MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện “nhường ghế” sau cổ phần hóa của doanh nghiệp giao thông

Không ít lần trong các cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng ví việc cổ phần hóa giống như chuyện “kén vợ, gả chồng”.

Trong 5 năm qua, khi cả nước thực hiện cổ phần hóa (CPH) 527 doanh nghiệp, riêng ngành GTVT đã có 137 doanh nghiệp thực hiện CPH (chiếm gần 30%) và trở thành Bộ có nhiều doanh nghiệp thực hiện CPH nhất. Hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công, đó là việc chọn nhà đầu tư chiến lược và sự chấp nhận hy sinh, “nhường ghế” của lãnh đạo doanh nghiệp.

Những cuộc “kén, gả” xứng đôi vừa lứa

Không ít lần trong các cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng ví việc CPH giống như câu chuyện “kén vợ, gả chồng”. Chọn được chàng rể (nhà đầu tư chiến lược) tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển, đời sống người lao động mới ổn định, nâng lên. Vì thế, có những Tổng công ty tưởng như cho chẳng ai dám nhận chứ đừng nói là bán như: Tổng công ty Xây dựng đường thủy (VINAWACO) đang đứng trước nguy cơ phá sản, đơn kiện chồng chất hay CIENCO8 thua lỗ triền miên, làm đâu chậm đấy, CIENCO5 âm vốn chủ sở hữu… nhưng cuối cùng đều đã được “kén, gả” thành công.

Chia sẻ về điều này, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) kể, lúc đầu cũng không ít người phân vân là những doanh nghiệp tai tiếng như thế bán cho ai. Thế nhưng, nếu phân tích kỹ, không hẳn những doanh nghiệp ấy không có những cơ hội. Chẳng hạn như VINAWACO bị khủng hoảng chủ yếu do mất đoàn kết nội bộ, không có vốn để vực dậy sau khủng hoảng và đấu thầu tham gia các dự án lớn. Đây cũng là đơn vị có kinh nghiệm, năng lực hàng đầu về thủy công với những máy móc, thiết bị đặc chủng.

"Có những cơ chế chính sách qua thực tiễn triển khai sau khi có ý kiến của Bộ GTVT đã trở thành cơ chế chung như: Bán vốn theo lô, CPH các đơn vị công lập, bệnh viện, trường học… Sau khi CPH, các doanh nghiệp giao thông hoạt động hiệu quả hơn, tổng tài sản tăng, vốn chủ sở hữu tăng, doanh thu tăng, vốn, lợi nhuận trước thuế tăng, thu nhập bình quân tăng nhưng nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu lại giảm… Rõ ràng, kết quả sản xuất kinh doanh đã hiệu quả hơn rất nhiều sau CPH."

Phó Thủ tướng Chính phủ

Vũ Văn Ninh

Trước khi quyết định bỏ hơn 200 tỷ mua 60% cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại VINAWACO, ông Ngô Văn Tuấn là Chủ tịch Công ty Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng cũng không khỏi băn khoăn trước một “con tàu” được ví đã bị chìm đến 8 phần, với những khoản nợ chồng chất và đơn kiện xếp cao hàng mét.

Thế nhưng, là người lăn lộn với thương trường, ông Tuấn đã nhìn thấy cơ hội từ con tàu đang chìm ấy. Đấy chính là mạng lưới sông ngòi dày đặc từ Bắc chí Nam hay những cửa biển đang cần nạo vét, khai phá để thực hiện mục tiêu chiến lược tiến ra biển của đất nước.

Vì thế khi bắt tay vào đàm phán, ông Tuấn đã có những cam kết mạnh mẽ để vực dậy “con tàu” VINAWACO với tuyên bố: “Gắn bó lâu dài, đầu tư mạnh mẽ, không kiếm lợi nhuận trong 3 năm đầu, ưu tiên chăm sóc người lao động”. Và thực tế sau hơn 1 năm chèo lái của ông chủ mới, con tàu VINAWACO đang dần lấy lại hình ảnh một nhà vô địch trên các công trình xây dựng và nạo vét đường thủy.

Khó khăn nhất trong những lần “mai mối” lại chính là cuộc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược của một doanh nghiệp khủng nhất. Có thể kể đến Tổng công ty Hàng không VN (VNA). Để đàm phán mua cổ phần tại VNA, đối tác của Nhật thuê đến 4-5 công ty tư vấn: Luật, tài chính, kỹ thuật, kỹ năng đàm phán… Có những đoàn đàm phán lên đến 30-40 người. Nhiều cuộc đàm phán tưởng chừng không thể tiếp tục do có sự khác biệt về tư duy, cơ chế chính sách, các hoạch toán…

Dù chưa kết thúc đàm phán nhưng ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho rằng, để đảm bảo tối đa các lợi ích của Việt Nam khi đàm phán với các nhà đầu tư, phải bố trí đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp, có kinh nghiệm đàm phán và phải có sự chuẩn bị rất kỹ về mặt thông tin, bố trí nhân sự đủ năng lực... mới mong thành công.

Sẵn sàng nhường ghế cho các ông chủ mới

Quá trình cổ phần hóa tại Bộ GTVT, việc “từ bỏ lợi ích” đã được thể hiện rõ nhất từ chính những người đứng mũi chịu sào tại các doanh nghiệp. Từ Chủ tịch, Tổng giám đốc đầy quyền lực, họ sẵn sàng thúc đẩy lộ trình CPH để sau đó rời khỏi vị trí lãnh đạo hoặc trở thành những người làm thuê cho các nhà đầu tư mới.

Trong số những người xin nghỉ hưu sớm sau khi chuyển sang CPH là ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐTV CIENCO 1. Ông Dũng trước đó cũng là người tiên phong thực hiện công tác CPH với việc tìm kiếm các đối tác được coi là rất chất lượng cho Tổng công ty ông đã gắn bó và dành tâm huyết nhiều năm.

Trong nhiều lần trò chuyện với PV Báo Giao thông, ông Dũng rất kỳ vọng sẽ nâng tầm CIENCO1 khi có sự kết hợp hoàn hảo giữa thương hiệu, uy tín của CIENCO 1 với công nghệ, quản trị của Hassyu và sự năng động của Yên Khánh trên các công trình xây dựng giao thông. Giờ đây, khi đã vui thú điền viên nhưng chắc chắn ông Dũng luôn thấy tự hào vì chính bản thân ông đã là thuyền trưởng đưa con thuyền CIENCO1 cập bến CPH, mở ra một thời kỳ mới cho một CIENCO hàng đầu Việt Nam.

Còn nhớ khi VINAWACO đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Huy Hiền khi đó còn làm Chủ tịch HĐQT (nay làm Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN) từng tâm sự: “Dù biết sau khi CPH, việc ở hay đi chưa biết thế nào vì khi đó phụ thuộc vào nhà đầu tư nhưng CPH là một xu thế tất yếu, làm cho doanh nghiệp tốt lên, mình phải ủng hộ và làm hết mình”.

Cũng là lãnh đạo VINAWACO, nhưng ông Lưu Đình Tiến gần một năm nay đã chuyển từ vị trí Tổng giám đốc xuống làm Phó tổng giám đốc. Trong những lần trò chuyện trước khi thực hiện CPH, ông Tiến luôn trăn trở câu chuyện làm sao để lựa chọn được nhà đầu tư chất lượng, có uy tín để vực dậy tổng công ty và đảm bảo được đời sống cho hàng trăm cán bộ, nhân viên đang đứng trước những khó khăn chồng chất và nguy cơ phải bỏ việc vì bị nợ lương, không có việc làm...

Còn nhiều lãnh đạo các tổng công ty khác sẵn sàng nhường “ghế” của mình đã gắn bó bao năm để các ông chủ mới chèo lái, vực dậy các DN. Có thể kể đến Tổng giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long Phan Quốc Hiếu về làm Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT. Tổng giám đốc CIENCO8 Phạm Xuân Thủy sau khi chuyển từ Công ty CP Cầu 12 – đơn vị hàng đầu về cầu tại Việt Nam với 3 lần được phong tặng Anh hùng sang với nhiều nỗ lực, tâm huyết nhưng chưa thể vực dậy DN vốn nhiều năm nợ nần, mục ruỗng. Sau khi nhà đầu tư mới vào đầu tư, ông chia sẻ sẵn sàng nhường vị trí để… “gác kiếm nghỉ ngơi”.

Ông Vũ Anh Minh cho biết, sau CPH, có đến 80% lãnh đạo chủ chốt tại các tổng công ty xây dựng giao thông giữ chức vụ chủ chốt đều được sắp xếp, điều chuyển về Bộ thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với sở trường và năng lực của mình. Đấy cũng là một cách để động viên và sử dụng hợp lý các nguồn nhân lực sau khi thực hiện tái cơ cấu, CPH.

Theo Nhóm PV

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên