MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm mặt nhân tố tác động nhập siêu

Chỉ sau 2 năm gia nhập WTO, NK của Việt Nam đã tăng vọt, nhập siêu đạt kỷ lục về tốc độ tăng trưởng vào năm 2007 (180,43%), về quy mô vào năm 2008 (18.028,7 triệu USD).

Tác động của tiến trình hội nhập, của các hiệp định thương mại đối với nền kinh tế không chỉ là tích cực mà có cả tiêu cực. Đặc biệt trong giai đoạn 2013-2020, các nhân tố tiêu cực làm gia tăng nhập khẩu (NK) hàng hóa, nhập siêu của Việt Nam. Theo phân tích của chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách thương mại Phùng Kiều Vân, sau khi gia nhập WTO, chính sách thương mại tự do hơn, NK tăng với tốc độ cao trong khi tăng xuất khẩu (XK) cần phải có thời gian mới đạt được mức độ tương ứng, dẫn đến tình trạng nhập siêu và đòi hỏi Chính phủ phải có điều chỉnh linh hoạt các chính sách thương mại, tài chính, tiền tệ.

Vì vậy, chỉ sau 2 năm gia nhập WTO, NK của Việt Nam đã tăng vọt, nhập siêu đạt kỷ lục về tốc độ tăng trưởng vào năm 2007 (180,43%), về quy mô vào năm 2008 (18.028,7 triệu USD).

Việt Nam đã và đang thực hiện cam kết giảm thuế khi gia nhập WTO. Việc cắt giảm thuế phải hoàn thành trong 5 -7 năm tới, cùng với những thay đổi lớn về cơ cấu thuế NK. Thuế bình quân giảm từ mức 17,4% xuống còn 13,4%. Mức thuế bình quân hàng nông sản giảm từ 23,5% xuống còn 20,9%. Mức thuế bình quân hàng công nghiệp giảm từ 16,8% xuống 12,6%. Việc cắt giảm thuế làm tăng NK, đặc biệt NK hàng tiêu dùng và gia tăng nhập siêu.

Chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách thương mại Phùng Kiều Vân:

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6-6,5%. Nhu cầu đầu tư lớn sẽ kéo theo gia tăng NK. Xu hướng này có thể làm gia tăng tình trạng nhập siêu nếu không có những biện pháp điều chỉnh thích hợp.

Quá trình xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do Asean - Trung Quốc (ACFTA), Asean - Nhật Bản, Asean - Hàn Quốc đang được đẩy nhanh, đặc biệt là ACFTA. Về việc hình thành các khu vực mậu dịch tự do, theo chuyên gia Phùng Kiều Vân: “Sẽ làm tăng luồng hàng NK vào Việt Nam từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ những nước mà hiện nay Việt Nam đang nhập siêu với giá trị tương đối lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc... Mặt khác, đầu tư từ các nước này cũng sẽ gia tăng, kéo theo luồng hàng NK gia tăng”.

“Những yếu kém của nền kinh tế hiện nay sẽ có tác động tiêu cực đối với phát triển XK và kiểm soát NK, do đó sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với việc cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại” - bà Vân nói và phân tích: Thứ nhất, thể chế kinh tế chậm được cải thiện, nhất là các thể chế kinh tế thị trường như vấn đề sở hữu, tính đồng bộ của thị trường, khu vực kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả... Thứ hai, sự tăng trưởng chưa thật bền vững vì tuy tỷ trọng công nghiệp tăng trong GDP, nhưng chất lượng tăng trưởng xét cả về trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế còn thấp. Thứ ba, XK tăng nhưng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng chậm cải thiện, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến XK thấp, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn có khả năng cạnh tranh cao, giá trị gia tăng lớn.

Theo Hải Vân

thunm

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên