Công nghiệp chế biến, chế tạo: Những tín hiệu khả quan
Với 91,1% số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng số lượng đơn hàng nhận được trong năm 2016 sẽ cao hơn 2015, trong đó, 90,8% DN dự báo đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên trong năm mới, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đứng trước sự phát triển khả quan.
- 10-12-2014Vốn ngoại ồ ạt đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
- 09-12-2014Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản
- 24-06-20146 tháng đầu năm: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng
- 23-12-2013Năm 2013, ngành công nghiệp chế biến chế tạo hồi phục đáng kể
Số liệu trên được đưa ra trong báo cáo xu hướng kinh doanh của các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.
Về xu hướng kinh doanh, đa số DN công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2015 đến nay đang tiến triển theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước. Quý IV tốt hơn quý III/2015 và quý I/2016 tốt hơn quý IV/2015.
Theo đó, hơn 80% DN đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý I/2016 sẽ tốt lên, hoặc ổn định hơn năm 2015, trong khi đó chỉ có 17,7% DN dự báo kinh doanh năm 2016 khó khăn hơn so với 2015.
91,6% DN dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất cao hơn năm 2015; 66,7% DN dự kiến chi phí sản xuất sẽ ổn định trong năm 2016; 56,4% số DN dự báo không có biến động về hàng tồn kho, vật liệu.
Theo Tổng cục Thống kê, xu hướng kinh doanh của DN công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2015.
Cụ thể: Năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601,5 nghìn tỉ đồng, tăng 26,6% về số DN và 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số vốn đăng ký bình quân của DN trong năm 2015 đạt 6,3 tỉ đồng, tăng 9,9% so với năm trước đó.
Các DN mới thành lập cũng tạo ra được gần 1,5 triệu lao động, tăng 34,9% so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, số DN quay trở lại hoạt động là 21.506, tăng 39,5% so với năm trước. DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh là 9.467 DN, giảm 0,4% so với năm 2014.
Trên thực tế thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Lý do theo các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam vừa gặp ít rủi ro, lại tận dụng được lợi thế nhân công, năng lượng giá rẻ .
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì công nghiệp chế biến, chế tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất của Việt Nam, hiện thu hút trên 70% vốn FDI.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thu hút hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo lý giải của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động, vì thế sẽ giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Những năm gần đây, Việt Nam có chính sách phát triển công nghiệp rất tốt, điển hình như chính sách thuế, đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Giá năng lượng tại Việt Nam cũng rẻ hơn so với các nước trong khu vực và thế giới, đây là lợi thế rất quan trọng để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” tổ chức tại TPHCM cuối năm 2015 vừa qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đưa ra nhận định: Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Trong 10 năm, sẽ có 90 tỉ USD, gần bằng 50% GDP, đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Lĩnh vực này cũng chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. “Cách đây 10 năm, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng hóa thông thường, còn hiện nay rất đa dạng. Thậm chí, một số mặt hàng có giá trị cao như điện thoại di động, đồ điện tử”, bà Kwakwa nói.
Bước sang năm mới 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2016 sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2015 và đang có những tác động tích cực đến hoạt động của DN nói chung và DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng.
Báo Chính phủ