MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Phạm Chi Lan: “Tôi mong doanh nghiệp có thể đứng vững trước đợt sóng gió mới”

Năm 2016 sẽ là năm đầy thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Mặc dù còn nhiều yếu tố khó phán đoán nhưng chiều hướng cạnh tranh tăng lên là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Năm 2015 là một năm quan trọng của kinh tế Việt Nam, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015. Và năm 2015 cũng được coi là năm hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi kết thúc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng.

Để hiểu rõ hơn về những tác động của tiến trình hội nhập đối với các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Thưa bà, năm 2015 được coi là năm hội nhập sâu rộng của nền kinh tế khi Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA quan trọng. Bà đánh giá thế nào về tiến trình này và sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt đến đâu?

Bà Phạm Chi Lan: Nếu quan sát trong vài năm gần đây thì hoàn toàn có thể thấy sự đổ bộ của các doanh nghiệp ASEAN vào Việt Nam để đón đầu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong khi đó, 2-3 năm qua chúng ta chưa nhìn thấy làn sóng ngược lại, tức là sự đổ bộ của doanh nghiệp Việt Nam ra bên ngoài.

Theo kết quả điều tra của Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội) cho thấy có tới 65% doanh nghiệp Việt Nam không biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Họ thiếu thông tin, đồng nghĩa với thiếu sự quan tâm tới sân chơi này.

Năm 2015 chỉ là thời điểm chính thức hình thành AEC, còn về thực chất Cộng đồng này đã hình thành suốt nhiều năm và đã có thời gian dài cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có 2 vấn đề cần phải lưu ý. Đó là tự doanh nghiệp phải cố gắng để cứu lấy mình chứ không thể chờ Chính phủ cứu. Đừng chủ quan dựa vào những thứ sẵn có như thị trường, nhà cung cấp… Bản thân thị trường biến động dữ dội, thế giới cũng không đứng im một chỗ mà thay đổi liên tục làm cho mọi thứ tưởng chừng như đã thành công nhưng lại có thể thay đổi ngay ngày mai.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có quyền trông đợi Nhà nước tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để hoạt động. Hiện doanh nghiệp Việt đang phải đóng góp tới 40,8% lợi nhuận vào thuế, phí là con số quá cao. Mức bình quân trong ASEAN cũng chỉ là 17% thuế thu nhập doanh nghiệp. Việt Nam đang gấp đôi các nước thì lấy đâu ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, lấy đâu ra phần dư để tái đầu tư.

Nhà nước cứ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới lao động và đầu tư nhưng những việc này đòi hỏi phải có nguồn lực. Nếu nguồn lực có tới 40% phải nộp cho thuế phí thì doanh nghiệp còn lại bao nhiêu, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa? Do vậy rất cần sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.

Hai năm qua Chính phủ đã cố gắng rất nhiều đưa ra Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng vẫn cần khắc phục một số vấn đề như thuế phí còn cao, xu hướng tận thu đang tăng lên nhanh trong điều kiện nguồn ngân sách căng thẳng.

Do vậy, trong năm 2016, Chính phủ nên tập trung cao vào những khoản thu bất hợp lý để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Nếu doanh nghiệp tiếp tục nhỏ bé và chết đi thì Nhà nước sẽ mất đi một nguồn thu quan trọng bởi doanh nghiệp là nguồn cho tăng trưởng, ngân sách.

Bà nhận định thế nào về sự sống còn của doanh nghiệp trong năm 2016?

Chắc chắn năm 2016 sẽ là năm đầy thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Mặc dù còn nhiều yếu tố khó phán đoán nhưng chiều hướng cạnh tranh tăng lên là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Thị trường nội địa chắc chắn sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Hệ thống trung tâm thương mại và hàng hóa của nước ngoài đổ bộ ngày càng lớn vào Việt Nam cho thấy sức ép cạnh tranh tăng lên.

Tôi mong doanh nghiệp có thể đứng vững được trước đợt sóng gió mới, có đủ bản lĩnh để chèo chống và vượt qua thách thức. Doanh nghiệp nào vượt qua thách thức trong 3-5 năm tới thì sẽ có cơ hội để phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, những kết quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành của Nhà nước cũng có thể thấy rất rõ khi tập trung cao vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Thưa bà, năm 2015 là một năm quan trọng của Việt Nam, là năm kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015. Bà đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được?

Theo tôi kết quả quan trọng nhất mà Chính phủ đã đạt được trong suốt giai đoạn là giữ vững và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Suốt 5 năm qua vấn đề lớn nhất của Việt Nam là lạm phát cao, kinh tế vĩ mô bất ổn. Bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ gây khó khăn cho toàn bộ nền kinh tế, môi trường kinh doanh, doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI.

Lạm phát năm 2015 ở mức rất thấp, một phần nhờ sự điều hành của chính sách, đồng thời còn nhờ các yếu tố khách quan như giá dầu giảm, giá cả trên mặt bằng thế giới giảm chung làm cho giá cả ở Việt Nam cũng duy trì ở mức thấp.

Bà từng cho biết, có khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chỉ hoạt động nội địa chứ chưa tham gia xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, cơ hội cho 70% doanh nghiệp này tiến sâu hơn vào thị trường thế giới như thế nào?

Xuất khẩu các ngày càng khó hơn khi chuẩn mực về hàng hóa tăng cao, cạnh tranh trên thị trường thế giới cũng gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu cũng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào mở rộng xuất khẩu mà nên cố gắng đứng vững trên chính thị trường nội địa vì có đứng được trên thị trường nội địa thì hãy nghĩ đến cạnh tranh ra bên ngoài.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Nguyệt Quế (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên