Chống tham nhũng còn hô khẩu hiệu nhiều quá
"Nếu nói công khai mà ngại thì nói riêng với chúng tôi, gửi cho người nào mình thấy tin cậy để góp sức mình vào vấn đề rất hệ trọng của Đảng"
Chiều 10-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc đông đảo cử tri Q.4. Cử tri Nguyễn Đào Ngọc Diễm, P.3, phản ảnh: “Tôi biết có dự án ở TP tuyên bố dùng 30% quỹ nhà để tham gia chương trình nhà ở xã hội. Nhưng làm từ tháng 6-2012 tới giờ mới giải quyết được 80 hồ sơ - trong đó chỉ có 20 hồ sơ là xong, còn 60 hồ sơ vẫn đang trong quá trình thương thảo”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ: “Nhà ở xã hội là chủ trương rất lớn nhưng nói thật là sức của Nhà nước có hạn. Nhà nước chủ yếu là lo chính sách chứ không thể hi vọng Nhà nước có thể lo toàn bộ nhà ở cho mấy chục triệu dân”.
Chủ tịch nước gợi mở: “Riêng chuyện nhà ở, TP.HCM là một trong những địa phương có đủ sức làm. TP hãy làm đi, nếu có vướng mắc gì thì trung ương sẽ ban hành thêm chính sách, cơ chế dựa trên kiến nghị của TP. Chứ cứ chờ theo mặt bằng chung, chờ nghị định này, thông tư kia chắc chắn còn lâu lắm. TP.HCM nên chủ động làm, trên cơ sở làm cho mình để còn đóng góp, hiến kế cho trung ương”.
Tham nhũng, dư luận nhiều nhưng tìm không thấy
"Tôi đề nghị bà con cử tri tăng cường giám sát và phát hiện chỗ nào, người nào tham nhũng. Nếu nói công khai mà ngại thì nói riêng với chúng tôi, gửi cho người nào mình thấy tin cậy để góp sức mình vào vấn đề rất hệ trọng của Đảng" Chủ tịch nước |
Giải thích với cử tri Q.4 về các vấn đề liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch nước nói: “Thời buổi này, tình hình này mà đòi mấy anh chủ tịch ủy ban phải đạt tín nhiệm 95-96% thì không có đâu. Đó là do dân chủ đã được nâng cao và đòi hỏi của xã hội đã ngày càng khắt khe hơn, càng cho thấy làm quan không dễ. Chúng ta nên ủng hộ xu hướng tiến bộ đó của đất nước. Còn nếu đồng chí nào tín nhiệm thấp quá thì cấp ủy phải thay thế thôi”.
Trước nhiều ý kiến than phiền, lo lắng về tình trạng tham nhũng của đất nước không giảm mà còn có dấu hiệu tăng, Chủ tịch nước đồng cảm: “Tôi nói điều này với tư cách cá nhân thôi: đúng là ta hô khẩu hiệu nhiều quá. Còn cái câu “một bộ phận không nhỏ” là một câu hết sức đau đầu. Nghe dư luận thì rất nhiều nhưng tìm thì không thấy. Có nhiều ông nói “bộ phận không nhỏ” đó ở bên dưới. Nhưng sau một năm tôi quay lại hỏi bên dưới là chỗ nào thì mấy ông chỉ cười khì, không chỉ ra được. Vai trò của những cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra là cực kỳ quan trọng. Nếu những cơ quan này tìm không ra thì Đảng cũng chịu thua thôi”.
Về chuyện một số lãnh đạo công ty công ích tại TP.HCM nhận lương khủng, Chủ tịch nước đánh giá cao cách xử lý của TP.HCM. “Cách làm kiên quyết xử lý không sợ khuyết điểm của TP.HCM rất đáng hoan nghênh. Từ câu chuyện này mà Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh trên toàn quốc. Tôi đề nghị các tỉnh thành khác nên học tập cách làm này của TP.HCM”.
Dân còn khiếu kiện thì phải giải quyết đến nơi đến chốn
Tại buổi làm việc với UBND TP về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Trần Du Lịch cho biết người dân nói TP tùy tiện áp dụng chính sách đối với dự án chung cư Cô Giang (Q.1). Nói nôm na đây là dự án làm thương mại chứ không phải thuần túy cải tạo chung cư cũ. Ở đây có sự nhập nhằng giữa cải tạo chung cư cũ và làm dự án thương mại. Người dân cảm thấy rằng họ bị lợi dụng về chính sách - tức là lợi dụng chính sách cải tạo chung cư cũ (miễn, giảm thuế...) để làm dự án thương mại.
Trình bày về vấn đề chung cư Cô Giang, phó chủ tịch UBND Q.1 Lưu Trung Hòa nói các nhà đầu tư vừa xây dựng lại chung cư cũ vừa chỉnh trang đô thị. Như vậy là mở rộng xây dựng khi giải tỏa chung cư cũ xuống cấp, kết hợp với chỉnh trang đô thị. “Chỗ này do người dân chưa hiểu” - ông Hòa kết luận.
Ông Lịch không thỏa mãn: “Dự án này không giới hạn ở xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp mà còn mở rộng ra (giải tỏa) đối với các hộ dân trong khu vực làm dự án, làm thương mại, chứ không thuần túy đập chung cư cũ để xây dựng mới. Vấn đề là nằm ở chỗ này”.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín khẳng định giải tỏa chung cư cũ xuống cấp để xây dựng lại là chủ trương của TP, không phải muốn làm gì thì làm và càng không thể biến chung cư, nhà dân thành nhà ở thương mại. Trong nhiều giải pháp giải quyết các chung cư xuống cấp có việc kêu gọi xã hội hóa để lo chỗ ở mới cho dân và nhà đầu tư cũng phải thu hồi được vốn. “Hoàn toàn không có chuyện biến chung cư thành nhà ở thương mại đem đi kinh doanh” - ông Tín nói.
Ông Lịch đồng ý chủ trương như ông Nguyễn Hữu Tín. Nhưng ông Lịch cũng nói thực tế người dân phản ảnh dự án không phải thuần túy cải tạo chung cư cũ mà mở rộng ra khu vực xung quanh và trở thành một miếng đất vàng, xây dựng thành trung tâm thương mại, nhà ở tại trung tâm TP. Những việc này không công khai cho dân, còn về chủ trương thì không có người dân nào chống việc cải tạo chung cư cũ xuống cấp. Người dân cảm thấy nhà đầu tư hưởng lợi quá nhiều trong khi đền bù cho họ ít.
Ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng không có câu chuyện ưu đãi nào ở đây (làm nhà ở thương mại nhưng hưởng các chính sách ưu đãi cho nhà ở mang tính xã hội). Nếu có sai sót thì Q.1 và các ngành phải kiểm tra, xử lý. “Nhưng tôi khẳng định là không thể có chuyện sai sót này” - ông Tín nói. Còn đền bù thì theo hiện trạng, đó là quy định của pháp luật, chứ không đền bù theo giá trị hình thành trong tương lai (theo dự án mới hình thành).
Ông Trần Du Lịch đề nghị UBND TP tiếp tục giải quyết hai nội dung: phải cam kết với các hộ dân diện tái định cư tại chỗ về vị trí, thời gian nhận căn hộ tái định cư; tính toán có chính sách hỗ trợ những hộ dân đã nhận tiền đền bù để tự lo nơi ở mới (không thuộc diện tạm cư chờ tái định cư).
Với dự án khu tứ giác Bến Thành, ông Trần Du Lịch đề nghị UBND TP giải quyết rốt ráo một trong những khiếu nại của người dân là: năm 2008 Q.1 thông báo cho người dân được đăng ký tái định cư tại chỗ, đến năm 2011 lại thông báo là không được tái định cư tại chỗ mà sẽ tái định cư ở một địa điểm khác nhưng không xác định cụ thể về thời gian, giá cả... Ông Lưu Trung Hòa cho biết khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thì người dân phản ảnh như vậy, nhưng trong phương án đền bù, giải tỏa, tái định cư có nêu đầy đủ các vấn đề người dân thắc mắc. Tuy nhiên, ông Lịch yêu cầu phải có văn bản khẳng định để đại biểu trả lời cử tri rõ ràng là tái định cư tại đâu, giá cả thế nào, bao giờ có nhà tái định cư...
Sau khi nghe ý kiến của cả hai phía, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói nghe báo cáo suôn sẻ nhưng dân vẫn còn khiếu kiện thì giải quyết đến nơi đến chốn. Chủ tịch nước yêu cầu Q.1 xem xét khả năng tái định cư tại chỗ cho người dân trong dự án khu tứ giác Bến Thành có được hay không, tái định cư ở đâu thì phải cam kết bằng giấy trắng mực đen rõ ràng. Phát biểu kết thúc buổi giám sát, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thường xuyên tiếp xúc với dân để lắng nghe ý kiến của dân, giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của dân.
Theo MAI HƯƠNG - QUỐC THANH