Cơ chế đầu tư mới cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý áp dụng cơ chế nhà nước đầu tư trực tiếp đối với khoản vay hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
- 28-09-2015CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm ngành GTVT
- 14-09-2015Phê duyệt danh mục Khoản vay ADB đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành
- 23-07-2015Siết xe quá tải trên cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Dây
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục kiểm soát chi và thanh toán nợ khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án hỗ trợ kỹ thuật nói trên theo cơ chế tài chính mới.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm điều chỉnh các điều khoản liên quan của Hiệp định vay hỗ trợ kỹ thuật theo cơ chế tài chính mới.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A.
Tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km được chia thành 2 phần. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành dài gần 24km đi qua quận 2, 9 (TP.HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 100 km/giờ.
Đoạn 2 (đoạn Vành đai II - Long Thành - Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A TCVN 5729-97, vận tốc thiết kế 120km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h.