Để không “hụt hơi“ trong tăng trưởng xuất khẩu
Các động lực tăng trưởng xuất khẩu hiện tại đã giảm hiệu lực, vì vậy, Việt Nam cần chủ động tìm biện pháp tăng cường năng lực cạnh tranh thương mại mới.
Đây là nhận định của TS. Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tại Hội thảo “Tạo thuận lợi thương mại, giá trị và cạnh tranh” tổ chức ngày 4/7 tại Hà Nội.
Nhìn lại 20 năm qua, thương mại Việt Nam đã liên tục tăng trưởng nhanh, và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ về xuất khẩu nhưng thực tế hiện 65% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc doanh nghiệp FDI và chỉ có 35% của doanh nghiệp Việt Nam…
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp WB, nhận xét xuất khẩu Việt Nam đang gặp thách thức ở cả 3 trụ cột quan trọng là những quy định về thương mại; chuỗi cung ứng; hạ tầng giao thông và dịch vụ logicstic.
Cụ thể, những quy định pháp lý về thương mại vừa chồng chéo, vừa thiếu rõ ràng khiến việc áp dụng có thể gây ra những phiền phức cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu Việt Nam đang vấp phải những thách thức về vấn đề thâm hụt thương mại với nguy cơ nhập siêu luôn có thể xuất hiện trở lại. Tuy sản phẩm xuất khẩu có đa dạng hơn, nhưng tỷ trọng vẫn tập trung lớn ở 10 mặt hàng chủ lực là gạo, dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô…, sản phẩm công nghệ cao chiếm tỷ lệ còn nhỏ.
Hạ tầng của Việt Nam, tuy được đầu tư nhiều trong những năm qua, nhưng vẫn chưa đủ, thiếu kết nối. Có đến 90% thương mại quốc tế của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển nhưng cảng biển lại thiếu kết nối với hạ tầng giao thông khác, thiếu kết nối với các khu kinh tế; thậm chí có cảng, nhưng thiếu đường vào; thiếu hạ tầng bến đỗ…
WB đánh giá đến năm 2020, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, nhưng đầu tư cho hạ tầng không theo kịp do phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công. Do đó, muốn cải thiện hạ tầng cần phải có giải pháp huy động các nguồn lực khác.
TS. Victoria Kwakwa cho rằng đây là thời điểm cần có một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thức đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, vai trò của Chính phủ sẽ phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài và trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại.
Đồng thời, cần loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu. Việc đầu tư cho tái cơ cấu chuỗi giá trị cung ứng tốt thì cả quốc gia, doanh nghiệp, và người dân đều được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng này.
Theo Huy Thắng