MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam là ai?

Ít người biết người gây dựng nên tập đoàn Thiên Tân lớn mạnh ngày hôm nay là ông Huỳnh Kim Lập, người vốn lớn lên trong gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi.

Với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua khiến nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm theo ước tính của các chuyên gia năng lượng. Tuy nhiên hiện nay nguồn điện năng tại nước ta chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay điện gió có tiềm năng lớn.

Việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là hướng đi tất yếu là điều được phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà máy được đặt tại huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, xây trên diện tích 24 ha, có công suất thiết kế 19,2 MWp, áp dụng công nghệ quang điện của Thái Lan với tổng vốn đầu tư 826 tỷ đồng, dự kiến hòa vào mạng lưới điện quốc gia vào giữa năm 2016. Công trình này do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân đầu tư sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu. Ngoài nhà máy này, hiện Thiên Tân cũng đang triển khai thực hiện dự án điện mặt trời khác có công suất 1.000 MW với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD tại Ninh Thuận.

Thiên Tân là tập đoàn nào?

Thiên Tân Group được thành lập năm 2000 với vốn ban đầu là 2,5 tỷ đồng dưới hình thức công ty TNHH và chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2004.

Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng công trình thủy điện, đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo thông tin từ báo Quảng Ngãi, sau 14 năm thành lập, tổng số vốn của công ty này đã lên đến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Hiện Thiên Tân Group có 5 đơn vị thành viên gồm:

- Công ty TNHH MTV Thủy điện Thiên Tân.

- Công ty TNHH MTV B.O.T Thiên Tân.

- Công ty cổ phần Thủy điện Thiên Tân.

- Công ty TNHH B.O.T Thiên Tân- Thành An,

- Công ty TNHH MTV Đầu tư- xây dựng thương mại Thiên Hương.

Một số dự án do tập đoàn này đã và đang lên kế hoạch thực hiện gồm: Dự án nuôi tôm trên cát tại Mộ Đức, Quảng Ngãi (tổng đầu tư: 30 tỷ đồng), dự án khu biệt thự Thiên Tân, tại Bình Sơn, Quảng Ngãi (tổng mức đầu tư: 200 tỷ đồng), dự án thủy điện Hà Nang tại Trà Bồng, Quảng Ngãi (500 tỷ đồng), dự án đường tránh Đức Phổ (650 tỷ đồng), dự án công viên Thiên Bút và đô thị sinh thái Thiên Tân, dự án đô thị mới Thiên Tân. Hiện tập đoàn này đang hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu tại tỉnh Quảng Ngãi.

Người gây dựng Thiên Tân từ tay trắng

Ít người biết người gây dựng nên tập đoàn Thiên Tân lớn mạnh ngày hôm nay là ông Huỳnh Kim Lập, người vốn lớn lên trong gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Lập sinh năm 1965, là con thứ 4 trong gia đình 8 anh chị em. Cha ông vốn là một nông dân mát tay nuôi vịt và đây cũng là nghề giúp ông dễ liên lạc với cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ. Từ bé, Lập được cha truyền nghề nuôi vịt, có thời điểm mới học lớp 6 ông đã làm thay 2/3 công việc của cha, chăm sóc đàn vịt lên tới hàng nghìn con.

Sau khi tốt nghiệp đại học Kinh tế Tp.HCM, chàng thanh niên lang thang Sài Gòn một thời gian tìm cơ hội phát triển nhưng đến cuối năm 90, anh quyết định về quê nuôi gà. Biệt danh “Lập gà” cũng được xuất phát từ thời điểm gian khó này. Những năm này dịch bệnh ở heo gây thiệt hại lớn cho nông dân khiến giá heo sữa lao dốc, nhiều người mang heo con vứt ra đường. Ông Lập đã quyết định lùng và mua tất cả heo sữa bị vứt đi nuôi chờ thời. Chưa đầy 1 năm sau, giá heo tăng chóng mặt. Thế nhưng ông Lập sau đó quyết định bán hết heo, gà với cái lý “chẳng thể nuôi heo, nuôi gà mà giàu được”.

Với ít vốn liếng tích cóp, năm 1997 ông Lập góp vốn cùng một công ty tư nhân đầu tư dự án Thành Cổ- Núi Bút, trong đó có tuyến đường mang tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quy mô lớn nhất thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Tuy nhiên đến năm 2000, dự án mới hoàn thành khoảng 60% thì đơn vị góp vốn cùng ông Lập gặp khó khăn và xin rút lui ngừng dự án. Lúc này ông kiến nghị và được tỉnh chấp thuận tiếp tục dự án. Ông Lập quyết định thành lập công ty mang tên Thiên Tân từ thời điểm này. Theo cách giải thích thông thường “Thiên Tân” có nghĩa là “Trời mới” những có thể hiểu là trời riêng như cách đi khác biệt của ông Lập.

Kết thúc dự án đúng tiến độ, năm 2001 ông Lập lại có quyết định táo bạo là đầu tư 20 tỷ đồng nuôi tôm trên cát. Không ít người cho ý tưởng này là điên rồ nhưng ông Lập từng tâm sự với một người bạn: “Không sao đâu ông bạn. Tôi vô miền Nam xem họ nuôi tôm trên cát rồi. An toàn tuyệt đối, chỉ có lãi trở lên thôi”. Và vài tháng sau, thực tế đã chứng mình lời nói của ông Lập là đúng. Trong khi mùa lạnh về, người dân Quảng Ngãi nuôi tôm bị dịch chết thì hồ tôm của ông vẫn bình yên và lứa nào cũng thắng lớn. Dự án này đến nay cho thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi đang thành công với dự án nuôi tôm, ông Lập lại đột ngột chuyển hướng sang khảo sát đầu tư khu vực xung quanh dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Vạn Tường. Thời điểm những năm 2000-2001 dự án lọc dầu này bị treo lơ lửng do liên doanh Việt- Nga tan vỡ nên quyết định đầu tư của ông Lập lại một lần nữa bị cho là gàn dở. Mãi đến năm 2005, nhà máy lọc dầu Dung Quất được hâm nóng trở lại với việc tập đoàn Technip trúng thầu.

Bài toán đặt ra là những chuyên gia, kỹ sư, công nhân bậc cao sẽ ở đâu để thi công nhà máy này. Và người giải đáp bài toán chính là ông Lập với việc xây 71 biệt thự cao cấp, 170 phòng ở tiện nghi ngay tại Vạn Tường. Dự án này đem về uy tín cũng như nguồn thu lớn cho tập đoàn Thiên Tân.

Ngoài đầu tư xây dựng, nuôi tôm, ông Lập còn có quyết định táo bạo khác khi đầu tư đa ngành vào thủy điện, công trình giao thông và mới đây nhất là nhà máy điện mặt trời. Thế nhưng niềm vui lớn nhất cmà doanh nhân này đang đón chờ là xâu một trung tâm nuôi trẻ mồ côi do chính ông làm giám đốc.

“Nếu hiểu thành đạt của một doanh nhân là kiếm được thật nhiều tiền bằng trí lực của mình thì tôi là người thành đạt. Nhưng tôi luôn cho mình là người có chút may mắn hơn bạn bè. Tiền bạc với tôi bây giờ cũng không còn là mục tiêu, mà được làm việc, được cống hiến những công trình, những ý tưởng của mình cho cuộc đời này mới là niềm vui. Nhưng niềm vui lớn nhất mà tôi đang đón chờ là xây một trung tâm nuôi trẻ mồ côi do chính tôi làm giám đốc".

Theo Kim Thủy

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên