MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI tháng 8 có thể tăng 0,6%

Dự báo, trong tháng 8, CPI có thể tăng gấp đôi so với mức dự kiến, tăng 0,6% nếu Hà Nội có sự điều chỉnh về giá viện phí.

Đó là nhận định của các thành viên tại phiên họp Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ngày 30/7.

CPI tháng 7 tăng nhẹ

Đúng như dự đoán của Tổ điều hành, CPI tháng 7 tăng thấp, tăng 0,27% so với tháng 6. Ông Nguyễn ĐứcThắng- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê) phân tích: trong cơ cấu CPI tháng 7 nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 1,34%) nguyên nhân chủ yếu do tác động của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua.

Bên cạnh đó, tháng vừa rồi có kỳ thi đại học diễn ra ở các thành phố lớn cũng khiến giá dịch vụ, ăn uống, đi lại tăng lên. Ngoài ra, do việc điều chỉnh giá gas, điện nước dùng nhiều hơn trong tháng hè. Đặc biệt tháng 7 có tăng lương tối thiểu nên ảnh hưởng tâm lý người bán hàng.

Như vậy, sau 7 tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,68%. “Mục tiêu lạm phát cả năm có thể đạt được, không lo ngại chỉ số giá trong năm nay. Tuy nhiên cần lưu ý công tác kiểm soát lạm phát trong những năm tới, duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức thấp như hiện nay.”- ông Thắng nói.

Báo cáo của Tổ Điều hành cho thấy, trong tháng 7, mặc dù thời tiết mưa lũ tại nhiều địa phương phía Bắc, tuy nhiên không có hiện tượng nguồn cung hàng hóa bị gián đoạn, gây tăng giá cục bộ. Giá một số loại rau củ quả tháng 7 tăng từ 10-30% so với tháng trước, một số loại rau quả chính vụ giá ổn định.

Theo Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: trong tháng 7, thị trường thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thông tin thương lái thu mua lợn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Trong tháng 7, thị trường chủ yếu sôi động với các hoạt động du lịch, dịch vụ, khách sạn.

Cung cầu hàng hóa tiếp tục bảo đảm, một số nhóm hàng bắt đầu có đợt điều chỉnh tăng giá như điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá gas, sữa và sự hồi phục nhẹ của giá thực phẩm như thịt lợn, gà, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho gà, lợn, giá lương thực. Các mặt hàng khác như phân bón giá giảm nhẹ, xi măng, sắt thép, giấy…giá tiếp tục ổn định.

CPI tháng 8 có thể tăng 0,6%

Trong tháng 8, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết do đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, tỷ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng. Đặc biệt là đợt tăng giá xăng dầu từ 420-470 đồng/lít ngày 17/7đóng góp vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng 7 là khoảng 0,1- 0,15%.

Do cung cầu trên thị trường không có nhiều đột biến, một số mặt hàng tiếp tục trong xu hướng ổn định như lương thực, phân bón, đường, tuy nhiên, từ ngày 1/8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Tổ điều hành dự báo, CPI tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6- 0,7%. Tuy nhiên, nếu tháng 8, Hà Nội chưa áp dụng việc tăng giá viện phí thì CPI chỉ dao động quanh mức 0,3- 0,4% nếu Hà Nội chưa áp dụng sự điều chỉnh viện phí.

Đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổ điều hành kiến nghị Chính phủ chỉ đạo:

Đối với mặt hàng xăng dầu, Tổ điều hành thị trường trong nước kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên linh hoạt các công cụ như thuế và quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Trước tình hình nhiều sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em liên tục tăng giá trong những tháng đầu năm 2013 và thông tin về việc các hãng sữa sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, đặc biệt, ngày 17/7, Công ty Friesland Campina Việt Nam đã bắt đầu tăng giá các sản phẩm sữa nước nhãn hiệu Dutch Lady, mức tăng từ 2- 8% với lý do thay đổi mẫu mã bao bì mới, Tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ đối với việc tăng giá sữa và chủ trì, tổ chức đoàn thanh kiểm tra xử lý nghiêm hiện tượng gian lận thương mại, kê khai gian dối về hàng hóa đối với nhóm sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Đối với mặt hàng đường, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam làm đầu mối phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức kết nối các nhà máy đường, các doanh nghiệp kinh doanh đường với các doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng đường lớn nhằm ưu tiên sử dụng đường sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu.

Theo Thu Phương

cucpth

Báo Công thương

Trở lên trên