DN châu Âu đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh tại Việt Nam
Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, vươn lên từ vị trí thứ 6 của năm 2014. Vậy xu hướng đầu tư của các DN châu Âu trong năm 2016 như thế nào khi kinh tế Việt Nam được dự báo là có nhiều triển vọng?
- 05-06-2015DN châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh ở Việt Nam
- 01-12-2014Sách trắng 2015: Các DN Châu Âu đưa ra 7 kiến nghị đối với Việt Nam
- 28-08-2013Vì sao 20% DN Châu Âu cân nhắc rời Việt Nam?
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bà Nicola Connolly.
Bà đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2016?
Bà Nicola Connolly: Năm 2015 là một năm khá ổn định đối với các DN châu Âu tại Việt Nam. Số lượng thành viên của EuroCham tăng đáng kể so với đầu năm (từ 780 lên khoảng 850). Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về việc thành lập một cộng đồng và tiếng nói chung hỗ trợ cho việc kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh ấy, tôi tin rằng việc kí kết Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, góp phần gia tăng triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Theo kết quả khảo sát chỉ số “Môi trường kinh doanh của EuroCham” gần đây, cộng đồng DN châu Âu đánh giá tính cực về tình hình kinh doanh năm 2016. EuroCham nhận thấy nhiều doanh nghiêp vừa và nhỏ từ châu Âu quan tâm đến cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Thưa bà, xu hướng đầu tư của các DN châu Âu tại Việt Nam sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu nào trong bối cảnh Hiệp định FTA Việt Nam- EU đã được ký kết?
Bà Nicola Connolly: Vể mặt tổng quan, FTA Việt Nam - EU sẽ cho phép các nhà xuất khẩu EU và các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ (dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển) và sản xuất (sản phẩm thực phẩm và đồ uống, phân bón và hợp chất nitơ, săm lốp, găng tay và các sản phẩm nhựa, gốm sứ, vật liệu xây dựng).
Trên thực tế, việc áp dụng Hiệp định này cần một quá trình, có thể là 2-3 năm. Xu hướng đầu tư của các DN châu Âu tại Việt Nam còn tùy thuộc mức độ ảnh hưởng của việc áp dụng Hiệp định trên từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
Bà có thể nói về những vướng mắc trong quá trình đầu tư mà các DN châu Âu kiến nghị cơ quan chức năng ở Việt Nam cần tháo gỡ?
Bà Nicola Connolly: Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của các DN châu Âu tại Việt Nam. Trong số các tiến triển tích cực này, chúng tôi đặc biệt trân trọng việc ban hành những văn bản luật mới bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam vẫn gặp phải một số quan ngại mà chúng tôi nêu trong ấn phẩm thường niên Sách Trắng.
Chẳng hạn như, tình trạng vi phạm và khả năng thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn là vấn đề đáng quan ngại đối với các DN nói chung. Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa các hoạt động bảo vệ quyền SHTT, sự ổn định kết nối internet toàn cầu, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề.
Vượt qua được các thách thức này, Việt Nam sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, đặc biệt ở thời điểm các nước láng giềng đang thách thức lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, giải quyết những vấn đề được đề cập trong Sách Trắng 2016 (sẽ được công bố vào tháng 3 tới) và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!