MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng sẽ có Thị trưởng vào năm 2021

Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng chính quyền đô thị theo 3 giai đoạn và từ năm 2021 trở đi, chính quyền Đà Nẵng sẽ hoạt động theo mô hình Thị trưởng.

Thông tin vừa được Sở Nội vụ Đà Nẵng đưa ra tại Cuộc họp công bố Đề án chính quyền đô thị TP Đà Nẵng diễn ra sáng 12/9 do UBND TP Đà Nẵng chủ trì.

Sẽ có Thị trưởng Đà Nẵng vào năm 2021

Theo đó, giai đoạn 1 (từ khi được đồng ý đến năm 2016) sẽ thay đổi dần mô hình hiện tại gồm HĐND thành phố, UBND các cấp (thành phố, quận, huyện, xã, phường) và HĐND xã sang mô hình HĐND, UBND cấp thành phố và mô hình UBND các cấp (quận, huyện, xã, phường) theo cơ chế thủ trưởng với bộ máy được bầu ra và bổ nhiệm.

Theo mô hình này, ngoài chức năng giám sát, HĐND thành phố có vai trò quyết nghị những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của thành phố và những vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến người dân. Đồng thời HĐND được phân quyền và nhiệm vụ nhằm phát huy tính chủ động, tự quản tại địa phương.

Bộ máy UBND cấp thành phố sẽ do HĐND thành phố bầu ra và là cơ quan chấp hành của HĐND thành phố. UBND thành phố là cơ quan hành chính của thành phố, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Chính phủ và giám sát của HĐND.

Riêng UBND cấp quận, huyện, xã, phường có người đứng đầu là Chủ tịch, Chủ tịch do Chủ tịch cấp trên trực tiếp bổ nhiệm và hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính.

Giai đoạn 2 (từ 2016-2021), tinh gọn mô hình quản lý cấp quận huyện và chuyển dần sang chỉ còn HĐND, UBND cấp thành phố và UBND xã phường theo cơ chế thủ trưởng.

Theo mô hình này, Chủ tịch UBND thành phố được tăng dần thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước kết quả điều hành của mình. Và khi ấy, UBND cấp xã phường là cơ quan đại diện trực tiếp của UBND thành phố. Chủ tịch UBND xã phường sẽ do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm trực tiếp.

Và giai đoạn 3 (từ 2021 trở đi) chỉ còn HĐND thành phố làm nhiệm vụ giám sát và mô hình quản lý chỉ còn thị trưởng (cấp thành phố) và trưởng phường (cấp phường) do cử tri thành phố bầu trực tiếp và được Thủ tướng phê chuẩn (hoặc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trực tiếp).

Thị trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trước người dân thành phố và cơ quan hành chính cấp trên. Ngoài ra Thị trưởng còn có quyền phủ quyết các văn bản của HĐND thành phố và đề nghị Thủ tướng phê duyệt việc giải tán HĐND để bầu lại HĐND thánh phố mới.

Đối với Phường trưởng, thực hiện các nhiệm vụ hành chính, trị an, tư pháp và cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn. Chức danh Phường trưởng do Thị trưởng bổ nhiệm.

Chính quyền đô thị phải phục vụ tốt hơn !

Nhận định về xây dựng chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Việc giảm bớt cấp trung gian, chỉ còn 2 là cấp tỉnh và cấp cơ sở đối với Đà Nẵng là khả thi.

Trước đây, Đà Nẵng đã từng thí điểm đối với các quận như Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và thực chất cũng là chính quyền đô thị 2 cấp. Thực tế đã hoạt động khá tốt, tuy nhiên vấn đề phụ thuộc vào khả năng quản lý trực tiếp của các xã, phường.

Với trình độ quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ công chức thành phố và hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng CNTT cũng như khả năng sẵn sàng ứng dụng CNTT trong công vụ, như hiện nay, tôi tin Đà Nẵng có đủ điều kiện bước vào mô hình chính quyền đô thị chỉ có 2 cấp ở giai đoạn bắt đầu thí điểm”.

Với tư cách chuyên gia, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chính quyền đô thị phải đảm bảo 2 mục đích chính. Đó là chính quyền đô thị phải phục vụ người dân tốt hơn, thuận tiện hơn; và hiệu lực quản lý, điều hành xã hội của chính quyền địa phương tốt hơn, thống nhất hơn, tập trung hơn. Nếu không đạt được 2 tiêu chí này thì đừng nên thực hiện”.


Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, chính quyền đô thị
phải phục vụ nhân dân tốt hơn


“Đã thí điểm một mô hình chính quyền mới điều tiên quyết là phải có tính pháp lý. Nếu xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà vướng với các quy định hiện hành thì sản phẩm chỉ có thể là “bình mới rượu cũ”. Và các mục đích chính của chính quyền đô thị sẽ không khả quan hơn so với hiện nay”, ông Tiếng nói.

Cũng theo nhiều ý kiến, trong giai đoạn quá độ chuyển dần sang chính quyền đô thị, Đà Nẵng có thể sử dụng văn phòng đại diện chính quyền thành phố trên địa bàn từng quận hiện nay như “cánh tay nối dài” để phục vụ nhân dân giống như mô hình các “văn phòng một cửa” tại các UBND sẽ giúp công tác quản lý, phục vụ người dân tốt hơn.

PGS-TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng tham luận: Đã làm thí điểm thì làm nhanh chứ không nên chậm nữa. Chúng ta nên nghĩ đến việc triển khai ngay mô hình hai cấp. Dĩ nhiên phải có lộ trình, vì không thể nói là xoá cấp quận, huyện được ngay. Nếu triển khai ngay trong năm 2014 thì cũng phải đến 2016 mới có thể hoàn thành và khi đó mới hy vọng nhiệm kỳ sau có mô hình mới. Còn cứ nếu vẫn giữ nguyên ba cấp cho đến 2016 mới triển khai thì đến 2019-2020, Đà Nẵng vẫn chưa có chính quyền đô thị hai cấp.

Theo Tâm Lân

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên