MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán TPP: Không có thông tin cụ thể về các yêu cầu VN mở cửa thị trường hàng hóa

Cho đến nay không có thông tin cụ thể nào về các yêu cầu của đối tác đối với Việt Nam trong việc mở cửa thị trường hàng hóa Việt Nam trừ một số ít các trường hợp suy đoán là có yêu cầu (ví dụ mở cửa thị trường sữa, thịt bò cho Úc, đường, thịt lợn, ô tô cho Hoa Kỳ…).

Trung tâm WTO Việt Nam (Phòng Thương mại Công nghiệp -VCC) vừa có báo cáo cập nhật tình hình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến tháng 5/2015.

Phần đánh giá về việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu của các nước TPP báo cáo có nêu: Song song với việc yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam thông qua việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan, Việt Nam cũng đồng thời phải mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa xuất khẩu từ các nước TPP.

“Loại hàng hóa cũng như mức độ mở cửa phụ thuộc vào yêu cầu/mối quan tâm của các đối tác và khả năng đàm phán cũng nhưcác chiến lược đánh đổi của Việt Nam”.

Về cơ bản, với nguyên tắc được tuyên bố ngay từ đầu và được thống nhất bởi tất cả các nước TPP về một TPP “tiêu chuẩn cao” (mức tự do hóa sâu), việc Việt Nam phải mở cửa thuế quan thông qua loại bỏ thuế với phần lớn các loại hàng hóa là chuyện không thể thay đổi. Vấn đề còn lại nằm ở nhóm các sản phẩm được giữ/không loại bỏ thuế quan là những sản phẩm nào và lộ trình loại bỏ thuế với các sản phẩm phải loại bỏ thuế là như thế nào.

Cho đến nay không có thông tin cụ thể nào về các yêu cầu của đối tác đối với Việt Nam trong việc mở cửa thị trường hàng hóa Việt Nam trừ một số ít các trường hợp suy đoán là có yêu cầu (ví dụ mở cửa thị trường sữa, thịt bò cho Úc, đường, thịt lợn, ô tô cho Hoa Kỳ…).

Từ góc độ lợi ích tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, trong khi có thể là công cụ hữu ích trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp/ngành kinh tế vượt qua giai đoạn hình thành ban đầu hoặc bảo vệ những nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương trong sản xuất hàng hóa, bảo hộ bằng thuế quan không phải là biện pháp có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn.

Hơn nữa, với xu hướng ký kết các FTA như hiện nay, Việt Nam sẽ phải dần loại bỏ thuế quan cho phần lớn hàng hóa từ các nước FTA.

Trong khi đó, TPP hiện nay được coi là FTA có mức độ tự do hóa cao nhất trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, việc phải mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam, do đó, là điều tất yếu.

“Tuy nhiên, với tư cách là thành viên kém phát triển nhất trong TPP, Việt Nam cũng có quyền đòi hỏi phải có những ngoại lệ hoặc lộ trình dài hơn cho việc mở cửa thị trường hàng hóa của mình, đặc biệt đối một số nhóm sản phẩm nhạy cảm cần được bảo hộ. Các phương án bảo hộ có thể là không loại bỏ thuế hoặc loại bỏ thuế với lộ trình dài (lộ trình ở mức nào tùy thuộc mức độ nhạy cảm của sản phẩm)” – Báo cáo nêu.

Liên quan tới vấn đề này, việc đưa ra các tiêu chí để xác định các sản phẩm nhạy cảm cũng như mức độ nhạy cảm của từng nhóm sản phẩm (qua đó xác định phương án bảo hộ thuế quan tương ứng) là rất quan trọng.

Hơn nữa, các tiêu chí này cũng là yếu tố cốt lõi để đảm bảo biện pháp bảo hộ bằng thuế quan cho các sản phẩm nhạy cảm không bị lạm dụng/ảnh hưởng bởi vận động chính sách để trở thành công cụ bảo hộ bất hợp lý cho một số ngành, gây ra bất bình đẳng giữa các ngành hay nuôi dưỡng thói quen ỷ lại của một số ngành.

Cụ thể, chỉ nên bảo hộ bằng thuế quan các ngành mà (i) sản phẩm được sản xuất bởi nhóm dân cư nhạy cảm, thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhất; không sử dụng thuế quan để bảo vệ các đối tượng khác; (ii) sản phẩm cần hạn chế bằng hàng rào thuế quan để bảo vệ các lợi ích công cộng ở trong nước (môi trường, sức khỏe tính mạng con người, văn hóa đạo đức…)

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên