MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày: “Ủn rủi ro cho người tiêu dùng”?

Lên xuống hàng ngày nhưng cũng cần sự ổn định, không thể lên 10% xong lại xuống 10% trong 3 – 4 ngày nên cần tính đến việc điều chỉnh hàng ngày nhưng phải trong biên độ nhất định.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã nói với chúng tôi như vậy khi bàn luận về phương án điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thẳng Hải cho biết có thể trong thời gian tới sẽ sử dụng phương án điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày và cân nhắc việc sử dụng quỹ bình ổn. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Petrolimex cho rằng mặc dù điều chỉnh hàng ngày nhưng nên tính đến chuyện ổn định trong biên độ nhất định, để giảm rủi ro và bất lợi cho người tiêu dùng.

Thưa ông, DN xăng dầu thường phải có nhiệm vụ dự trữ lượng nhất định để đảm bảo nguồn cung lưu thông thị trường. Liệu phương án điều chỉnh giá hàng ngày có khiến DN gặp rủi ro?

Tôi cho rằng nếu mà Nhà nước quyết định như thế cũng làm được chứ không sao cả. Tức là DN phải chấp nhận theo thị trường. Nhưng nói thế thôi, thì trường nào cũng cần phải có sự ổn định.

Thực chất từ trước đến nay xăng dầu đã đang tiếp cận với thị trường thế giới hàng ngày. Phương án này là hoàn toàn bình thường với DN xăng dầu, bởi DN đã chủ động ứng phó, đầu vào hàng ngày và đầu ra hàng ngày có khi lại càng phù hợp.

Vấn đề là sẽ ủn cái rủi ro cho người tiêu dùng. Lúc đó, trường hợp mà xăng dầu thế giới tăng 10% thì liệu người tiêu dùng có chấp nhận tăng 10% hay không? Còn với DN thì ngày nào cũng đã tiếp cận với cơ chế thị trường của bên kia, từ tỷ giá, giá dầu và phải cạnh tranh hoàn toàn rồi.

Nói như vậy thì với cơ chế này người tiêu dùng lại bị rủi ro hơn là doanh nghiệp?

Tôi nghĩ rủi ro này là 50/50 nhưng nhãn tiền là như vậy. Bởi nếu thị trường ổn định trong 15 ngày, tính bình quân là liên tục, cái thấp và cao bù cho nhau trong 15 ngày, mang tính liên tục thì sẽ ổn định hơn.

Còn đối với doanh nghệp, khi điều chỉnh hàng ngày lên xuống, thì DN sẽ phải chấp nhận theo cơ chế thị trường. Nếu mà không làm được thì ông DN phải chấp nhận ra khỏi thị trường thôi.

Thời gian qua người tiêu dùng băn khoăn là tại sao giá xăng dầu thế giới giảm tới 40% nhưng giá xăng dầu trong nước lại giảm rất ít. Liệu phương án điều chỉnh giá hàng ngày có giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận gần hơn với giá thế giới?

Cần phải thấy rõ rằng cơ cấu xăng dầu của mình không chuyển dịch 100% theo cơ cấu xăng dầu thế giới. Có nhiều loại phí thuế của mình là giá trị tuyệt đối. Giả sử với thuế môi trường quy định là 3.500 đồng/lít thì có nghĩa là dù xăng ở mức 100 USD/thùng thì vẫn 3.500 đồng/lít mà 50 USD/thùng thì cũng như vậy.

Đương nhiên cơ chế mới biên độ linh hoạt hơn, sát hơn với thị trường, nhưng sẽ không tuyến tính theo giá thế giới là giảm 3% thì trong nước sẽ giảm 3%, không phải như vậy. Giá có thể giảm 3% nhưng do có phần phí và thuế cố định nên chỉ giảm 1,5% - 2% thôi. Tương tự như vậy, đến lúc tăng 5%, thì có thể chỉ tăng 3% thôi, do công thức thuế phí là không tuyến tính với nhau.

Vậy thì phương án điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày có khả thi để thực hiện không, thưa ông?

Thị trường xăng dầu vận hành một thời gian cho thấy nó lên xuống theo thị trường, tính binh mạch cao rồi. Thế nhưng có thể khi lên xuống hàng ngày, thì chính người tiêu dùng lúc đó có khi sau một thời gian lại đề nghị ổn định.

Đúng là lên xuống hàng ngày nhưng cũng cần sự ổn định, không thể lên 10% xong lại xuống 10% trong 3 – 4 ngày, thì không ai chấp nhận được. Tôi cho rằng cũng giống như tỷ giá, lên xuống hàng ngày nhưng phải trong biên độ, song hiện chưa ai tính toán đến phương án này.

Và như vậy thì khi thị trường tăng giảm 10%, sẽ chỉ được tăng giảm trong biên độ ấy thôi còn lại lấy quỹ bình ổn bù vào. Tôi cho rằng đây cũng là phương pháp cần tính đến. Hiện nay mình chưa quen với thị trường, nên cần phải theo dõi và giám sát về công thức giá. Song tôi cho rằng tiến tới cần thực hiện điều chỉnh hàng ngày, nhưng phải có lộ trình thực hiện.

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên