Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.
Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành một trong những đô thị phát triển KTXH của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025.
Theo đó, về mục tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011-2015 sẽ điều chỉnh từ 14,9%/năm xuống 13,5%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ; điều chỉnh tỷ trọng các ngành dịch vụ từ 30% tăng lên 38%. Điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14 tỷ USD lên 23,55 tỷ USD.
Điều chỉnh GDP bình quân đầu người từ 52 triệu đồng/người lên 63,2 triệu đồng/người (tương đương 3.000 USD/người). Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chí của tỉnh còn dưới 1% vào năm 2015.
Thời kỳ 2016 - 2020, Bình Dương sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Điều chỉnh GDP bình quân đầu người tăng từ 89,6 triệu đồng lên 135,8 triệu đồng (tương đương 6.170 USD/người). Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chí của tỉnh còn dưới 0,8%.
Trở thành trung tâm công nghiệp lớn trong vùng
Về phát triển ngành công nghiệp, đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1%/năm thời kỳ 2016 - 2020 tốc độ tăng bình quân 20%/năm. Nỗ lực chuyển đổi công năng của một số khu công nghiệp ở phía Nam và đầu tư phát triển mạnh công nghệ cao ở phía Bắc.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghệ có hàm lượng nội địa cao; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế. Phát triển công nghiệp gắn chặt với đô thị hóa. Phát triển mạng lưới công nghiệp - dịch vụ đô thị theo hướng hiện đại - văn minh và hiệu quả.
Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp xuất khẩu như: Công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu; công nghiệp dệt - may xuất khẩu; công nghiệp da giày; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống; công nghiệp cơ khí; thủ công mỹ nghệ; công nghiệp vật liệu xây dựng và gốm sứ.
Phấn đấu nâng tỷ trọng các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, điện, điện tử, công nghiệp chế biến... các khu, cụm công nghiệp chiếm 30-32,0% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN.
Đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.764,8 ha. Thu hút và lấp đầy 16 khu công nghiệp ở thị xã Dĩ An; thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một. Tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh sơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở phía Bắc.
Đến năm 2025 sẽ hình thành và đi vào hoạt động 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích các cụm công nghiệp đến 2025 khoảng 1.190,2 ha.
Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp
Về phát triển ngành dịch vụ, trước hết Bình Dương sẽ tập trung nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp; đồng thời, thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại chỗ; trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm công ty nước ngoài xuất khẩu và dịch vụ tại chỗ cho người nước ngoài…
Phát triển dịch vụ vận tải, logistic phù hợp với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát huy hệ thống cơ sở hạ tầng đã phát triển mạnh trong thời gian qua.
Khai thác có hiệu quả cao các dịch vụ về nhà ở theo 4 loại hình: Nhà ở đô thị cao cấp, với loại nhà ở biệt thự, nhà ở sinh thái văn hóa từng quốc gia; nhà ở đô thị cho người có thu nhập khá ở các đô thị lớn về ở tại Bình Dương, với loại hình nhà ở cao cấp; nhà ở cho người thu nhập trung bình và cho người thu nhập thấp, với các loại hình nhà ở chung cư cao tầng, nhà cho thuê; nhà ở xã hội cho những người thu nhập thấp.
Giao thông phải đi trước một bước
Giao thông phải đi trước một bước, tạo đà thúc đẩy sự phát triển. Đối với Bình Dương để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, phát triển hệ thống giao thông như là mũi đột phá quan trọng nhất từ nay đến 2020.
Phát triển đồng bộ, hiện đại của một đô thị mới. Phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng Đông Nam bộ sẽ được ưu tiên hàng đầu từ nay đến 2020 và 2025 phù hợp với các quy hoạch ngành đã được phê duyệt.
Xây dựng hệ thống giao thông nội thị văn minh, hiện đại. Đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đến năm 2020 tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%.
Theo Hoàng Diên