MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại sứ Nhật Bản: 'Chúng tôi chưa có kế hoạch cắt giảm ODA tại Việt Nam"

Trả lời phỏng vấn trên Wall Street Journal mới đây, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada cho biết, Nhật Bản chưa có kế hoạch hay dự định cắt giảm nguồn viện trợ ODA nào tại Việt Nam.

Tóm tắt:

- Trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal mới đây, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada chia sẻ những giải pháp mà Nhật Bản đang nỗ lực để vượt qua khó khăn và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.

- Theo ông Hiroshi Fukada, lĩnh vực yếu kém nhất của Việt Nam là ngành công nghiệp cơ bản, chẳng hạn ngành xe hơi.

- Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

- Ông Hiroshi Fukada cũng cho biết, hiện tại Nhật Bản chưa có kế hoạch hay dự định cắt giảm nguồn viện trợ ODA nào tại Việt Nam.


Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia nhận được nhiều viện trợ phát triển (vốn ODA) nhất từ Nhật Bản. Điều này cho thấy kỳ vọng của chính quyền Tokyo đối với thị trường và cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cuộc chiến cạnh tranh viện trợ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Tuy nhiên, do môi trường kinh doanh cải thiện chậm chạp, vị thế tài chính và cơ chế quản lý yếu kém đang khiến việc hợp tác trở nên khó khăn.

Trả lời phỏng vấn trên Wall Street Journal mới đây, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada chia sẻ những giải pháp mà Nhật Bản đang nỗ lực để vượt qua khó khăn và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước.

WSJ: Tại sao Nhật Bản cung cấp rất nhiều viện trợ cho Việt Nam, thưa ông?

Ông Hiroshi Fukada: Việt Nam đang trở thành một thị trường ngày càng quan trọng đối với chúng tôi. Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ những lợi ích hợp tác chung nhằm thiết lập hòa bình và ổn định, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Nhật Bản và Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và hợp tác để nâng cao tiếng nói của mình trong khu vực.

WSJ: Có thể nói, Việt Nam đang có liên quan chặt chẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế. Vậy làm thế nào để Nhật Bản giúp Việt Nam chuyển hướng?

Ông Hiroshi Fukada: Đúng là kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc. Trong khi hầu hết các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả từ Nhật Bản, đưa vào quốc gia Đông Nam Á này nhằm phát triển ngành công nghiệp và xây dựng các nhà máy. Tuy nhiên, những nhà máy vốn đầu tư nước ngoài này lại nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Theo tôi, lĩnh vực yếu kém nhất của Việt Nam là ngành công nghiệp cơ bản, chẳng hạn ngành xe hơi. Tập đoàn Toyota sản xuất hơn 30.000 xe tại đây nhưng phần lớn các bộ phận phải nhập khẩu từ Thái Lan. Việc tự sản xuất các bộ phận xe tại Việt Nam ít hơn 5%.

Trong hơn 10 năm qua, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào thị trường Việt Nam. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư vào thị trường Việt Nam.

WSJ: Còn các nhà máy nhiệt điện thì sao, thưa ông? Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng 60-70% nhà máy nhiệt điện chạy than tại Việt Nam do chi phí rẻ và thời gian ngắn?

Ông Hiroshi Fukada: Vấn đề ở đây là Chính phủ Việt Nam không có một khoản tiết kiệm nội địa đủ lớn trong khi Nhật Bản đã có những khoản tiết kiệm rất lớn trong giai đoạn đầu phát triển. Do vậy, họ phải phụ thuộc vào viện trợ của nhà đầu tư nước ngoài.

WSJ: Liệu Nhật Bản có tiếp tục viện trợ kinh tế cho Việt Nam?

Ông Hiroshi Fukada: Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch hay dự định cắt giảm nguồn viện trợ ODA nào tại Việt Nam.

WSJ: Việc đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có thu được kết quả tốt không và ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của thị trường này?

Ông Hiroshi Fukada: Chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành công tại thị trường 90 triệu dân và tương lai sẽ tăng lên khoảng 100 triệu dân trong 10 đến 20 năm nữa này. Chúng tôi thấy rằng Việt Nam là một đối tác rất quan trọng với Nhật Bản.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Quốc gia này đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ đem lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong thương mại đa phương, đặc biệt là tiềm năng gia tăng xuất khẩu, dệt may và các ngành công nghiệp khác. Mặt khác, quốc gia này vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết như cải cách hệ thống tài chính, tái cấu trúc các doanh nghiệp quốc doanh.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của quá trình cải cách. Mặc dù quá trình này cần có thời gian nhưng việc mở cửa thị trường và các hiệp định tự do thương mại sẽ không chờ đợi ai cả. Do đó, khi hiệp định TPP và hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN được thực hiện, thị trường này sẽ đối mặt với rủi ro từ việc gia tăng nhập khẩu.

Nguyệt Quế (dịch)

Trịnh Hường

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên