nay, đa số DN Việt Nam quy mô vừa và nhỏ nên không đáp ứng được đơn hàng lớn. Chẳng hạn, các hệ thống siêu thị của Mỹ đều là những tập đoàn hàng đầu thế giới, như Walmart có doanh số hằng năm gần 500 tỉ USD. Muốn bán hàng cho đại siêu thị này, cần những đơn hàng lớn nhưng lại vượt quá tầm của DN Việt. Do đó, các DN muốn làm ăn với Mỹ cần tính đến chuyện liên kết, hợp tác với nhau.
Ngoài ra, các DN xuất khẩu sang Mỹ thường phải đối mặt những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Vì thế, DN Việt cần lưu ý chuẩn bị tốt cho các vụ kiện, thậm chí chuẩn bị cả kinh phí để thuê luật sư tư vấn. Chẳng hạn, Công ty Vĩnh Hoàn, DN lớn của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mỗi năm tốn khoảng 250.000 USD chi phí thuê luật sư - đây là vấn đề không đơn giản với DN vừa và nhỏ. Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở Mỹ phải dành thời gian rất nhiều cho việc đấu tranh với các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong tay của thương vụ thường xuyên có khoảng 10 vụ kiện và mỗi vụ kiện, hồ sơ lên đến vài ngàn trang.
Người Lao Động