MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất mô hình mới về Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công cuộc CNH-HĐH còn nhiều bất cập, cần làm rõ những vấn đề cốt lõi về mô hình, mục tiêu, nội dung, nguồn lực thực hiện CNH-HĐH.

Ngày 25-3 vừa qua, tại Vĩnh Phúc, Nhóm Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tổng kết 30 năm đổi mới) phối hợp Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cốt yếu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam”. 

Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm Kinh tế; Vương Ðình Huệ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Phó Trưởng Nhóm Kinh tế; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Trưởng Thường trực Nhóm Kinh tế; Phạm Văn Vọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Hội thảo nhận được 47 tham luận từ các đại biểu là các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế hàng đầu của nước ta, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan...

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế đất nước vào kinh tế toàn cầu đã mang lại cho chúng ta những cơ hội vô cùng to lớn trong phát triển nhưng cũng xen lẫn nhiều thách thức không hề nhỏ.

Đáng phấn khởi hơn, công cuộc CNH-HĐH đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… nhờ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công cuộc CNH-HĐH còn nhiều bất cập: Mô hình CNH-HĐH chưa được định hình rõ nét; chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan toả, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng.

Đặc biệt, quá trình thực hiện CNH chưa gắn chặt với HĐH, phát triển công nghiệp vẫn chỉ là gia công, lắp ráp, giá trị thấp. Các chủ trương CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn triển khai còn chậm và chưa thật hiệu quả, rõ hướng; môi trường thể chế yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là điểm nghẽn, là nút thắt đang cản trở quá trình CNH-HĐH đất nước.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để thực hiện công nghiệp hoá có nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, manh mún, không khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế do quy hoạch không hợp lý hoặc duy ý chí nên không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng. Điều đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà kinh nghiệm của nhiều nước đi trước đang gặp phải.

Từ thực tiễn nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học phát huy dân chủ, cởi mở, trao đổi thẳng thắn, đề cập trực tiếp vào các vấn đề bất cập, khó khăn mà nền kinh tế đang đối mặt để đề xuất giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần làm rõ những vấn đề cốt lõi về mô hình, mục tiêu, nội dung, nguồn lực thực hiện CNH-HĐH. Việc lựa chọn, xây dựng mô hình CNH-HĐH theo hướng hiện đại trong thời gian tới cần theo hướng ưu tiên nguồn lực vào ngành và lĩnh vực nào và dựa trên cơ sở thực tiễn nào? Các giải pháp và chính sách ưu tiên nên được thiết kế ra sao để đạt được các mục tiêu đề ra? Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài gắn với chiến lược khuyến khích đầu tư trong nước giai đoạn tới cần được điều chỉnh ra sao để phát huy ưu thế về vốn, công nghệ, năng lực quản trị?...

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Ba nút thắt tăng trưởng hiện nay vẫn là vấn đề thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Vấn đề đặt ra là thời gian tới cần có các giải pháp đột phá gì để gỡ các nút thắt nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp, mô hình cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cũng tham gia thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với quy mô và sự phát triển kinh tế của từng địa phương, vùng miền như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang...

Tham gia Hội thảo, ông Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày tham luận “Công nghiệp hóa hiện đại, bước chuyển quan trọng đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp”.

Tham luận đã thu hút được sự quan của nhiều đại biểu.Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn (CNH-HĐH), qua nghiên cứu một số mô hình CNH-HĐH, ông Phạm Xuân Đương đề xuất: (1) Về mô hình công nghiệp hóa trong thời gian tới là mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn hiện đại (gọi là CNH hiện đại - CNHHĐ) với nội dung cụ thể xác định các yếu tố cơ bản của CNH Hiện đại; (2) Tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết, quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực của quốc gia, là nền tảng của công nghiệp hoá. Đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và có cơ chế ưu đãi, đó là các ngành: công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp tự động;

(3) Phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn gồm những ngành có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế, trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới đầu tư. Các ngành công nghiệp mũi nhọn có thể phân thành các nhóm theo tính chất đặc thù như (Nhóm công nghiệp mũi nhọn công nghệ cao: Sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin... Nhóm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế: Công nghiệp chế biến, nông, lâm, thuỷ hải sản, công nghiệp du lịch, công nghiệp vật liệu… Nhóm công nghiệp mũi nhọn cơ hội: công nghiệp điện tử, công nghiệp giải trí, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải đa phương thức...);

(4) Để các sản phẩm chủ lực tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cần phải định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh.

Ông Phạm Xuân Đương đề xuất, Chính phủ cần có yêu cầu đối với các Bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm, xuất xứ có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư; các Bộ, ngành và địa phương cần xây dựng và đăng ký sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường tính kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, với chuỗi giá trị hàng hoá đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chẳng hạn sản phẩm chủ lực của công nghiệp vật liệu là: thép chế tạo máy, thép hợp kim các loại, chất dẻo, nhựa,... cung cấp cho các ngành công nghiệp xe hơi, quốc phòng, hàng tiêu dùng ...

Để thực hiện được những đề xuất này, ông Phạm Xuân Đương nhấn mạnh các giải pháp hoàn thiện thể chế cho công nghiệp hóa hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNHHĐ xây dựng hệ thống tiêu chí nước công nghiệp hóa hiện đại,các tiêu chí về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, các tiêu chí phản ánh về sự phát triển xã hội, các tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thanh Liêm

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên